VTV.vn – Chính phủ Indonesia lên kế hoạch triển khai trợ cấp nhiên liệu thông qua hình thức trợ giá hàng hóa và hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho người dân.
Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên khoáng sản Indonesia cho biết, kế hoạch này sẽ tăng sức mua của người dân Indonesia và đảm bảo mục tiêu hỗ trợ đúng đối tượng. Trước đó, vị Bộ trưởng này cũng đã đề xuất biện pháp để thay thế việc thực hiện trợ cấp nhiên liệu để đảm bảo nguồn ngân sách quốc gia được sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, bao gồm hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho các đối tượng đủ điều kiện được trợ cấp thay vì giảm giá nhiên liệu, hoặc trợ cấp dưới dạng hàng hóa cho các cơ sở công cộng để giúp kiểm soát lạm phát.
Trước đó, Chính phủ Indonesia có kế hoạch cắt giảm tỷ trọng điện than trong cơ cấu năng lượng của nước này xuống còn 33%, đồng thời tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo lên 42% vào cuối năm 2040.
Bộ trưởng điều phối Kinh tế Airlangga Hartarto đã đưa ra tuyên bố này bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Rio de Janeiro, Brazil, đồng thời cho biết Indonesia đã chuẩn bị bổ sung 75 gigawatt năng lượng tái tạo và 70.000 km đường dây truyền tải mới để hiện thực hóa tầm nhìn này. Để đạt được tầm nhìn này, Indonesia sẽ cần nguồn vốn đầu tư là 235 tỷ USD.
Với dân số lớn thứ tư thế giới, Indonesia, là một trong những quốc gia xuất khẩu than nhiệt và phát thải carbon lớn nhất thế giới. Dữ liệu của Bộ Năng lượng và Khoáng sản cho thấy năng lượng tái tạo của nước này chỉ chiếm chưa đến 14% trong cơ cấu năng lượng vào năm ngoái, trong khi than đá đóng góp hơn 40%. Phần còn lại của cơ cấu năng lượng đến từ dầu và khí đốt, chiếm lần lượt hơn 30% và 16%.
Tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) ở Lima, Peru mới đây, Tổng thống Indonesia Prabowo Subianto tuyên bố Indonesia là một trong số ít quốc gia có thể đáp ứng toàn bộ nhu cầu năng lượng trong nước mà không cần dựa vào nhiên liệu hóa thạch. Đó là nhờ đất nước này có nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào.
Thực tế Indonesia đang chậm tiến độ trong nỗ lực giảm lượng khí thải carbon từ sản xuất điện và cam kết đẩy nhanh việc sử dụng năng lượng sạch đã được đưa ra. Năm ngoái, Indonesia đã không đạt được mục tiêu 17,87% năng lượng tái tạo trong tổng cơ cấu năng lượng. Đây là tỷ lệ cần thiết để đưa đất nước đi đúng lộ trình hướng tới mục tiêu của năm 2025.
Hội đồng Năng lượng Quốc gia (DEN) của Indonesia đã đề xuất cắt giảm mục tiêu về tỷ lệ năng lượng tái tạo trong cơ cấu năng lượng xuống chỉ còn từ 17% đến 19% vào cuối năm 2025 so với mức 23% dự kiến trước đó.
Theo Bộ Năng lượng Indonesia, trước đó, bộ này và công ty điện lực nhà nước PLN đã nhất trí tập trung nhiều hơn vào việc kiểm soát khí thải từ các nhà máy điện chạy bằng than, đồng thời duy trì hoạt động của những nhà máy này cho đến hết vòng đời của chúng, thay vì ngừng hoạt động sớm để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!