Thursday, November 28, 2024

Truyền huyết thanh kháng độc cứu bệnh nhân bị rắn độc cắn

VTV.vn – Bệnh nhân 15 tuổi, vào viện trong tình trạng vùng gót chân trái có vết rắn cắn, sưng nề, bầm tím xung quanh, rối loạn đông máu.

Bệnh nhân N.T.T.A., (15 tuổi, trú tại xã Đồng Thắng, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa) khi đi ra sau nhà thì bị rắn cắn (gia đình sau khi xử lý thì xác nhận là rắn tre). Sau cắn, bệnh nhân sưng đau vùng gót chân trái, gia đình xử trí đưa đi đắp lá nhưng triệu chứng sưng đau tăng, gia đình mới chuyển xuống Bệnh viện Nhi Thanh Hóa điều trị. 

Ngay lập tức, các bác sĩ Khoa Hồi sức cấp cứu đã tiến hành sơ cứu, bất động, băng ép, vệ sinh, sát khuẩn tại chỗ vết cắn, truyền huyết thanh kháng nọc độc rắn lục tre theo phác đồ của Bộ Y tế.

Sau truyền huyết thanh kháng nọc độc, tình trạng bệnh nhân được cải thiện rõ rệt, các chỉ sốt xét nghiệm ổn định dần, tại chỗ tổn thương cũng tiến triển tốt hơn, bệnh nhân ổn định được ra viện sau 4 ngày điều trị.

Hằng năm, Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa tiếp nhận nhiều bệnh nhân với tình trạng rất nặng ngộ độc cấp do rắn độc cắn với nhiều loại rắn khác nhau (rắn hổ, rắn lục, rắn cạp nia) xảy ra rải rác các tháng trong năm. Bên cạnh đó, từ năm 2017 đến nay Bệnh viện Nhi Thanh Hóa là đơn vị duy nhất trong tỉnh Thanh Hóa có cung cấp được huyết thanh kháng nọc rắn nên quá trình điều trị rất thuận lợi giảm thời gian điều tri, chi phí nằm viện cũng như giảm được các biến chứng do độc tố của rắn. 

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bệnh nhân chưa được biết đến thuốc huyết thanh kháng nọc rắn nên sử dụng các thuốc dân gian không rõ nguồn gốc, dẫn đến khi vào viện tình trạng đã rất nặng với nhiều biến chứng, gây khó khăn cho quá trình điều trị, kéo dài thời gian nằm viện, tốn kém chi phí cũng như nguồn nhân lực.

Các bác sĩ khuyến cáo: Khi không xác định được loại rắn thì trong bất kỳ trường hợp rắn thường hay rắn độc cắn, nạn nhân cần giữ bình tĩnh, không hoảng sợ, cử động chân tay, đặc biệt vùng bị cắn. Áp dụng biện pháp băng ép bất động với một số loại rắn hổ và tránh không băng ép khi rắn lục cắn.

Khi sơ cứu xong, cần đưa bệnh nhân đến ngay cơ sở y tế có sử dụng huyết thanh kháng nọc rắn, tránh bỏ lỡ thời gian vàng, có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh.

Nguồn: vtv.vn

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img