Nhiều ý kiến liên quan đến việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan hiện nay. Trong đó, có đề xuất quy định học sinh chỉ học 8 tiếng/ngày như người lao động; quản lý dạy thêm như một nghề kinh doanh đặc biệt; đưa quy định dạy thêm vào luật Nhà giáo cụ thể hơn…
Nhiều ý kiến phản ánh việc ép học thêm đang diễn ra rất tinh vi, ở nhà trường là hiện tượng lồng ghép vào thời khóa biểu chính khóa, dùng buổi 2 để dạy thêm; ở ngoài nhà trường thì giáo viên (GV) mở lớp, mở trung tâm dạy thêm nhưng để người thân khác đứng tên… Học sinh (HS) nào không đi học thêm thì bị đủ kiểu gây áp lực.
Trong khi đó, nhu cầu học thêm thầy giỏi là có thật, nhưng nhiều GV dạy chính khóa lại không phải GV mà HS và phụ huynh muốn học thêm. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều HS, phụ huynh phải chấp nhận 2 lần học thêm một môn. Học thêm với chính GV trên lớp để “đẹp lòng” thầy cô, tránh bị coi là lạc lõng với các bạn; còn học thêm ở ngoài với GV giỏi, phù hợp nhu cầu của mỗi HS…
Gần đây, trên một số diễn đàn dành cho phụ huynh chia sẻ lịch học của HS lớp 1 gây “choáng”: học ở trường cả ngày; 19 – 21 giờ 30 đi học thêm; 22 giờ làm bài tập về nhà trên lớp và làm bài tập thêm ở sách nâng cao đến 0 giờ đi ngủ; nếu có đợt kiểm tra thì luyện đề cô cho đến 1 – 2 giờ sáng…
Thông tin này chưa biết thực hư ra sao, nhưng cũng nhận được nhiều bình luận trái chiều. Nhiều phụ huynh chia sẻ lịch học căng như vậy với HS cuối cấp không có gì xa lạ.
Một phụ huynh ở H.Đan Phượng (Hà Nội) cho biết, năm học trước, để luyện thi vào lớp 10, con anh còn có lịch học thêm ở nhà GV vào lúc… 5 giờ sáng, sau đó đến trường học chính khóa, buổi tối tiếp tục học thêm đến 22 giờ, rồi về nhà lại làm bài tập, luyện đề…
VẬN ĐỘNG “NGÀY HỌC 8 GIỜ”
Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, dẫn quy định người lao động chỉ phải làm 8 tiếng/ngày và cho rằng cũng nên quy định HS học không quá thời gian này để trả lại tuổi thơ cho các em.
“Vấn nạn đầu thế kỷ 21 của giáo dục VN là “giáo dục vị thi cử” dẫn đến tình trạng HS đầu tắt mặt tối học suốt ngày: học ở trường, làm bài tập ở nhà, học thêm ngoài nhà trường… Rất nhiều em đang mất đi tuổi thơ của mình. “Giáo dục vị thi cử” làm phát sinh nhiều hệ lụy xã hội, khi cả một thế hệ trẻ em bị ép học quá sức, không có thời gian để các em có tuổi thơ bình thường và phát triển bình thường”, ông Lê Trường Tùng chia sẻ.
Từ thực tế đó, ông Tùng đề xuất: “Phải chăng đã đến lúc vì tương lai con em chúng ta – mà cũng chính là vì tương lai đất nước – cần xác lập và vận động cho phong trào “Ngày học 8 giờ”. 8 giờ ở đây bao gồm toàn bộ thời gian học trên lớp, thời gian làm bài ở nhà và thời gian học thêm. Nhà trường căn cứ vào thời gian đã học ở trường để tính khối lượng bài tập về nhà sao cho tổng thời gian không quá 8 giờ, nếu học ở trường đã đủ 8 giờ thì không giao bài tập về nhà và không học thêm nữa. Nếu học một buổi thì khối lượng bài tập về nhà tối đa 2 giờ, học thêm nếu có (tính cả thời gian tự làm bài tập) tối đa 2 giờ. Những cá nhân và tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường phải đảm bảo thời gian học thêm được tính trong phạm vi 8 giờ học tập của người học”.
Theo ông Tùng, đề xuất trên hoàn toàn có thể thực hiện được trong bối cảnh Quốc hội đang bàn về luật Nhà giáo, theo lời của Tổng Bí thư Tô Lâm: “Chúng ta chắc không có luật về trò, nhưng đã nói đến thầy, phải có trò, và trong luật phải giải quyết được thật tốt mối quan hệ rất quan trọng thầy – trò”.
ĐƯA DẠY THÊM VÀO DANH MỤC KINH DOANH CÓ ĐIỀU KIỆN
PGS Chu Cẩm Thơ, Viện Khoa học Giáo dục VN, cho rằng: “Chúng ta dễ dàng nhận ra dạy thêm thực sự có ảnh hưởng rất lớn đến toàn xã hội. Nếu dựa vào những tiêu chí ảnh hưởng đến an sinh như sự phổ biến của ngành nghề, sự phát triển của nguồn nhân lực… thì chúng ta sẽ thấy dạy thêm thực sự là ngành nghề đặc biệt.
Do đó, việc đưa dạy thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện sẽ giúp kiểm soát tốt hơn các trung tâm dạy thêm, ngăn chặn tình trạng chạy đua điểm số, dạy thêm quá tải, gây áp lực cho HS, cho cả GV”.
PGS Chu Cẩm Thơ cho rằng các đơn vị cung cấp dịch vụ dạy thêm cần phải hoạt động chuyên nghiệp, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất, đội ngũ GV, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc, phối hợp, môi trường học tập lành mạnh, an toàn cho HS. Những việc này sẽ góp phần đảm bảo chất lượng giáo dục. Khi được quản lý như một danh mục kinh doanh có điều kiện, việc quản lý hoạt động dạy thêm sẽ chặt chẽ. Việc đưa dạy thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện sẽ giúp minh bạch hóa thông tin về các đơn vị cung cấp dịch vụ dạy thêm, giúp phụ huynh, HS, GV dễ dàng lựa chọn và so sánh, ngăn chặn hoạt động dạy thêm trái phép, không đảm bảo chất lượng.
Đặc biệt, PGS Chu Cẩm Thơ nêu quan điểm, việc đưa dạy thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện sẽ giúp phân biệt giữa dạy thêm và hoạt động bổ trợ kiến thức tại trường học. Điều này quan trọng trong thực tế hiện nay, khi ranh giới giữa hai hoạt động này mập mờ, khiến không ít nhà trường, tổ chức giáo dục không thực sự làm tốt vai trò, sứ mệnh giáo dục của mình, khiến việc lạm dụng dạy thêm xảy ra. Việc ủng hộ đưa dạy thêm vào danh mục kinh doanh có điều kiện đặt ra cả vấn đề quản lý nhu cầu học thêm và năng lực dạy thêm.
Đối tượng của dạy thêm là HS, phần lớn là những người còn đang ở độ tuổi chịu sự giám hộ, chưa độc lập, chưa tự chủ, chưa thể xác định rõ nhu cầu học thêm của họ. Người tham gia dạy thêm cũng có sự đặc thù, khi ở nước ta hầu hết là những GV đang tham gia giáo dục chính khóa.
Cần quy định rõ về dạy thêm trong luật Nhà giáo
Ông Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), nêu thực tế dạy thêm chưa được quy định rõ ràng trong dự thảo luật Nhà giáo, và đây là một điểm gây tranh cãi. “Tôi cho rằng không nên coi dạy thêm là một hoạt động nghề nghiệp chính thức của GV phổ thông vì nó có thể dẫn đến nhiều hệ lụy. Điều đó không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến HS mà còn làm suy giảm lòng tin của xã hội đối với đội ngũ nhà giáo. Khi dạy thêm trở thành một hoạt động chính thức mà không được kiểm soát chặt chẽ, nó có thể tạo ra sự bất bình đẳng giữa các HS có khả năng chi trả cho việc học thêm và những em không thể”.
Ông Vinh dẫn kinh nghiệm của những quốc gia như Hàn Quốc và Singapore với những mô hình hỗ trợ học tập ngoài giờ rất thành công, nơi GV có thể dạy thêm hợp pháp và có tổ chức, nhưng không được phép dạy HS của chính lớp mình để tránh xung đột lợi ích. Vì vậy, nếu VN quyết định đưa dạy thêm vào phạm vi hoạt động nghề nghiệp của nhà giáo, cần phải có các quy định chặt chẽ, minh bạch về điều kiện thực hiện và đảm bảo rằng dạy thêm không ảnh hưởng đến chất lượng dạy học chính khóa. Điều này sẽ giúp dạy thêm trở thành một hoạt động bổ ích, có lợi cho HS mà không gây ra bất công. Ông Vinh cũng đề nghị, dự thảo luật Nhà giáo cần quy định về dạy thêm trong giáo dục phổ thông ở từng cấp học.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương), có một bộ phận GV đặt nặng vấn đề dạy thêm, học thêm để có thêm thu nhập, việc này một phần liên quan đến tiền lương của nhà giáo. Vậy, để chống dạy thêm, học thêm biến tướng tràn lan, thì cải thiện thu nhập cho GV cũng là một giải pháp. Ngoài ra, việc ép buộc dạy thêm, học thêm liên quan đến đạo đức nhà giáo, cần có giải pháp nâng cao đạo đức nhà giáo, giải quyết dứt điểm vấn đề này.
Nguồn: thanhnien.vn