Áp lực đang đè nặng lên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khi ngày càng nhiều chính đảng kêu gọi người đứng đầu nước Pháp từ chức trong bối cảnh người được ông Macron chỉ định làm Thủ tướng gặp bế tắc trong nỗ lực thông qua Dự luật ngân sách năm 2025 và chính phủ non trẻ đứng trước nguy cơ sụp đổ.
Sau hơn 2 ngày tham vấn chính trị với lãnh đạo các chính đảng tại Quốc hội, Thủ tướng Pháp Michel Barnier vẫn bế tắc trong nỗ lực tìm kiếm sự ủng hộ cho Dự luật ngân sách năm 2025.
Đảng đối lập cực tả “Nước Pháp bất khuất” dẫn đầu liên minh cánh tả “Mặt trận bình dân mới” (NFP) loại bỏ mọi khả năng đồng thuận đối với Dự luật ngân sách năm 2025 của chính phủ. Đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” (RN) tiếp tục nhấn mạnh sẽ ủng hộ bỏ phiếu “bất tín nhiệm” nếu Thủ tướng Michel Barnier không đáp ứng các yêu cầu sửa đổi mà đảng này đặt ra, nhất là về bãi bỏ tăng thuế điện và đảm bảo tăng lương hưu theo lộ trình đã cam kết.
Do không có thế đa số, Thủ tướng Michel Barnier nhiều khả năng sẽ phải vận dụng điều 49.3 trong Hiến pháp để áp đặt thông qua. Tuy nhiên, động thái đồng nghĩa sẽ kích hoạt một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội đối với ông Michel Barnier mà các lực lượng đối lập đã cảnh báo, điều có thể khiến chính phủ mới chỉ được hình thành cách đây hơn 2 tháng sụp đổ.
Hai lực lượng đối lập chính là đảng cực tả “Nước Pháp bất khuất” và đảng cực hữu “Tập hợp quốc gia” (RN) đều cho rằng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải chịu trách nhiệm cho tình trạng bế tắc chính trị hiện nay tại Pháp, đồng thời kêu gọi người đứng đầu nước Pháp từ chức nếu chính phủ non trẻ của Thủ tướng Michel Barnier không vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Nhiều nghị sĩ Quốc hội tự do và chính trị tại Pháp cũng đánh giá sự ra đi của Tổng thống Macron sẽ giải quyết tình hình hỗn loạn chính trị hiện nay.
Phát biểu trên đài BFMTV, thị trưởng thành phố Meaux, cựu bộ trưởng ngân sách Pháp và là thành viên đảng “Những người cộng hoà” cánh hữu của Thủ tướng Barnier, ông Jean-François Copé cho rằng Tổng thống cần phải chịu trách nhiệm cho tình hình xuất phát từ quyết định bất ngờ giải tán Quốc hội hồi tháng 6/2024.
“Chỉ có duy nhất một lối thoát cho tình hình hiện nay: đó là tổ chức một cuộc bầu cử Tổng thống mới trước thời hạn. Tổng thống cũng cần hiểu rằng ông ấy không thể tại vị đến năm 2027. Đây là điều không thể”, ông ông Jean-François Copé nói.
Theo cuộc thăm dò do Viện nghiên cứu Elabe thực hiện ngày 27/11, 63% người Pháp được hỏi ủng hộ Tổng thống Emmanuel Macron từ chức trong trường hợp chính phủ của Thủ tướng Michel Barnier sụp đổ. Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đến nay vẫn loại bỏ khả năng từ chức.
Trước đó, vào tháng 9/2024, đảng cực tả “Nước Pháp bất khuất” từng gửi đề xuất phế truất Tổng thống Pháp Macron với lý do từ chối bổ nhiệm bà Lucie Castets vào vị trí Thủ tướng, ứng cử viên của Liên minh cánh tả NFP, lực lượng về đầu tại cuộc bầu Quốc hội tháng 7/2024 nhưng đề xuất này đã bị Uỷ ban Pháp luật Quốc hội bác bỏ.
Nguồn: vov.vn