Kể với đài BBC, diễn viên lồng tiếng Tim Heller nói rằng anh rất đỗi kinh ngạc khi lần đầu tiên nghe thấy giọng nói nhân bản của chính mình. Năm nay 29 tuổi, Tim Heller sinh sống ở bang Texas (Mỹ), làm mọi thứ để kiếm tiền từ lồng tiếng cho phim hoạt hình, thu âm sách nói, phim tài liệu hay lồng tiếng cho các trò chơi điện tử, các đoạn giới thiệu phim. Để có thu nhập ổn định hơn, Tim Heller quyết định nhân bản giọng nói vì anh có thể nhận cùng lúc nhiều dự án mà không cần đến phòng thu âm. Công nghệ này không chỉ giúp tạo thêm thu nhập cho Tim Heller, mà còn có thể tiết kiệm thời gian cho đối tác làm việc với nam diễn viên. Nói như đài BBC, nhờ công nghệ này mà các diễn viên, những người nổi tiếng có thể ở nhiều nơi cùng lúc.
Để nhân bản giọng nói, Tim Heller tìm đến công ty có trụ sở tại thành phố Boston tên là VocaliD. Công ty VocaliD do giáo sư Rupal Patel thuộc Trường Đại học Northeastern thành lập vào năm 2014 để bảo tồn và tái tạo giọng nói của con người bằng trí thông minh nhân tạo. VocaliD sử dụng các thuật toán phân tích giọng nói, xây dựng một bộ công cụ giọng nói giống hệt bản gốc do trí tuệ nhân tạo (AI) tạo ra. VocaliD đã giúp thay đổi cuộc sống của những người đối mặt với nguy cơ mất khả năng nói sau phẫu thuật hoặc bệnh tật. Giờ đây, công nghệ nhân bản giọng nói tiếp tục mở rộng đối tượng, đặc biệt khiến các diễn viên quan tâm vì phần mềm có thể tự “học và thích ứng”.
Trí tuệ nhân tạo (AI) giúp “hồi sinh” huyền thoại quá cố làng nhạc Hàn Quốc Kim Kwang Seok (trái) và giọng ca nổi tiếng Nhật Bản Hibari Misora
|
Ngoài ra, nhân bản giọng nói cũng có thể được sử dụng để dịch lời thoại của diễn viên sang các ngôn ngữ khác. Như vậy, các công ty sản xuất phim của Mỹ sẽ không còn cần phải thuê thêm người để làm phiên bản lồng tiếng cho phim khi phân phối ở nước ngoài. Công ty Resemble AI của Canada cho biết hiện tại họ có thể nhân bản giọng nói tiếng Anh sang 15 ngôn ngữ khác. Giám đốc điều hành của Resemble AI – ông Zohaib Ahmed nói rằng để tạo ra một bản sao chất lượng giọng nói của diễn viên nào đó, phần mềm cần bản ghi âm người đó nói trong vòng 10 phút.
Ông Zohaib Ahmed nói: “Khi AI học giọng nói của diễn viên, nó sẽ học được nhiều đặc tính như âm sắc, cao độ và cường độ. Thậm chí, AI có thể học được rất nhiều đặc điểm khác của giọng nói mà chúng ta không nhận ra”. Nữ diễn viên Rebecca Damon, Phó chủ tịch của Hiệp hội diễn viên Mỹ (SAG), nhận định: “Nhân bản giọng nói có thể đại diện cho một ngành công nghiệp mới thú vị và có tiềm năng sinh lợi cho các diễn viên”.
Trước đây vào năm 2019, công nghệ nhân bản giọng nói được nhắc nhiều khi tái tạo giọng ca của cố ca sĩ nổi tiếng Nhật Bản Hibari Misora, biểu diễn một ca khúc mới. Gần đây nhất, vào đầu năm 2021, giọng hát của nam ca sĩ Hàn Quốc Kim Kwang Seok được tái hiện trên sân khấu đài SBS nhờ trí tuệ nhân tạo (AI).