Mỹ và Trung Quốc đang tăng tốc ‘ăn miếng trả miếng’ lẫn nhau trong lĩnh vực bán dẫn giữa bối cảnh thương chiến hai bên chưa có hồi kết.
“Ăn miếng trả miếng”
Thông tin về DJI và Autel Robotics trên là diễn biến mới nhất xoay quanh cuộc thương chiến đang leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ nói chung, ngành bán dẫn nói riêng.
Ngay đầu tuần này, ngày 9.12, Trung Quốc thông báo đã mở một cuộc điều tra đối với NVIDIA, nhà sản xuất chip hàng đầu của Mỹ hiện nay. Cuộc điều tra được tiến hành nhằm làm rõ NVIDIA có vi phạm luật chống độc quyền của Trung Quốc hay không. Tuy nhiên, nhà chức trách Trung Quốc không nêu chi tiết là tập đoàn này có thể đã vi phạm luật chống độc quyền của Trung Quốc như thế nào. Động thái điều tra NVIDIA được xem là phát súng của Bắc Kinh để trả đũa các hạn chế mới nhất của Washington đối với lĩnh vực chip Trung Quốc.
Tuần trước, 4 hiệp hội ngành của Trung Quốc đã đưa ra một phản ứng hiếm hoi cho rằng doanh nghiệp nước này cảnh giác với việc mua chip của Mỹ vì nguy cơ “không còn an toàn”. Theo đó, doanh nghiệp Trung Quốc nên mua chip nội địa.
Ngược lại, cũng vào tuần trước, Washington phát động chiến dịch mới nhằm trừng phạt ngành công nghiệp bán dẫn của Trung Quốc bằng cách hạn chế doanh nghiệp Mỹ xuất khẩu cho 140 công ty của Trung Quốc, bao gồm cả các nhà sản xuất thiết bị chip. Ngay sau thông báo của Washington, Bắc Kinh đã cấm xuất khẩu sang Mỹ các khoáng sản quan trọng như gallium, germanium và antimon. Đây là những vật liệu cần thiết mà Mỹ lệ thuộc vào Trung Quốc để phát triển ngành bán dẫn.
Ngày 1.12, truyền thông quốc tế đưa tin Trung Quốc vừa thông qua danh sách gồm 700 mặt hàng bị hạn chế xuất khẩu. Trong đó có nhiều mặt hàng mà Mỹ rất cần để phát triển các sản phẩm quan trọng, đặc biệt về công nghệ. Điển hình danh sách này bao gồm đất hiếm cùng một số linh kiện công nghệ cơ bản mà lâu nay Mỹ vẫn phụ thuộc vào nguồn cung cấp từ Trung Quốc. Danh mục hạn chế xuất khẩu trên có hiệu lực từ ngày 1.12. Từ tháng 8.2023, Trung Quốc đã áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với gallium và gecmani. Trong đó, gallium được sử dụng trong chất bán dẫn hỗn hợp, thường được sử dụng để nâng cao tốc độ truyền và tăng hiệu quả của radar.
Chạy đua tăng cường vị thế
Trả lời Thanh Niên vào hôm qua (10.12) xoay quanh động thái của Trung Quốc đối với NVIDIA, bà Bonnie S.Glaser (Giám đốc Chương trình Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, Quỹ Marshall Đức tại Mỹ) nhận xét: “Chính phủ Trung Quốc trước nay đã sử dụng các cuộc điều tra pháp lý nhằm vào các doanh nghiệp nước ngoài để phản ứng với các chính phủ. Động thái điều tra NVIDIA có thể là một trong những bước mà Bắc Kinh đang thực hiện để trả đũa việc Washington thắt chặt kiểm soát xuất khẩu đối với việc bán chip cho Trung Quốc”.
Tương tự, GS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế – Nhật Bản, học giả tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật) đánh giá: “Quan hệ hai bên đang bước vào giai đoạn Bắc Kinh đáp trả các biện pháp của Washington vốn làm suy yếu sự phát triển công nghiệp và công nghệ của Trung Quốc. Bắc Kinh sẽ tiến hành các cuộc điều tra như cách đang nhằm vào NVIDIA. Việc “ăn miếng trả miếng” này sẽ còn xảy ra nhiều hơn nữa giữa hai bên trong thời gian tới, đặc biệt là sau khi ông Donald Trump nhậm chức tổng thống Mỹ. Hai bên đang cố gắng tăng cường vị thế để cạnh tranh chiến lược cũng như đàm phán thương mại. Ông sẽ còn chống Trung Quốc về mặt chính sách thương mại và bất bình đẳng”.
TikTok xin “ân huệ” của tòa án Mỹ
Tờ South China Morning Post đưa tin TikTok và công ty mẹ Trung Quốc là ByteDance ngày 9.12 đã đệ đơn yêu cầu tòa phúc thẩm liên bang tạm thời chặn một đạo luật có thể dẫn đến lệnh cấm của Mỹ đối với ứng dụng video ngắn phổ biến vào tháng tới trong khi chờ Tòa án Tối cao Mỹ xem xét.
Nguồn: thanhnien.vn