Hà Nội đẩy mạnh giao thông xanh, kiểm soát khí thải và lập vùng phát thải thấp, hướng đến cải thiện chất lượng không khí và xây dựng tương lai bền vững.
Trong bức tranh tổng thể về ô nhiễm không khí, phương tiện giao thông được xác định là nguồn phát thải lớn nhất tại Hà Nội. Theo thống kê, xe máy chịu trách nhiệm chính cho lượng khí ôxit nitơ (NOx) và carbon monoxide (CO) trong không khí, trong khi xe tải hạng nặng là nguồn phát thải lớn nhất của bụi mịn PM2.5. Những phương tiện giao thông cũ kỹ và không đạt tiêu chuẩn khí thải đang là nguyên nhân chủ yếu khiến chất lượng không khí ngày càng suy giảm.
Trước thực trạng này, chính quyền Hà Nội đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông. Trong phiên chất vấn ngày 11/12, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, thành phố sẽ tập trung giảm thiểu phương tiện chạy bằng xăng dầu trong các vùng phát thải thấp. Các biện pháp được đề xuất bao gồm hỗ trợ đổi xe cũ, cung cấp vốn vay ưu đãi và giảm giá xe điện nhằm khuyến khích người dân chuyển đổi từ xe máy cũ gây ô nhiễm sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch.
Đặc biệt, dự thảo nghị quyết về vùng phát thải thấp, dự kiến được HĐND TP Hà Nội thông qua trong kỳ họp thứ 20, đặt ra nhiều tiêu chí và điều kiện nghiêm ngặt. Theo dự thảo, chỉ những phương tiện giao thông không phát sinh khí thải, sử dụng năng lượng sạch hoặc thân thiện môi trường mới được phép lưu thông trong vùng phát thải thấp. Xe tải hạng nặng chạy bằng dầu diesel sẽ bị cấm hoàn toàn, trong khi xe ô tô không đạt tiêu chuẩn khí thải mức 4 và xe máy không đạt tiêu chuẩn mức 2 sẽ bị hạn chế lưu thông theo khung giờ hoặc khu vực.
Dự thảo cũng đề xuất áp dụng các loại phí và lệ phí đối với phương tiện cơ giới đường bộ có phát thải khi lưu thông trong vùng phát thải thấp. Từ năm 2025 đến 2030, Hà Nội dự kiến thí điểm lập vùng phát thải thấp tại một khu vực thuộc quận Hoàn Kiếm và mở rộng ra các khu vực khác từ năm 2031 trở đi.
Chuyển đổi sang giao thông xanh không chỉ là nhu cầu cấp bách mà còn mở ra nhiều cơ hội mới. Theo GS. Daniel Kammen, Đại học California, Berkeley, tại các quốc gia như Anh, Mỹ, Trung Quốc bắt đầu sử dụng nhiều xe điện. Đặc biệt, bang Califonia đã ký nhiều thoả thuận đến 2030 không bán xe còn phát thải. Ở San Francisco thúc đẩy công nghệ mạnh hơn để xe điện có thể tạo ra bình đẳng xã hội, mọi người có thể tiếp cận xe năng lượng sạch, từ đó thúc đẩy thành công giảm phát thải.
Những bài học từ các quốc gia như Anh, Mỹ và Trung Quốc cho thấy việc chuyển đổi sang giao thông xanh không chỉ khả thi mà còn là xu hướng tất yếu để bảo vệ môi trường và cải thiện chất lượng sống. Những nỗ lực của Hà Nội, từ việc thúc đẩy sử dụng xe điện đến quy định vùng phát thải thấp, là bước đi cần thiết và đúng đắn. Nếu được thực hiện hiệu quả, các giải pháp này không chỉ giúp Hà Nội cải thiện chất lượng không khí mà còn đặt nền móng cho một tương lai xanh, sạch và bền vững hơn.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn