Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 9100/VPCP-QHQT truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn về việc thực hiện Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2025.
Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương, chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tổ chức thực hiện các hoạt động kỷ niệm Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2025; đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện và báo cáo theo Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030” ban hành kèm theo Quyết định số 930/QĐ-TTg ngày 03 tháng 8 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Ảnh minh họa. Nguồn: chinhphu.vn. |
Các bộ: Công an, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, theo chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với Bộ Ngoại giao triển khai thực hiện các hoạt động kỷ niệm Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2025, gửi báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Ngoại giao trước ngày 01/12/2025 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
* Tại Quyết định 930/QĐ-TTg ngày 03/8/2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 – 2030” (Đề án).
Theo Đề án, hằng năm tổ chức Ngày Tôn vinh tiếng Việt vào ngày 08/9 nhằm nâng cao ý thức của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đối với tiếng Việt, tôn vinh vẻ đẹp, giá trị của tiếng Việt trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, động viên, khuyến khích và tôn vinh các cá nhân, tổ chức, hội đoàn đã có đóng góp tích cực trong việc gìn giữ và lan tỏa tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; duy trì sử dụng tiếng Việt trong gia đình người Việt Nam ở nước ngoài trong sinh hoạt giao tiếp hàng ngày của gia đình; lan tỏa tiếng Việt đến người nước ngoài.
Tạo động lực nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng; thúc đẩy chính quyền sở tại và các thiết chế giáo dục đưa tiếng Việt vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục ở các địa bàn có đông người Việt Nam; hỗ trợ các trường đại học, viện nghiên cứu đang có khoa hay bộ môn giảng dạy và nghiên cứu tiếng Việt phát triển mạnh hơn nữa việc nghiên cứu, giảng dạy và truyền bá tiếng Việt. Thúc đẩy việc đưa tiếng Việt thành ngoại ngữ chính thức bên cạnh các ngoại ngữ khác ở các địa bàn đang có nhiều thuận lợi./.
Nguồn: dangcongsan.vn