Monday, December 16, 2024

Điện Biên tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Ngành nông nghiệp tỉnh Điện Biên tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi liên kết bền vững gắn với các sản phẩm chủ lực, lợi thế.

Ông Lò Văn Cương- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên cho biết: Ngành nông nghiệp Điện Biên đang đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng sản xuất quy mô lớn; tăng cường phối hợp, liên hệ, kêu gọi thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh theo hướng liên kết gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm bền vững.

Phát triển bền vững

Trên thực tế, những năm gần đây Điện Biên đã đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Tỉnh tập trung triển khai có hiệu quả các kể hoạch, đề án phát triển sản xuất, nông, lâm nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng. Các cấp, các ngành đã tăng cường phối hợp, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Hiện tại, toàn tỉnh đã chuyển đổi 2.668,22 ha diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả (chủ yếu là lúa nương) sang các loại cây trồng khác; tiếp tục duy trì khoảng trên 10.000 ha diện tích đất trồng lúa chất lượng cao.

Điện Biên tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Ông Lê Thành Đô – Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên (đứng thứ 2 gần màn hình) thăm quan mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Nậm Pồ.

“Xuất phát từ nhu cầu tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn, thuận lợi cho ứng dụng khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất; tạo ra ngày càng nhiều vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, chất lượng cao, bước đầu trên địa bàn tỉnh đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa như: Vùng sản xuất lúa tập trung với quy mô khoảng 4.000 ha tại các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng và thành phố Điện Biên Phủ; vùng chè Shan tuyết tại huyện Tủa Chùa sản xuất theo hướng hữu cơ quy mô 600 ha; vùng sản xuất cà phê tại các huyện Mường Ảng, Tuần Giáo, quy mô khoảng 3.000 ha; vùng sản xuất rau tại huyện Điện Biên, Tuần Giáo và thành phố Điện Biên Phủ, quy mô 230 ha; vùng trồng cây ăn quả tập trung tại các huyện: Điện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo quy mô khoảng 3.000 ha”- ông Lò Văn Cương chia sẻ.

Đặc biệt, đề án “Bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với sản phẩm OCOP và du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030” được quan tâm triển khai thực hiện có hiệu quả. Qua đó, phát triển thương hiệu, mở rộng thị trường, liên kết đối với các sản phẩm, hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Ước đến hết năm 2024, tỉnh Điện Biên có 27 sản phẩm OCOP (gồm 67 sản phẩm đạt 3 sao; 05 sản phẩm đạt 04 sao), tăng 16 sản phẩm so với năm trước.

Điện Biên tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Sản phẩm nghề truyền thống làm giày và trang phục người Xạ Phang, thôn Tả Sìn Thàng, xã Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa).

Với những nỗ lực không ngừng trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, năm 2024 toàn tỉnh đã thu hút và chấp thuận chủ trương đầu tư thêm 02 dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với tổng vốn đăng ký là 520,64 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn lên 32 doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Điện Biên đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, năm 2024, toàn tỉnh có 236 Hợp tác xã (HTX) nông, lâm, thủy sản (tăng 10 HTX so với năm 2023) với 220 HTX nông, lâm nghiệp, 16 HTX thuỷ sản. HTX nông, lâm nghiệp hoạt động ở 2 loại hình chủ yếu là: trực tiếp sản xuất (chăn nuôi gia súc, gia cầm; trồng cây lâm nghiệp, công nghiệp, cây lương thực, cây ăn quả…) và kinh doanh dịch vụ (làm đất, tưới tiêu, giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật…). Số HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả (đạt loại khá, tốt trở lên phân loại theo Thông tư 09 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) là 36 HTX.

Lồng ghép hiệu quả

Năm 2025, Điện Biên tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp và kinh tế nông thôn. Tỉnh sẽ huy động, lồng ghép các nguồn lực để triển khai có hiệu quả các kế hoạch, đề án phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; tập trung vào các sản phẩm chủ lực, đặc sản của từng địa phương theo chuỗi liên kết bảo đảm chất lượng, thúc đẩy việc chuẩn hóa chất lượng nguồn giống, vùng sản xuất. Đồng thời, chủ động xây dựng phương án sản xuất trong năm phù hợp với điều kiện nguồn nước, chuyển đổi các diện tích đất lúa kém hiệu quả sang các cây trồng khác có thị trường và thu nhập cao hơn; tiếp tục chú trọng duy trì và nâng cao chất lượng, giá trị thương hiệu gạo Điện Biên; tiếp tục mở rộng diện tích, phát triển cây ăn quả, cây ngắn ngày và các cây trồng có lợi thế như: mắc ca, cao su, cà phê, chè, quế, sa nhân; tập trung khai thác lợi thế mặt nước từ hệ thống sông, suối, ao, hồ thủy lợi, thủy điện để phát triển nuôi trồng thủy sản, phát triển các vùng nuôi thủy sản thâm canh ứng dụng công nghệ cao.

Điện Biên tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Trồng cây mắc ca tại xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên.

Tỉnh phát triển lâm nghiệp theo chuỗi từ phát triển rừng, bảo vệ rừng, sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản. Tiếp tục thực hiện tốt các cơ chế, chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển lâm nghiệp, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; phòng chống cháy rừng, không để xảy ra điểm nóng vi phạm pháp luật về lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; tăng cường quản lý bảo vệ các khu rừng đặc dụng, phòng hộ, rừng tự nhiên có các loài cây quý, hiểm trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Lò Văn Cương: Điện Biên sẽ đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 theo hướng tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả và đảm bảo tính bền vững, ưu tiên hỗ trợ các vùng khó khăn, quyết tâm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Tận dụng tối đa nguồn lực Chương trình MTQG để đẩy mạnh các mô hình dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết, sản xuất cộng đồng. Phấn đấu năm 2025 có 25/115 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, tăng 01 xã so với năm 2024; số tiêu chí bình quân đạt 15,46 tiêu chí/xã.

Tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với sản phẩm OCOP và du lịch nông nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030”; thực hiện rà soát các sản phẩm tiềm năng tại cơ sở ngay từ đầu năm, để hỗ trợ trực tiếp cho chủ thể trong phát triển sản phẩm cũng như trong quá trình hoàn thiện hồ sơ cho việc tham gia đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP trong năm; hướng dẫn, cấp, quản lý mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý sản phẩm. Kiểm soát chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm, nông, lâm và thủy sản”.

Điện Biên tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới

Giới thiệu sản phẩm địa phương tại hội thảo quốc tế về xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch VACOD – Điện Biên.

Về lâu dài, Điện Biên xác định tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tạo ra các sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng và từng bước nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân.

 
 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img