Monday, December 16, 2024

Bếp ăn trường học phải là ‘giảng đường thứ 2’

Bếp ăn trường học phải là ‘giảng đường thứ 2’ và người làm trong nhà bếp, bảo mẫu, nhân viên y tế trường học… phải là những nhà giáo dục bởi đều có ảnh hưởng mạnh mẽ tới học sinh.

TS Lê Văn Tuấn, chuyên viên cao cấp, Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD-ĐT, đã nhấn mạnh như vậy tại các buổi tập huấn công tác tổ chức bữa ăn bán trú đảm bảo an toàn thực phẩm và dinh dưỡng hợp lý cho trường tiểu học diễn ra tại TP.HCM tuần qua.
Bếp ăn trường học phải là 'giảng đường thứ 2'

Học sinh làm bảo mẫu, giúp chia suất ăn cho các bạn để học tinh thần yêu lao động

ẢNH: THÚY HẰNG

KHÔNG THỂ XEM NHẸ

Theo TS Tuấn, xã hội ngày càng quan tâm tới chất lượng giáo dục, bữa ăn lành mạnh và việc rèn luyện thể chất của học sinh (HS), đặc biệt từ sau đại dịch Covid-19.

Ông cho hay tại TP.HCM hiện có 3 hình thức bếp ăn bán trú trong trường tiểu học, gồm: Nhà trường trực tiếp quản lý, điều hành; đơn vị cung cấp dịch vụ nấu tại trường; đặt suất ăn từ đơn vị cung cấp từ bên ngoài. Ông Tuấn nhấn mạnh với hình thức nào thì tất cả bếp ăn phải tuân thủ quy định an toàn thực phẩm.

TS Tuấn yêu cầu tất cả các khâu, điều kiện trong bếp ăn bán trú, từ cơ sở vật chất, nơi chế biến, khu vực ăn uống, khu trưng bày bảo quản thức ăn, người làm việc trong bếp, hệ thống sổ sách ghi chép kiểm thực và lưu mẫu đều phải được tuân thủ nghiêm ngặt. Đồng thời, phải khẳng định trách nhiệm rất lớn của nhà trường, ban giám hiệu trong khâu xây dựng cơ chế, bảo đảm nhân lực, kiểm tra, giám sát bếp ăn.

Ông Tuấn nêu ví dụ vừa qua ở một số tỉnh phía bắc có câu chuyện thời gian dài các HS phải ăn thực phẩm nguy hại cho sức khỏe do ban giám hiệu nhà trường không quan tâm mà giao phó hết cho nhà bếp, công ty cung cấp suất ăn; không ai kiểm tra, giám sát, để tình trạng này xảy ra kéo dài. Hay có nơi, hiệu trưởng cả tháng không xuống bếp ăn của học trò…

NHỮNG BÀI HỌC

Bếp ăn không đơn thuần chỉ là nơi HS ăn cho nhanh, cho xong. TS Tuấn cho hay việc tổ chức giờ ăn cũng phải có tính giáo dục. Trước tiên là nền nếp, ăn ngủ đúng giờ. Giờ ăn phải được tổ chức nhân văn, khoa học, HS biết tự phục vụ, dọn dẹp…

“Tôi được đến thăm nhiều trường học tại Nhật Bản, họ tổ chức giờ ăn hay lắm. Các em được tạo hứng thú đến giờ ăn vì được ăn ngon, gặp các cô nhà bếp ai cũng tươi cười, HS đón khay cơm từ các cô thì cúi người cảm ơn. Bạn nào cũng ăn hết suất ăn của mình. Tôi hỏi lý do, các em trả lời: “Chúng con đã được tới thăm trang trại trồng rau củ và nhà bếp, thấy các cô chú đều làm việc rất vất vả để tạo ra suất cơm này”. Bếp ăn trường học là nơi có thể giáo dục HS rằng mình đang được chăm sóc, thụ hưởng thành quả người lớn mang lại, từ sức lao động của người lớn thì mình phải thưởng thức như thế nào, biết ơn ra sao, tôn trọng công sức của các thầy cô trong nhà bếp thế nào”, TS Tuấn nói.

Để làm được điều đó, theo TS Tuấn, bước vào trường thì đầu bếp, cấp dưỡng, bảo mẫu, nhân viên y tế trường học đều phải là những nhà sư phạm. Cách mỗi người thể hiện với HS, từ dáng đi đứng, ánh mắt, ứng xử trong nhà bếp, nhà ăn… đều có thể ảnh hưởng, tác động lớn tới các em. Do đó, mỗi người, dù ở bất kỳ vị trí nào cũng cần hoàn thành tốt chức trách của mình. Ban giám hiệu cũng cần thường xuyên xuống bếp ăn, quan tâm từ việc ánh sáng nhà ăn có đảm bảo, có nóng hay ồn quá không; bàn ghế sạch sẽ không; HS có thoải mái không; có xứng đáng là “giảng đường thứ 2” của HS không?

Bếp ăn trường học phải là 'giảng đường thứ 2'

Bảo mẫu, nhân viên y tế trường học… cũng là những nhà giáo dục bởi đều có ảnh hưởng mạnh mẽ tới học sinh từ bữa ăn học đường

ẢNH: THÚY HẰNG

GIÚP HỌC SINH CÓ TINH THẦN YÊU LAO ĐỘNG

Không chỉ là giờ ăn cơm, mỗi bữa ăn bán trú ở trường tiểu học tại TP.HCM, HS đều được học nhiều kỹ năng mềm và mỗi nhân viên trường học đều là nhà sư phạm.

Chuông reo báo hiệu giờ ăn bán trú, HS lớp 2/3 Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM đồng loạt đứng dậy xếp hàng rửa tay. Khi trở về vị trí ngồi, các em tự lấy khăn ăn và nghe cô giáo giới thiệu về những món có trong thực đơn, nhóm dinh dưỡng chính của các món và tác dụng với sức khỏe. Sau đó, HS được chia theo nhóm lần lượt lên lấy cơm, đồ ăn dưới sự hỗ trợ của bảo mẫu. Những HS ăn chậm sẽ xếp hàng lấy cơm trước; nhóm HS dư cân sẽ ăn canh và rau trước, cơm và đồ ăn sau. Sau giờ ăn, các em tự dọn dẹp tô muỗng, phân loại rác.

Tại khu vực ăn trưa của HS lớp 4, lần lượt trong ngày sẽ có 2 HS đóng vai bảo mẫu, chia suất ăn cho các bạn với sự hỗ trợ của cô. Sau khoảng 30 phút làm nhiệm vụ, các HS này thay trang phục, ăn suất của mình. Được làm bảo mẫu là niềm vinh dự và trọng trách với nhiều HS. Bạn nào cũng háo hức chờ tới phiên mình. Hết giờ ăn, từng HS phân loại rác, xếp gọn khay đĩa vào vị trí. Đồng thời, có em cầm chổi quét nhà ăn giúp cô, em thì cầm khăn lau, xếp gọn bàn ghế vào vị trí… Cô Ngô Ngọc Mai, nhân viên bảo mẫu lớp 4/6 và 4/7 Trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng, cho hay có HS chia sẻ rất xúc động rằng khi tham gia công việc cùng thầy cô, các em mới biết ở trường thầy cô vất vả ra sao, ở nhà ba mẹ vất vả thế nào để có những bữa cơm ngon…

Có mặt tại Trường tiểu học Trưng Trắc, Q.11, TP.HCM chúng tôi thấy HS hào hứng chờ đến giờ ăn, niềm vui của nhiều em là được ăn cơm cùng bạn thân. Trước giờ ăn, thầy cô có 3 phút trò chuyện với HS về các loại rau củ, thịt cá có trong bữa ăn trưa nay. Tại nhà ăn, từng lớp ngồi theo khu vực của mình, HS xếp hàng lên lấy cơm; ban giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm cùng có mặt trong giờ ăn để nhắc các em ăn nhiều rau, các món cá… Nhân viên y tế trường học và nhà bếp đi quan sát khu vực ăn cơm của HS, xem hôm nay HS ăn hết suất ăn không, món nào còn dư, lắng nghe ý kiến các em góp ý về từng món ăn…

Trong năm học, ban giám hiệu nhiều lần mời phụ huynh HS tới thăm nhà bếp và ăn cơm cùng các em. Điều này không chỉ giúp tăng cường giám sát bữa ăn mà còn giúp ba mẹ hiểu quá trình giáo dục dinh dưỡng trong trường học, từ đó có thể áp dụng trong bữa cơm gia đình để HS có sự phát triển toàn diện.

Nấu ăn cho HS phải như cho con mình

Trao đổi với PV Thanh Niên, bác sĩ Huỳnh Trung Tuần, nhân viên y tế trường học, Trường tiểu học Trưng Trắc, Q.11, TP.HCM, cho biết bữa cơm trong trường học cần tạo không khí vui vẻ thoải mái cho HS, không nạt nộ, la mắng trẻ và khi được ăn cùng các bạn thì trẻ sẽ ăn được nhiều, ngon miệng hơn là ăn một mình.

“Để tạo cho HS bữa ăn bán trú an toàn, đúng chuẩn, ngon miệng, ban giám hiệu phải đặt cái tâm của mình vào đó, phải xem những người ăn cơm là con mình; con mình ăn ngon, ăn hết suất mình mới vui. Cô chủ nhiệm, bảo mẫu cũng vậy, phải xem như con mình đang ăn cơm ở trường”, bác sĩ Tuần nói, đồng thời trao đổi thêm: “Ở đâu đó có nhiều ý kiến phụ huynh rồi HS phản ánh cơm khô, ít, không ngon miệng, các con bỏ dư cơm rất nhiều thì ban giám hiệu cần phải xem lại rồi đặt ra câu hỏi để trả lời. Nếu cần tháo gỡ thì họp cùng phụ huynh để tìm phương án. Trường học có được bữa ăn bán trú an toàn, ngon miệng, thực đơn phong phú là phụ huynh vô cùng yên tâm”.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img