Tuesday, December 17, 2024

Nhất nghệ tinh: Quảng bá di sản trên tà áo dài

Ở dải đất miền Trung có những nghệ nhân mang danh hiệu lẫn lớp thợ bình dị đạt đến trình độ tinh thông trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ, di sản phi vật thể. Họ đều là những người truyền cảm hứng, thêm động lực cho người trẻ tiếp nối giá trị truyền thống.

Làm chủ công nghệ in nhuộm kỹ thuật số, nhà thiết kế Đặng Viết Bảo (41 tuổi) – người đầu tiên được tỉnh Thừa Thiên-Huế phong tặng danh hiệu Nghệ nhân áo dài Huế, đã mang hình ảnh của di sản miền sông Hương, núi Ngự đi muôn phương.

MỖI TẤM VẢI LÀ MỘT TÁC PHẨM NGHỆ THUẬT

Phải nói ngay rằng, nhà thiết kế (NTK) Đặng Viết Bảo là cái tên không xa lạ trong giới thiết kế áo dài cả nước. Trước khi được phong tặng danh hiệu nghệ nhân ở lĩnh vực áo dài năm 2022, ông đã nổi tiếng khi liên tục trình làng những bộ sưu tập (BST) độc đáo. Hay ở vai trò đạo diễn, nhà tổ chức…, ông xuất sắc làm nên những show diễn áo dài gây tiếng vang. Dẫu vậy, không phải ai cũng biết nghệ nhân Viết Bảo còn là người nghiên cứu để in loại vải chuyên may áo dài với những hình ảnh đặc trưng của di sản vật thể lẫn phi vật thể xứ Huế.

Nhất nghệ tinh: Quảng bá di sản trên tà áo dài

Hình ảnh Ngọ môn – Đại nội Huế cùng các hoa văn triều Nguyễn được NTK Đặng Viết Bảo in lên tà áo dài

ẢNH: HOÀNG SƠN

“Huế là cái nôi của áo dài với những nhận diện như: áo dài tím, thợ may kỹ càng, đẹp, rẻ… Nhưng có một thực tế đáng buồn là các thợ lại cạnh tranh nhau, “phá giá” công may nên không nâng tầm được giá trị của chiếc áo dài. Với suy nghĩ, làm sao để khách đến Huế không chỉ may áo dài mà còn mua về loại vải chỉ có ở Huế, tôi đã tìm cách đưa những hình ảnh phong cảnh, công trình, kiến trúc, hoa văn, họa tiết… của triều Nguyễn lên chiếc áo dài”, NTK Viết Bảo chia sẻ. Thông qua ứng dụng công nghệ in chuyển nhiệt kỹ thuật số, năm 2020, ông có sản phẩm đầu tay với hình ảnh là hoa văn cung đình tại Đại nội Huế.

BST Văn hiến kinh kỳ với những chiếc áo dài in họa tiết trang trí của mỹ thuật triều Nguyễn nhận được phản hồi tích cực từ giới chuyên môn. Ông Bảo tiếp tục kết hợp với các nhiếp ảnh gia ghi thêm nhiều hình ảnh là hoa văn, như sóng tam sơn thủy ba, bát bửu, ổ long phụng, chữ phúc – lộc – thọ… để in lên vải. “Để có được tấm vải in hoa văn triều Nguyễn phải trải qua rất nhiều công đoạn. Khi có ý tưởng, việc đầu tiên là tôi sẽ đi thực tế tại các công trình cổ trong hoàng cung, lăng tẩm, chùa chiền… để tìm cảm xúc. Tiếp đó, tôi cùng các nhiếp ảnh gia đi chụp hình rồi mang về lên bản thảo, xử lý đồ họa… Công đoạn in thì chỉ cần đưa hình ảnh lên giấy thuốc rồi ép giấy thuốc lên vải mềm tổng hợp, dùng thiết bị in chuyển nhiệt là hoàn tất”, ông chia sẻ.

Trên những tà áo dài do ông Bảo in cũng xuất hiện hình ảnh biểu tượng của xứ Huế, như: cầu Trường Tiền, Ngọ môn – Đại nội Huế, chùa Thiên Mụ, Phu Vân lâu, Cửu đỉnh… được chấm phá nhẹ nhàng qua các tác phẩm ký họa. Đây là những bức tranh do các họa sĩ sáng tác bản quyền, kết hợp với họa tiết của triều Nguyễn để in lên vải.

Nhất nghệ tinh: Quảng bá di sản trên tà áo dài

Ông Bảo thiết kế nhiều sản phẩm lưu niệm in hoa văn lấy cảm hứng từ mỹ thuật triều Nguyễn

ẢNH: HOÀNG SƠN

LẤY DI SẢN LAN TỎA GIÁ TRỊ DI SẢN

NTK Đặng Viết Bảo kể đến với nghề nhuộm, in vải áo dài, ông cũng gặp những rủi ro khó lường. Có lần, ông chuyển mẫu để in tại một cơ sở phía nam thì không may bị một nhân viên đánh cắp mẫu thiết kế rồi tuồn ra ngoài. Bẵng đi thời gian, ông tình cờ phát hiện mẫu này được in lên vải và bán ra thị trường. Trí tuệ bị đánh cắp và bị cạnh tranh ngay trên đất Huế, ông quyết tâm đầu tư thiết bị in chuyển nhiệt kỹ thuật số để vừa giữ được bản quyền mẫu in vừa thỏa sức sáng tạo những tác phẩm áo dài gắn liền với di sản mà bấy lâu nay ấp ủ.

Có được dây chuyền in hiện đại, mùa tết năm 2022, NTK Viết Bảo ra mắt công chúng BST Tranh tết trên áo dài Việt với 30 mẫu thiết kế áo dài nam, nữ và trẻ em. Các mẫu được ông lấy cảm hứng từ tranh làng Sình – loại hình hội họa dân gian độc đáo của xứ Huế. Những bức tranh cổ truyền với hình tượng vòng tròn 12 con giáp, hình ảnh bát âm là các cô gái cầm nhạc cụ, được ông khéo léo khắc họa nhằm tôn vinh nhã nhạc Huế (được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2003). Cũng trong BST này, ông sử dụng những họa tiết trang trí từ tranh Hàng Trống, Đông Hồ làm áo dài du xuân trở nên sống động mà không bị lòe loẹt. Gần đây, tại Lễ hội Áo dài Huế 2024, ông tiếp tục làm nên BST mới Phượng vũ ngô đồng với cảm hứng từ loài hoa ngô đồng trong Đại nội.

Không chỉ di sản văn hóa Hoàng thành Huế được ông Bảo đưa vào áo dài truyền thống mà khi có ý tưởng quảng bá giá trị di sản của bất cứ vùng đất, địa phương nào, ông cũng miệt mài tìm tòi để có mẫu thiết kế độc đáo. Mang chiếc áo dài có phần ống tay được làm từ thổ cẩm của đồng bào dân tộc ở miền núi cho PV Thanh Niên xem, NTK Viết Bảo kể đây là cách ông tôn vinh giá trị của zèng. “Zèng là loại vải được dệt thủ công, là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của người Tà Ôi cư trú tại H.A Lưới, Thừa Thiên-Huế…”, ông cho hay.

Có óc thẩm mỹ cao cùng việc làm chủ công nghệ in, ông Bảo chia sẻ chỉ cần cho đề tài, ông có thể “phù phép” để những hình ảnh, giá trị di sản khắp cả nước như phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Hoàng thành Thăng Long… đi vào tà áo dài đầy tính nghệ thuật. “Tháng 8.2024, tri thức may, mặc áo dài Huế đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Với lợi thế được nhiều người biết đến, tôi luôn cố gắng đưa vào áo dài những hình ảnh, chất liệu có thể góp phần quảng bá di sản khác. Đó cũng là niềm vui của một nhà thiết kế áo dài như tôi…”, ông trải lòng. 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img