VTV.vn – Bệnh sởi là bệnh truyền nhiễm cấp tính gây ra nhiều hệ lụy đối với sức khỏe người mắc bệnh, đặc biệt đối với trẻ em.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk, tính đến ngày 12/12, trên địa bàn tỉnh ghi nhận hơn 800 trường hợp mắc sởi, tập trung nhiều nhất tại TP Buôn Ma Thuột với gần 400 trường hợp, huyện Lắk gần 90 trường hợp, Krông Pắc hơn 70 trường hợp…
Tại Khoa Nhi tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 700 trường hợp bệnh nhi mắc sởi, hiện khoa vẫn đang điều trị cho hơn 70 bệnh nhi mắc sởi. Trong đó, rất nhiều trường hợp bệnh nhi nhập viện điều trị với các biến chứng nặng của bệnh sởi như tiêu chảy, viêm phổi, viêm tai giữa, viêm loét giác mạc…
Theo bác sĩ Trần Thị Thúy Minh – Trưởng Khoa Nhi tổng hợp, hầu hết các trường hợp trẻ mắc sởi đều chưa được tiêm phòng vaccine trong đó có nhiều trẻ mắc sởi rất nặng, nhất là ở những trẻ mắc các bệnh lý nền về tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch, nhiều trẻ phải thở oxy nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng.
Cũng theo bác sĩ Trần Thị Thúy Minh, sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng sốt, phát ban, chảy nước mũi, ho, mắt đỏ… Trẻ em là đối tượng có nguy cơ nhiễm bệnh rất cao, nhất là khả năng bị những biến chứng nặng nề của bệnh như viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm tai giữa, viêm phổi, nặng sẽ bị viêm màng não.
“Phát ban sởi khác với các phát ban khác, đó là khi sốt phát ban thông thường, hồng ban có dạng mịn và sáng, ít gồ lên mặt da, ban nổi đồng loạt khắp cơ thể của trẻ và sau khi bay thường không để lại dấu tích gì trên da trẻ. Đối với sởi, các ban đỏ xuất hiện từ ngày thứ 4 đến ngày thứ 6 của bệnh. Lúc đầu, ban xuất hiện ở sau tai, sau đó lan ra mặt, lan dần xuống ngực bụng và ra toàn thân. Đặc điểm ban sởi là ban dạng sẩn (ban gồ lên mặt da), khi bay sẽ để lại những vết thâm trên da rất đặc trưng thường gọi là “vằn da hổ”. Thực tế có không ít phụ huynh dễ nhầm sốt phát ban và sởi. Do đó, phụ huynh cần lưu ý phân biệt giữa sốt phát ban và bệnh sởi sẽ giúp ích rất nhiều trong việc theo dõi, chăm sóc trẻ mắc sởi”, bác sĩ Minh khuyến cáo.
Khi trẻ mắc sởi, phụ huynh cần lưu ý chăm sóc trẻ đúng cách. Cụ thể, khi trẻ mắc bệnh, nên cho trẻ cách ly, tránh nơi đông người. Để trẻ nằm trong không gian thoáng khí, đủ ánh sáng, cho trẻ nghỉ ngơi, ngủ đủ. Đặc biệt chú ý vệ sinh răng miệng, thân thể cho trẻ, giữ ấm khi trời lạnh. Cần tắm rửa sạch sẽ cho trẻ để phòng nguy cơ nhiễm trùng, tránh tập tục kiêng nước, kiêng gió. Nhỏ mũi, mắt cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9% hoặc dung dịch nhỏ mắt mũi 3-4 lần/ngày, cho trẻ ăn các thức ăn lỏng, dễ tiêu, tăng cường dinh dưỡng, nâng cao thể trạng để tăng sức đề kháng, các thức ăn giàu vitamin, đặc biệt là vitamin A.
Đồng thời cho trẻ uống đủ nước, ORS hoặc nước hoa quả. Khi trẻ tiêu chảy, cho trẻ bú nhiều hơn, chú ý bù đủ nước và điện giải, chườm ấm khi trẻ sốt nhẹ, uống thuốc hạ sốt khi trẻ sốt cao. Đặc biệt, phụ huynh cần lưu ý chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ và cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khi có dấu bệnh nặng để được khám và điều trị kịp thời.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!