Monday, January 6, 2025

TP.HCM sáp nhập phường, điều chỉnh đồng loạt dữ liệu dân cư

Trong ngày đầu tiên của năm 2025, Công an TP.HCM sẽ điều chỉnh đồng loạt dữ liệu dân cư trên hệ thống đối với các phường thuộc diện sáp nhập ở 10 quận.

Thông tin trên được đại diện Công an TP.HCM nêu tại buổi kiểm tra, khảo sát tình hình sắp xếp phường tại 5 quận: 4, 5, 6, 10 và 11 do Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan làm trưởng đoàn, diễn ra chiều 16.12.

Theo Nghị quyết số 1278/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ ngày 1.1.2025, TP.HCM sắp xếp 80 phường thuộc 10 quận 3, 4, 5, 6, 8, 10, 11, Bình Thạnh, Gò Vấp và Phú Nhuận để hình thành 41 phường mới.

Liên quan đến thông tin cư trú, thượng tá Nguyễn Ngọc Vũ Vương, Phó trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC06) Công an TP.HCM, cho biết ngành công an sẽ điều chỉnh đồng loạt dữ liệu dân cư tại các phường thuộc diện sáp nhập ngay khi Nghị quyết 1278/2024 của Quốc hội có hiệu lực từ ngày 1.1.2025. Do vậy, người dân không cần phải làm thủ tục hành chính điều chỉnh giấy tờ.

Trong tuần cuối cùng của tháng 12.2024, công an tập trung rà soát, hoàn thành những thủ tục tiếp nhận trước ngày 1.1.2025. Thượng tá Vương khuyến nghị những trường hợp nào thật sự cần thiết thì người dân nộp hồ sơ trước thời gian này để giải quyết nhanh hơn, nếu chưa cần thiết thì nộp hồ sơ sau ngày 1.1.2025.

TP.HCM sáp nhập phường, điều chỉnh đồng loạt dữ liệu dân cư

Thượng tá Nguyễn Ngọc Vũ Vương, Phó trưởng PC06 Công an TP.HCM thông tin về việc điều chỉnh giấy tờ

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Đại diện Sở Tư pháp cho hay, theo Nghị quyết 35/2023 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các giấy tờ còn thời hạn vẫn có giá trị sử dụng nên các quận cần thông tin rộng rãi để người dân biết và không thay đổi ồ ạt.

Về hộ tịch, Sở Tư pháp sẽ có văn bản hướng dẫn việc chốt sổ hộ tịch, giấy tờ hộ tịch đã xử lý, cấp bản sao cho đơn vị chia tách…

Tại buổi khảo sát, Chủ tịch UBND Q.6 Lê Thị Thanh Thảo nhìn nhận, trong 3 khó khăn chung của các quận thì khó nhất là công tác cán bộ, quận phải trao đổi, gặp gỡ, chia sẻ với từng cán bộ, công chức. Theo định hướng chung của TP.HCM, việc sắp xếp thực hiện theo lộ trình 5 năm.

TP.HCM sáp nhập phường, điều chỉnh đồng loạt dữ liệu dân cư

Chủ tịch UBND Q.6 Lê Thị Thanh Thảo cho biết, địa phương sẽ chủ động điều chỉnh giấy tờ hộ tịch cho người dân các phường sáp nhập

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Về tài sản, trụ sở, bà Thảo cho biết, từ tháng 1.2025 sẽ kiểm kê tài sản công theo quy định của Chính phủ. Quận đã giao Phòng Tài chính – kế hoạch làm biểu mẫu, tập huấn cho các phường. Dù vậy, Chủ tịch Q.6 đánh giá nếu sáp nhập cơ học từ phường này vào phường khác thì dễ, nhưng quận có 1 phường tách làm 2, nhập về 2 phường khác nhau nên cần phối hợp nhịp nhàng của công chức.

Liên quan đến thủ tục hành chính về hộ tịch, bà Thảo cho biết, trong thời gian đầu hỗ trợ 100% phí thực hiện, đồng thời lập tổ công tác giao kết quả tận nhà cho người dân, nhất là trường hợp lớn tuổi, người dân tộc Hoa không dành tiếng Việt. Người dân không nhất thiết chuyển đổi hồ sơ một lần mà chỉ thực hiện khi phát sinh nhu cầu.

Không gây phiền hà đến người dân các phường sáp nhập

Phó chủ tịch Võ Văn Hoan nhấn mạnh việc điều chỉnh địa giới hành chính là công việc của Nhà nước nên khi giải quyết thủ tục hành chính cần hạn chế thấp nhất những phiền hà đến người dân. “Không gây ách tắc, không để người dân mất công sức, mất phí”, ông Hoan lưu ý. Do vậy, các sở cần có hướng dẫn cụ thể để các quận, phường thực hiện.

Lãnh đạo TP.HCM đề nghị các quận cần đa dạng cách làm, có thể chủ động chuyển đổi giấy tờ đồng loạt cho người dân, hoặc chờ khi người dân có nhu cầu thì chuyển đổi. “Phải sẵn sàng để khi người dân cần thì có ngay, chứ không bắt người dân loay hoay bổ sung hồ sơ”, ông Hoan nói thêm.

TP.HCM sáp nhập phường, điều chỉnh đồng loạt dữ liệu dân cư

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan lưu ý không được gây phiền hà đối với người dân khi điều chỉnh giấy tờ

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Về việc bố trí cán bộ dôi dư, Phó chủ tịch Võ Văn Hoan cũng khuyến khích các địa phương tham mưu cấp ủy, lãnh đạo tìm kiếm cách bố trí công việc, bên cạnh chính sách hỗ trợ của Trung ương, TP.HCM thì các quận rà soát xem có chính sách gì thêm để giải quyết thỏa đáng cho cán bộ, công chức không còn làm việc trong khu vực công.

Do số lượng cán bộ, công chức dôi dư quá lớn (hơn 1.000 người), ông Hoan cho rằng các quận có thể cân nhắc bố trí sang phường khác, lĩnh vực có nhu cầu.

Về cơ sở vật chất dôi dư, lãnh đạo TP.HCM khẳng định sẽ giao tất cả về cho quận quản lý, nếu phù hợp thì phục vụ hết cho các hoạt động văn hóa xã hội, điểm sinh hoạt văn hóa, sinh hoạt của khu phố, không nên bỏ trống, lãng phí tài sản công.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img