Nạn lừa bịp trên thị trường ô tô cũ ngày càng phức tạp. Đủ các kiểu từ tua ngược công tơ mét đến làm mới xe cũ nát, tai nạn… chỉ nhằm mục đích bán được nhiều tiền.
Tuy nhiên, sau đó về mang đi bảo dưỡng, mới phát hiện ra chiếc xe này đã bị bổ máy đại tu, rồi “phù phép” cho giống nguyên bản để bán. Bản thân anh là dân kinh doanh ô tô đã qua sử dụng, cũng có kinh nghiệm mà không phát hiện ra.
Quay lại tìm người bán xe mới té ngửa, đó cũng là một dân buôn ô tô đã qua sử dụng, giả làm khách hàng, để lừa bán chiếc xe này. Anh đề nghị trả lại xe và chấp nhận chịu thiệt hại 20 triệu đồng nhưng người bán không chấp nhận và phủi tay, coi như không có các cam kết trước đó.
Một khách hàng ở Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, mua 1 chiếc xe Toyota Fortuner 2016, máy dầu, số sàn của 1 người ở Thanh Xuân Bắc, Thanh Xuân, Hà Nội, do có quen biết với người bán, nên tin tưởng, không kiểm tra kỹ, nhìn đồng hồ thấy đã đi 150.000 km, đồng ý mua với giá 510 triệu đồng. Nhưng sau khi mang ra đại lý chính hãng bảo dưỡng, kiểm tra mới biết thực tế chiếc xe này đã đi 540.000 km và bị tua công tơ mét. Đến gặp chính chủ nói chuyện bị phủi tay vì đã mua bán xong xuôi.
Cũng tương tự, vụ một khách hàng đến showroom xe đã qua sử dụng ở Lê Văng Lương, Hà Nội, mua chiếc Mercedes-Benz GLC 200 đời 2021 mới lăn bánh hơn 50.000 km với giá hơn 1,3 tỷ đồng, cùng lời cam kết xe còn nguyên bản, không đâm đụng, ngập nước. Tuy nhiên, sau 1 thời gian sử dụng, mang xe đi bảo dưỡng chính hãng mới ‘tá hoả’ biết xe mình mua đã đi gần 100.000 km, bị tua ngược công tơ mét gần 50.000 km.
Một dân buôn ô tô cũ có showroom tại Nguyễn Xiển, Hà Nội cho biết, nạn lừa bịp trên thị trường mua bán ô tô cũ ngày càng nhiều. Đủ các kiểu lừa diễn ra, từ tua công tơ mét đến làm mới xe cũ nát, tai nạn, bổ máy, ngập nước, thủy kích… với mục đích lừa bán giá cao, bất chấp các cam kết đẹp đẽ ban đầu và chữ tín.
Anh này cho biết, có khách hàng ở tp Hải Dương lên Hà Nội mua 1 chiếc Mazda 3 1.5 Luxury đã qua sử dụng, đời 2020, đi 60.000 km, với giá hơn 500 triệu đồng, được người bán cam kết xe còn nguyên bản, không đâm đụng. Tuy nhiên, khi về nhờ kiểm tra mới lộ ra, xe đã bị tai nạn nát cả phần đầu phía bên trái, 2 túi khí phía trước đã nổ. Sau đó được phục hồi lại để bán. Khách hàng đã tìm lại người bán, chấp nhận chịu thiệt 40 triệu đồng, mong trả lại xe nhưng không được.
Mua bán không cẩn thận vớ ngay phải những chiếc xe này thì thật là tệ hại. Nói chung cứ lừa được là lừa. Chỉ có khách hàng là thiệt hại. Bỏ số tiền lớn để mua một chiếc xe đẹp, không lỗi, lại rước về một chiếc xe tệ hại thì tâm lý sẽ luôn bất ổn, niềm vui trở thành nỗi buồn.
Mặc dù có cam kết ghi rõ ràng trong hợp đồng nhưng quay lại bắt đền cũng không hề dễ dàng, nếu người bán phủi tay, có tố cáo hay kiện cũng mất thời gian, tốn kém và cuối cùng cũng vẫn chịu thiệt, dân buôn này nói.
Theo luật gia Phan Văn Tân, Hội Luật gia Việt Nam, nếu những hành vi lừa đảo này bị phát hiện và pháp luật xử lý nghiêm minh thì người ta sẽ chẳng dám làm. Tuy nhiên, lừa bán xe xấu mà cam kết đó là xe đẹp, khi bị phát hiện thì phủi tay, vẫn ung dung sống, không làm sao cả thì người ta cứ làm. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc, để chấn chỉnh tránh làm xấu đi thị trường ô tô đã qua sử dụng.
Với khách hàng, cần xem xét kỹ các điều khoản của hợp đồng, yêu cầu cam kết rõ ràng, nếu vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm, để có căn cứ xử lý tranh chấp về sau.
Quan trọng hơn là phải xem xét thật kỹ chiếc xe định mua; đừng quá tin vào các cam kết của người bán; không nên bỏ qua công đoạn mang xe kiểm tra tổng thể tại cơ sở có đầy đủ trang thiết bị, để đánh giá chính xác; tránh chỉ nhìn hình thức thấy ưng là chấp nhận mà không rõ chất lượng bên trong như thế nào.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn