Sau thời gian dài chuẩn bị, nhóm học sinh trường chuyên TP.HCM, gồm Trường Phổ thông Năng khiếu, Lê Hồng Phong và Trần Đại Nghĩa, đã thực hiện thành công dự án đầu tiên của sáng kiến đồng hành, ươm mầm hy vọng cho trẻ cơ nhỡ.
Sáng 22.12, tại Văn phòng phía nam của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng (SCDI) ở quận Tân Phú (TP.HCM), nhóm học sinh trường chuyên đã có mặt từ sớm để tập dượt lần cuối chương trình vui Giáng sinh diễn ra cùng ngày dành cho trẻ có hoàn cảnh khó khăn đang sinh hoạt tại SCDI.
Chương trình là sự kiện đầu tiên được triển khai theo khuôn khổ Dự án Alpha, sáng kiến thiện nguyện phục vụ cộng đồng do nhóm học sinh 3 trường chuyên TP.HCM là Trường Phổ thông Năng khiếu – ĐH Quốc gia TP. HCM, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và THPT chuyên Trần Đại Nghĩa thực hiện với sự hỗ trợ của Văn phòng SCDI phía nam.
Trong đó, Alpha được viết tắt từ A – Advocating (Ủng hộ); L – Love (Sự yêu thương); P – Providing (Mang đến): H – Hope (Hy vọng); và A – Awakening (Đánh thức).
Trồng hạt giống để biết ước mơ
Chương trình vui Giáng sinh có tổng cộng 38 trẻ lớp 1 và lớp 2 tham gia. Trong những trang phục sạch sẽ và tươm tất nhất của mình, các em được giới thiệu để làm quen các anh chị lớp lớn.
Sau màn làm nóng người thông qua tiết mục nhảy kiểu flash mob tại chỗ vui nhộn do các anh chị THPT hướng dẫn, trẻ có cơ hội tìm hiểu về ngày Noel thông qua trò chơi hỏi đáp có thưởng.
Và những câu trả lời của trẻ thật sự thú vị và chân thực đến mức nghèn nghẹn. “Tại sao cây thông Noel lại được trang trí trong dịp Noel?”, có trẻ trả lời: “Vì đẹp”. “Tại sao người ta treo tất vào đêm Noel?”, có trẻ trả lời: “Vì giữ ấm”. “Tại sao cây thông Noel thường có hình dáng nhọn ở đỉnh?”, có trẻ trả lời: “Để dễ chặt và mang về nhà”.
Theo đà các câu hỏi, càng có nhiều cánh tay nhỏ giơ lên mạnh mẽ hơn so với lúc ban đầu còn ngại ngùng. Có trẻ không đọc được hết câu hỏi trên màn hình chiếu, và đó là lúc thành viên Dự án Alpha nhanh chóng hỗ trợ bằng cách dùng micrô đọc lại câu hỏi.
Khi chuyển sang phần viết thư gửi cho ông già Noel, một số trẻ chưa thể viết chữ rành rẽ đã được sự tiếp sức của các anh chị THPT. Có trẻ lanh lợi đã bày tỏ hết sức thẳng thắn trong thư nhờ viết hộ để gửi cho ông già Noel: “Con muốn có ô tô để chở bạn gái đi chơi”.
Thế nhưng cũng có trẻ không hiểu được khái niệm về “ước mơ”, hoặc biết thế nào là điều ước? Đó cũng là lúc các thành viên Dự án Alpha giúp đỡ bằng cách giải thích một cách đơn giản nhất: “Uớc mơ là gì?”
Hình mẫu để cắt đứt vòng xoáy
Sự đồng hành và dẫn dắt trẻ cơ nhỡ mà nhóm Dự án Alpha đang thực hiện là điều mà bà Lâm Ngọc Thúy, phụ trách Văn phòng phía nam SCDI, muốn hướng đến. Bà chia sẻ đây là lần đầu tiên trung tâm tiếp nhận sự giúp đỡ từ một nhóm học sinh cấp THPT. Thông thường trung tâm chỉ nhận sinh viên đại học chuyên ngành xã hội từ năm 3 trở đi.
“Các em (Dự án Alpha) là một ngoại lệ của tôi. Tôi hết sức trân quý tấm lòng muốn giúp ích và góp sức vì cộng đồng của các em, và hy vọng nhóm sẽ trở thành ‘hình mẫu’ hoặc ‘thần tượng’ cho những trẻ có hoàn cảnh khó khăn”, bà Thúy cho biết.
Theo bà, trung tâm đang giúp đỡ 250 học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 thuộc hoàn cảnh khó khăn ở khắp địa bàn TP.HCM, gọi chung là “trẻ trong cắt đứt vòng xoáy”. Đây là những trẻ đối mặt nguy cơ nghỉ học sớm và cần sự hỗ trợ để có thể duy trì việc đến trường.
“Trẻ trong cắt đứt vòng xoáy thiếu thốn những tấm gương, hình mẫu, hoặc thần tượng của hình ảnh thành công theo hướng đúng đắn”, bà Thúy chia sẻ. Vì thế, thông qua việc tiếp xúc với nhóm các học sinh trường chuyên TP.HCM, trẻ khó khăn được kỳ vọng nảy sinh ý niệm về một dạng hình mẫu mà chúng muốn trở thành trong tương lai.
Bà Thúy cho biết SCDI làm việc theo quan điểm giúp người hưởng lợi phát triển bền vững, chứ không phải dạng thụ hưởng theo kiểu bị động, ỷ lại, đồng thời nâng tầm công tác từ thiện theo hướng giúp người từng bước trên con đường thoát vòng xoáy đói nghèo và vươn tới tương lai tốt đẹp hơn. Đó là lý do bà quyết định tiếp nhận sự giúp đỡ của Nhóm Alpha với hy vọng trẻ khó khăn có thêm động lực cố gắng tiếp tục việc học, và biết rằng tương lai luôn ở phía trước.
Những thành viên “Gen 1.0 của Dự án Alpha”
Trao đổi với Thanh Niên, Chủ nhiệm Dự án Alpha Phan Minh Khôi, học sinh lớp 11 Trường Phổ thông Năng khiếu – ĐH Quốc gia TP. HCM, cho hay sau thời gian tìm hiểu, em và những người bạn cùng chung chí hướng quyết định lập nhóm tự mình hoạt động thiện nguyện để có được cơ hội trải nghiệm và học hỏi.
“Nhóm muốn tận tay làm tất cả mọi khâu, từ lên ý tưởng đến bắt tay vào làm từng công đoạn trên thực tế. Đó là cách giúp chúng em chủ động quyết định được cái giá trị mà mình mang đến”, Khôi cho biết và nói thêm rằng đây là điều giúp mang đến cảm nhận chân thật nhất cho các thành viên tham gia.
Một ví dụ của sự trải nghiệm này đến từ Tú Quyên, lớp 11 – Trường Phổ thông Năng khiếu – ĐH Quốc gia TP. HCM, người phụ trách hậu cần của nhóm. Em đã tiến hành so sánh giá cả để lấy phương án tối ưu nhất trước khi đặt hàng. Tuy nhiên, sự cố xảy ra trong quá trình giao hàng khiến một trong những món quà khó đến kịp thời hạn để tặng cho trẻ cơ nhỡ. May mắn là hàng cuối cùng cũng được giao vào đêm trước khi sự kiện tổ chức. “Hên quá”, em thở phào nhẹ nhõm.
Thành viên Hạo Nhiên, lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, cho biết mỗi thành viên của Dự án Alpha đảm nhận các vai trò riêng biệt, giống như những “mảnh ghép” cùng tạo nên một bức tranh hoàn chỉnh. Bản thân em phụ trách khâu nội dung của nhóm, bao gồm thông tin trên Fanpage Facebook, và đảm nhận vai trò MC, lên kế hoạch các tiết mục văn nghệ cho các sự kiện của Dự án Alpha.
Họa sĩ của nhóm là thành viên Tuyết Linh, lớp 11 – Trường Phổ thông Năng khiếu. Em là người thực hiện hình ảnh linh vật cho Fanpage của Dự án Alpha. Linh vật được chọn là chim hồng hạc, loài chim biểu tượng may mắn được chọn làm linh vật cho nhóm, luôn đội chiếc nón lá tượng trưng cho Việt Nam.
Còn thành viên Thảo Chi, lớp 11 – Trường Phổ thông Năng khiếu, chuyên về việc lên kế hoạch cho các hoạt động của nhóm và cũng đảm nhiệm vai trò MC. Cho sự kiện đầu tiên, Thảo Chi ban đầu dựa vào các bảng mẫu có sẵn đến từ các câu lạc bộ ở trường và điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với sự kiện dành cho trẻ nhỏ. Em cho biết đã học hỏi nhiều điều thông qua việc này.
Về những thách thức trong quá trình thực hiện, thành viên Hoàng Cầm, lớp 11 Trường Phổ thông Năng khiếu, cho biết một trong những khó khăn khi nhóm chính thức hoạt động là thời gian học tập khác nhau, nên việc tập hợp lại cho mỗi lần lên kế hoạch cũng là một vấn đề. Bên cạnh đó, việc tìm kinh phí cho các sự kiện cũng là thách thức không kém. Hiện nhóm hoạt động dựa trên hình thức nhận tài trợ, và trong tương lai có thể triển khai hình thức gây quỹ khác.
Nguồn: thanhnien.vn