“Quản doanh nghiệp” và “tề gia” tuy khác nhau về phạm vi nhưng lại có nhiều điểm tương đồng về nguyên tắc.
Ths. Trần Xuân Mới, CEO Công ty Tư vấn và Quản lý ATM – ATM Consultancy & Management chia sẻ quan điểm cùng Diễn đàn Doanh nghiệp.
– Theo ông, có sự giống và khác nhau thế nào giữa việc quản lý, điều hành một doanh nghiệp so với việc “tề gia”?
Việc quản lý một doanh nghiệp và “tề gia” tuy khác nhau về phạm vi nhưng lại có nhiều điểm tương đồng về nguyên tắc. Trong doanh nghiệp, người lãnh đạo cần đưa ra tầm nhìn chiến lược, phân bổ nguồn lực hợp lý và xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Tương tự, trong gia đình, người chủ gia đình cũng cần định hướng lối sống, đảm bảo các thành viên phát triển hài hòa và duy trì nếp nhà. Điểm khác biệt lớn nhất có lẽ nằm ở mối quan hệ tình cảm. Nếu như ở doanh nghiệp, các mối quan hệ phần lớn mang tính công việc, thì trong gia đình, tình yêu thương là cốt lõi, giúp duy trì sự gắn kết và thấu hiểu lẫn nhau.
– Với một doanh nhân có kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn, cũng đã lăn lộn ở nhiều nước, tổ chức trên thế giới, theo ông, việc “tề gia” trong văn hóa Việt và phương Tây những năm gần đây đã có sự giao thoa như thế nào, thưa ông?
Tôi nhận thấy có sự giao thoa khá rõ nét giữa văn hóa “tề gia” của Việt Nam và phương Tây, đặc biệt trong các gia đình trẻ. Ở phương Tây, sự tôn trọng tính cá nhân được đề cao, các thành viên trong gia đình thường có quyền tự quyết định nhiều khía cạnh cuộc sống của mình. Trong khi đó, văn hóa Việt Nam coi trọng sự gắn kết giữa các thế hệ và tinh thần cộng đồng. Những năm gần đây, tôi nhận thấy nhiều gia đình Việt đang dần mở lòng với việc trao quyền tự do cho con cái, đặc biệt là trong việc học tập, nghề nghiệp, song vẫn giữ được giá trị truyền thống như sự hiếu kính với cha mẹ hay tinh thần tương trợ trong gia đình.
– Được biết, ông cũng có con đi du học nước ngoài. Hẳn khi quyết định ủng hộ con lên đường du học cũng là lúc những mối lo của gia đình ngày càng nhiều? Vợ chồng ông lo nhất điều gì giai đoạn này?
Đúng vậy, quyết định để con đi du học là một bước ngoặt lớn đối với gia đình tôi. Lúc đó, vợ chồng tôi lo nhất là khả năng thích nghi của con trong một môi trường hoàn toàn mới. Ngoài ra, tôi cũng lo con phải đối mặt với áp lực học tập, sự cô đơn khi xa gia đình, và đặc biệt là những cạm bẫy có thể gặp phải khi sống độc lập. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ càng và thường xuyên trò chuyện, chúng tôi tin con có đủ bản lĩnh để vượt qua những thách thức.
– Theo ông, làm thế nào để những đứa trẻ cởi mở khi tiếp cận với các nền văn hóa khác nhưng vẫn giữ được “nếp nhà”?
Tôi cho rằng chìa khóa nằm ở việc trang bị cho trẻ một nền tảng giá trị vững chắc từ nhỏ, như tôn trọng gia đình, sống có trách nhiệm và giữ gìn bản sắc dân tộc. Khi bước ra thế giới, trẻ sẽ học hỏi được nhiều điều mới nhưng vẫn không quên cốt lõi của mình. Đồng thời, cha mẹ cần đóng vai trò như một “người bạn” để lắng nghe và định hướng, thay vì áp đặt. Sự cởi mở và linh hoạt từ cả hai phía sẽ giúp trẻ hòa nhập tốt mà không đánh mất bản sắc.
– Trong thời buổi công nghệ phát triển như hiện nay, thì việc liên lạc giữa các thành viên trong gia đình gần như không còn trở ngại, nhưng có vẻ công nghệ cũng làm cản trở các mối quan hệ giữa người với người nói chung, và giữa các thành viên trong gia đình nói riêng. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Công nghệ là một con dao hai lưỡi. Nó giúp kết nối các thành viên gia đình dù ở xa nhau, nhưng cũng có thể khiến mọi người trở nên xa cách ngay cả khi ở gần. Tôi cho rằng vấn đề không nằm ở công nghệ mà ở cách chúng ta sử dụng nó. Nếu biết tận dụng công nghệ để chia sẻ, trò chuyện, học hỏi, thì nó sẽ là công cụ hữu ích. Tuy nhiên, nếu lạm dụng công nghệ, như dành quá nhiều thời gian trên mạng xã hội mà quên đi các mối quan hệ thực, thì nó sẽ trở thành rào cản. Gia đình tôi luôn cố gắng dành thời gian bên nhau mà không phụ thuộc quá nhiều vào thiết bị công nghệ, đặc biệt là trong các bữa cơm gia đình.
– Thưa ông, từ đầu năm 2022, Bộ VHTTDL đã ban hành Bộ Tiêu chí ứng xử trong gia đình, trong đó, tiêu chí ứng xử chung là Tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ. Theo ông, những tiêu chí này đã phù hợp với xu thế phát triển chung hay chưa?
Tôi cho rằng những tiêu chí này là cẩm nang tham khảo có giá trị cho các gia đình, không chỉ trong bối cảnh hiện nay mà còn cả trong tương lai. Gia đình là nền tảng của xã hội, và khi các giá trị như tôn trọng, bình đẳng, yêu thương, chia sẻ được thực hiện trong mỗi gia đình, thì toàn xã hội sẽ tốt đẹp hơn. Ai cũng mong cầu hạnh phúc. Hạnh phúc sẽ được mỗi gia đình xây dựng trên những trụ cột cơ bản đó và với cách tiếp cận khác nhau do điều kiện khác nhau.
– Như trong gia đình ông, thì ứng xử giữa các thành viên về cơ bản có giống như bộ tiêu chí này hay không?
Gia đình tôi luôn cố gắng duy trì sự tôn trọng, yêu thương và sẻ chia giữa các thành viên. Chúng tôi coi đây là những giá trị cốt lõi để xây dựng một gia đình hạnh phúc. Dù không thể tránh khỏi những lúc bất đồng, nhưng chính nhờ tinh thần bình đẳng và tôn trọng mà các vấn đề luôn được giải quyết một cách êm đẹp. Tôi tin rằng việc áp dụng những tiêu chí này không chỉ giúp gia đình tôi thêm gắn kết mà còn giúp các con tôi hiểu được giá trị của sự chia sẻ trong cuộc sống. Tôi cho rằng đây là món tài sản vô giá của mỗi gia đình có thể kế thừa và phát huy mà không cần lập di chúc.
– Cảm ơn ông đã chia sẻ những quan điểm và kinh nghiệm quý báu!
Tiêu chí ứng xử của vợ, chồng: Chung thủy, nghĩa tình.
– Vợ chồng cùng nhau xây dựng hôn nhân bền vững, không vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng.
– Yêu thương, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau; cùng nhau chia sẻ công việc trong gia đình, cùng có trách nhiệm nuôi dạy con, làm việc nhà, đóng góp tài chính gia đình.
– Tạo điều kiện giúp đỡ nhau lựa chọn nghề nghiệp, học tập, nâng cao trình độ, tham gia các hoạt động chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
– Lắng nghe, cùng nhau thảo luận, thống nhất và quyết định những vấn đề chung của gia đình; hòa nhã với nhau.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn