Cùng với các doanh nghiệp thiết kế, nhiều công ty sản xuất thiết bị bán dẫn trên thế giới đã lựa chọn Việt Nam xây dựng nhà máy.
Theo ông Steven Lim KT, để tham gia chuỗi, các nhà cung ứng địa phương sẽ phải trải qua quy trình dài đánh giá chất lượng nhưng đây là cơ hội để các nhà cung ứng được đào tạo, hướng dẫn quy trình xử lý thiết bị cho nhà cung ứng.
Đánh giá về thế mạnh của các nhà cung ứng tại Việt Nam, đại diện Besi đề cập đến tinh thần học hỏi, linh hoạt và sẵn sàng tham gia chuỗi. Còn điểm yếu của các nhà cung ứng địa phương là chưa bao quát nên chỉ giải quyết một số vấn đề nên cần được đào tạo, hướng dẫn.
Ông Hans Duisters – nhà sáng lập và Giám đốc điều hành tập đoàn Sioux cũng lựa chọn Việt Nam bởi doanh nghiệp này nhìn thấy cơ hội tăng trưởng. Đặc biệt là bài học thành công trước đây của Việt Nam trong xây dựng đội ngũ hàng triệu nhân sự phần mềm cho ngành công nghệ thông tin.
Theo ông Hans Duisters, chuỗi cung ứng thiết bị sản xuất bán dẫn gồm nhiều doanh nghiệp SME cung cấp vật liệu, kỹ thuật cơ khí với nhiều năng lực quan trọng về phần mềm. Đánh giá nhu cầu kết nối với các nhà cung ứng địa phương là khá lớn nhưng vấn đề được Giám đốc điều hành tập đoàn Sioux quan tâm là hình thức phù hợp để kết nối giữa hai bên.
Từ kinh nghiệm của Hà Lan, ông Hans Duisters cho rằng nên tổ chức các mô hình các bên liên quan thành liên minh, lựa chọn doanh nghiệp hàng đầu để kết nối với doanh nghiệp nước ngoài và thảo luận các vấn đề trong ngành để tìm tiếng nói chung, cùng hợp tác và học hỏi.
Đồng quan điểm, ông Ricky Sim – thành viên Hội đồng cố vấn khu vực Đông Nam Á của Hiệp hội Bán dẫn toàn cầu, Giám đốc điều hành Advantest Singapore cho biết, trước đây mỗi năm doanh nghiệp có thể tìm kiếm, hợp tác với 5-6 nhà cung ứng nhưng hiện nay, các thiết bị đòi hỏi tiêu chuẩn cao nên mỗi năm chỉ kiếm 1-2 đối tác trong từng phân khúc.
Ngoài ra, các tiêu chí chính khi mở nhà máy là khả năng vận chuyển dễ dàng, độ tin cậy và điều kiện kinh doanh thuận lợi của quốc gia. Lãnh đạo tập đoàn này cho biết, khi quyết định mở rộng trung tâm sản xuất, chắc chắn Advantest sẽ cân nhắc Việt Nam như một điểm đến tiềm năng.
Đại diện cho các nhà cung ứng địa phương, bà Trương Thị Chí Bình – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết, 70% thành viên Hiệp hội đến từ ngành kỹ thuật cơ khí. Nhiều doanh nghiệp thành viên đã có kinh nghiệm khi tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất ô tô, xe máy của Nhật Bản tại Việt Nam trong nhiều năm.
Đánh giá các doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội trong ngành bán dẫn, năng lượng tái tạo nhưng bà Trương Thị Chí Bình chia sẻ điểm hạn chế của doanh nghiệp trong nước. Đó là, sản xuất linh kiện nhỏ trong khi khách hàng trên thế giới tìm kiếm các nhà cung ứng sản xuất cấu phần.
Trong thời gian vừa qua, Hiệp hội đã phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai chương trình phát triển sản xuất nâng cao năng lực cho doanh nghiệp phụ trợ. Đại diện Hiệp hội hy vọng trong năm 2025, năng lực sản xuất của doanh nghiệp sẽ được cải thiện và có khả năng cung ứng sản phẩm phức tạp cho bán dẫn.
Tuy nhiên, bán dẫn là ngành công nghệ cao nên doanh nghiệp phụ trợ tham gia chuỗi cũng cần hỗ trợ, đào tạo, hướng dẫn để rút ngắn khoảng cách giữa bên mua và bên bán. Theo bà Trương Thị Chí Bình, trên cơ sở đưa ra những yêu cầu cụ thể, bên mua có thể có chương trình hỗ trợ riêng, tạo thuận lợi cho nhà cung ứng địa phương tham gia chuỗi.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn