Mô hình liên kết dữ liệu “bốn nhà” giúp kết nối thông tin, mở ra “cánh cửa” cho tín dụng nói chung và tín dụng xanh nói riêng cho các doanh nghiệp nông nghiệp.
Theo bà Lê Nguyễn Thiên Nga, Viện trưởng Viện Quản trị Chính sách, Nghiên cứu trưởng Chiến lược Dữ liệu Quốc gia, vốn tín dụng ngân hàng có vai trò then chốt, là yếu tố sống còn đối với sự thành công của các chuỗi liên kết trong nông nghiệp.
“Để phát triển và tạo các chuỗi giá trị nông nghiệp bền vững, nguồn vốn tín dụng cũng như các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng là một trong những yếu tố có vai trò rất quan trọng, đặc biệt đối với lĩnh vực có tính chất mùa vụ và phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên như ngành nông nghiệp,” bà Nga khẳng định.
Tuy nhiên, việc thiếu thông tin minh bạch, kịp thời về các doanh nghiệp nông nghiệp đang là một rào cản lớn đối với việc tiếp cận nguồn vốn. Vì vậy, việc liên kết dữ liệu được thực hiện có thể tạo ra sự khác biệt.
Do đó, mô hình liên kết dữ liệu “Chính quyền-viện nghiên cứu-doanh nghiệp-nhà nông” đã được các chuyên gia đưa ra với những kỳ vọng tạo ra sức mạnh tổng hợp, thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành. Bởi, sự hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan chính là mấu chốt để hình thành và phát triển các chuỗi cung ứng nông sản hiệu quả.
Không chỉ dừng lại ở việc kết nối thông tin, liên kết dữ liệu giữa “bốn nhà” còn mở ra “cánh cửa” cho tín dụng xanh – một xu hướng tài chính toàn cầu đang được nhiều quốc gia quan tâm.
Trên thị trường, tín dụng xanh đang tập trung vào các dự án thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng và sử dụng công nghệ sạch. Đây là những lĩnh vực được kỳ vọng sẽ là động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng bền vững của nông nghiệp.
Theo Chiến lược phát triển Nông nghiệp và Nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Việt Nam đã đặt mục tiêu đưa trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường.
Để đạt mục tiêu này, bà Lê Nguyễn Thiên Nga đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc xác định đúng, đủ và hài hòa lợi ích giữa các bên trong bối cảnh chuyển đổi số và liên thông dữ liệu quốc gia.
Một cơ sở dữ liệu được liên kết chặt chẽ giữa các ngân hàng sẽ giúp các doanh nghiệp nông nghiệp (hoặc các doanh nghiệp hoạt động tại khu vực nông thôn) có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin, giao lưu và đối thoại với các tổ chức tín dụng. Thêm vào đó, các doanh nghiệp có thể truyền tải những thông điệp, đề xuất, kiến nghị, hiến kế… thông qua các kênh truyền thông, từ đó giúp các cơ quan chức năng kịp thời điều chỉnh cơ chế, chính sách phù hợp với thực tiễn, hướng tới một nền nông nghiệp xanh và bền vững.
Đồng quan điểm, ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chỉ ra dữ liệu đã và đang trở thành một nguồn tài nguyên mới, là yếu tố quan trọng mang tính quyết định.
Tuy nhiên, để liên kết dữ liệu thực sự phát huy hiệu quả, cần có sự chung tay của tất cả các bên liên quan. Bà Lê Nguyễn Thiên Nga khuyến nghị cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp trong việc ứng dụng công nghệ, tiếp cận thông tin và nguồn vốn. Đặc biệt là nâng cao nhận thức của người nông dân về tầm quan trọng của chuyển đổi số, từ đó giúp họ trở thành những chủ thể tích cực trong quá trình này. Chỉ khi đó, liên kết dữ liệu mới thực sự trở thành “chìa khóa” mở cửa dòng vốn, công nghệ và kiến thức, đưa ngành nông nghiệp Việt bước lên một tầm cao mới.
Theo ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm qua, thiên tai, đặc biệt là Bão số 3 (Yagi), đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, nhờ vào sự lãnh đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ, cùng với sự chuyển đổi mạnh mẽ trong tư duy kinh tế nông nghiệp, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng.
Cụ thể, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp trong năm 2024 ước đạt mức tăng trưởng 3,1% – 3,4%. trong đó: Trồng trọt tăng 1,7 – 1,9%; chăn nuôi tăng 5,3 – 5,5%; thủy sản tăng 5,0 – 5,2%; lâm nghiệp tăng 4,0 – 4,2%. Sản lượng nhiều sản phẩm nông nghiệp, như lúa, thịt, thủy sản và gỗ, đều tăng trưởng mạnh. Điển hình, sản lượng lúa ước đạt 43,7 triệu tấn, tăng 0,4%, năng suất lúa cũng tăng lên mức 61,4 tạ/ha; sản lượng thịt hơi các loại 8,1 triệu tấn, tăng 3,5%; sản lượng thủy sản 9,6 triệu tấn, tăng 2,4%; sản lượng gỗ khai thác gần 22,9 triệu m³, tăng 9,8%.
“Ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển bền vững, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn vươn xa ra thị trường quốc tế. Đây là điều kiện quan trọng để duy trì sự ổn định và nâng cao giá trị xuất khẩu của các mặt hàng nông sản Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa”, ông Tiến khẳng định.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn