Trong bối cảnh thế giới đầy biến động, với tiềm lực hiện có, BR-VT đang trang bị cho mình một tâm thế mới và những hành trang mới, sẵn sàng bước vào “kỷ nguyên vươn mình”.
Năm 2024, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động bởi xung đột vũ trang, mâu thuẫn chính trị, chiến tranh thương mại… diễn biến phức tạp, khó lường, tác động mạnh đến nền kinh tế trong nước. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND với các chủ trương lớn, quyết sách đúng đắn, linh hoạt và chủ động đã đưa Bà Rịa – Vũng Tàu vượt qua “cơn gió nghịch” để giành được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả lĩnh vực.
Tăng trưởng ấn tượng
Theo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, tình hình phát triển kinh tế – xã hội ước thực hiện cả năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2025, nền kinh tế của tỉnh trong năm 2024 ghi nhận nhiều đột phá.
Theo đó, hầu hết các chỉ tiêu kinh tế của tỉnh đều tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước và vượt mức kế hoạch đề ra cho cả năm. Đây là cơ sở để tỉnh tự tin vào sự phát triển bền vững trong tương lai. Tổng sản phẩm nội địa (GRDP) ghi nhận tăng 0,7%, riêng GRDP trừ dầu thô và khí đốt tăng 10,52%, đây là mức tăng cao nhất của tỉnh trong 10 năm gần đây.
Bên cạnh đó, giá trị sản xuất công nghiệp trừ dầu thô và khí đốt tăng 12,91%. Sản xuất công nghiệp khởi sắc và đạt kết quả ấn tượng đóng góp phần lớn vào tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế.
Hiện nay, các khu công nghiệp đã thu hút được 41 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư là 2,357 tỷ USD, tổng diện tích đất sử dụng là 218,38 ha. Tại các khu công nghiệp có 606 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng diện tích đất thuê là 3.651 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy là 63,04% trên tổng số 14 khu công nghiệp được chấp thuận đầu tư.
Toàn tỉnh hiện có 07/11 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động, thu hút 31 dự án thứ cấp với tổng số vốn đăng kí là 4.969 tỷ đồng, diện tích đất cho thuê là 95,98/161 ha, tỷ lệ lấp đầy khoảng 59,32% trên tổng diện tích đã đi vào hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 8.200 lao động.
Năm 2024, nhóm ngành thương mại – dịch vụ của Bà Rịa – Vũng Tàu cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hoá cả năm ước tăng 13,42%, lượng hàng hoá cung ứng dồi dào đảm bảo phục vụ người dân. Kim ngạch xuất khẩu trừ dầu thô và khí đốt đạt khoảng 5.647 triệu USD, tăng 6,97%, tăng ở hầu hết các sản phẩm xuất khẩu.
Nổi bật là doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ vận tải tăng đến 11,25%, vượt xa kế hoạch đề ra là 4%. Kết quả này là nhờ nỗ lực đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng giúp cụm cảng đón được những chuyến tàu lớn không phải phụ thuộc vào thuỷ triều.
Hoạt động du lịch cũng tăng trưởng khá tốt. Năm 2024, doanh thu dịch vụ lưu trú tăng 13,12%, dịch vụ lữ hành tăng 13,71%; thu hút tổng cộng 16,12 triệu lượt khách, tăng 13,11%. Hiện toàn tỉnh có 1.360 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 70 khách sạn đã được xếp loại từ 1 – 5 sao. Toàn tỉnh có 132 dự án du lịch, với tổng diện tích 2.966 ha, hiện đã có 51 dự án đang hoạt động, 36 dự án đang xây dựng và 45 dự án đang triển khai thủ tục.
Tạo “bệ phóng” để hút đầu tư
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu, ông Nguyễn Văn Thọ cho biết, năm 2025, tỉnh tiếp tục đẩy nhanh việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội theo kế hoạch 5 năm đảm bảo tiến độ đề ra. Song song đó, tỉnh tập trung triển khai phát triển các ngành, lĩnh vực trên địa bàn theo quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Để phát triển kinh tế, tỉnh sẽ tập trung các hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào các ngành kinh tế quan trọng, các trụ cột phát triển, các hành lang kinh tế và các trục động lực phát triển.
Đồng thời, theo ông Nguyễn Văn Thọ, tỉnh sẽ tập trung thực hiện các đề án được giao như: Đề án phát triển Bà Rịa – Vũng Tàu trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia; Đề án phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp – dịch vụ – đô thị tại thị xa Phú Mỹ; Đề án tiếp tục hiện đại hoá cửa ngõ quốc tế Cái Mép – Thị Vải thành cảng trung chuyển lớn nhất cả nước, tầm cỡ khu vực châu Á; Đề án phát triển Bà Rịa – Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế;…
“Trước mắt, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc để đẩy nhanh các thủ tục pháp lý, thúc đẩy các dự án sản xuất công nghiệp đi vào hoạt động. Tỉnh cũng sẽ tích cực phối hợp các địa phương, cùng các bên liên quan thúc đẩy triển khai, hoàn thiện các dự án giao thông kết nối vùng”, chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ cho hay.
Ông Phạm Văn Triêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho rằng, dự báo năm 2025, trước sự cạnh tranh khốc liệt về thu hút vốn FDI từ một số nước thuộc khu vực Đông Nam Á, để tạo “bệ phóng” vững chắc và có nhiều “cửa sáng” đón làn sóng FDI mới, Bà Rịa – Vũng Tàu còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, tỉnh cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh chính sách đầu tư nước ngoài phù hợp xu hướng toàn cầu, trong đó đặc biệt quan tâm đến các ngành, lĩnh vực có khả năng đóng góp cho quá trình xanh hóa nền kinh tế, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số.
Ngoài ra, việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng đơn giản hóa về thủ tục, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn sẽ góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng môi trường đầu tư của tỉnh. Từ đó kiến tạo thêm cơ hội và mở đường cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, củng cố vững chắc “bệ phóng” để đưa Bà Rịa – Vũng Tàu “cất cánh” trên hành trình hội nhập và phát triển.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn