Theo TS. Giản Tư Trung, văn hóa không chỉ là công cụ mà còn là mục đích của quản trị, hay nói cách khác, quản trị bằng văn hóa chính là tương lai của quản trị.
Theo TS Giản Tư Trung, quản trị bằng văn hóa hay nói một cách đầy đủ hơn đó là nâng tầm quản trị đối với quản trị bằng văn hóa. Ông tin rằng, lâu nay chúng ta đã quản trị bằng văn hóa rồi nhưng chưa thật sự hiểu đầy đủ và hiểu sâu sắc về nó để có thể xem trọng vai trò của quản trị bằng văn hóa.
“Ngay từ khi thành lập, trường PACE đã lựa chọn tôn chỉ đó là “Thực học vì doanh trí”. Thực học vì doanh trí không phải chỉ đơn giản là doanh trí của niềm kính thương mà trước hết là doanh trí của chính bản thân mình và sau đó mới là doanh trí của doanh nghiệp mình và cuối cùng mới là doanh trí của niềm kính thương. Để thực hiện được lý tưởng doanh trí đó thì chúng ta không thể không nói về một giấc mơ không phải của riêng chúng ta mà là giấc mơ của cả Việt Nam về một thế hệ doanh nhân mới, một nền kinh thương mới”, TS. Giản Tư Trung chia sẻ.
Ông cho rằng, thế hệ doanh nhân mới là một thế hệ doanh nhân không chỉ có năng lực lãnh đạo hay tài năng kinh doanh mà là một thế hệ doanh nhân có chiều sâu văn hóa có tính nhân bản và có tinh thần ái quốc. Một thế hệ doanh nhân rất nhân loại, rất dân tộc nhưng cũng rất chính mình và một thế hệ doanh nhân luôn tâm niệm rằng, kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phụng sự xã hội thông qua các sản phẩm, dịch vụ tốt lành của mình.
Điểm nổi bật lớn nhất của thế hệ doanh nhân mới so với các thế hệ doanh nhân trước đây, theo TS. Giản Tư Trung, nếu như các thế hệ doanh nhân trước đây họ chỉ coi trong tài năng lãnh đạo hay tài năng kinh doanh, thì thế hệ doanh nhân mới họ đặc biệt coi trọng chiều sâu văn hóa, tính nhân bản và tinh thần ái quốc. Trong khi, các thế hệ doanh nhân trước đây họ chỉ coi trọng tài năng lãnh đạo hay tài năng kinh doanh. Đây là điểm quan trọng nhất của thế hệ doanh nhân mới.
Do đó, ông cho rằng, câu chuyện văn hóa là một câu chuyện rất quan trọng để định hình nên một thế hệ lãnh đạo mới một thế hệ doanh nhân mới và một thế hệ chuyên gia mới. Bởi theo ông, chúng ta đang sống trong một thế giới biến động khôn lường, thì chiều sâu văn hóa chính là nền tảng, là bệ phóng cho tất cả mọi thứ. Nền tảng văn hóa cũng chính là lực đẩy để chúng ta bứt phá nhưng cũng là nguyên nhân khiến chúng ta sụp đổ.
“Trong kinh doanh, bất cứ ai cũng mong muốn doanh nghiệp của mình lớn mạnh và bền vững hoặc là cả hai. Bất cứ ai cũng muốn doanh nghiệp mình lớn và bền thì chắc chắn nền tảng đó chính là văn hóa. Nếu không có văn hóa hoặc không chú trọng đến văn hóa thì doanh nghiệp có thể lớn nhưng không thể bền. Điều này cũng giống như với con người, nếu không chú trọng đến văn hóa, không quan tâm đến chiều sâu văn hóa của bản thân thì người đó có thể giàu, nhưng không thể sang. Văn hóa không chỉ giúp chúng ta giàu có mà còn giúp chúng ta trở nên sang trọng một cách đúng nghĩa”, TS. Giản Tư Trung nhấn mạnh.
Cũng theo TS. Giản Tư Trung, trong thời đại trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển mạnh mẽ như hiện nay và AI càng ngày càng giống với con người hơn, càng ngày càng vượt xa con người hơn. Trong bối cảnh đó, nhiều người cảm thấy lo lắng cho tương lai của mình, của doanh nghiệp mình, của đất nước mình. Nhưng cho dù AI có giỏi đến đâu thì nó vẫn không phải là con người. Và điều mà AI không có được chính là tính người hay còn gọi là nhân tính. Đó cũng chính là nền tảng căn bản nhất của văn hóa và khai mở nhân tính, vun bồi quốc tính và phát triển cá tính là con đường mà bất cứ doanh nghiệp nào cũng phải đi, bất cứ cá nhân nào cũng phải thực hiện.
Có nhiều quan điểm cho rằng, quản trị bằng văn hóa có nghĩa là văn hóa chính là công cụ của quản trị. Tuy nhiên, theo TS. Giản Tư Trung, điều này đúng, nhưng chưa đủ, bởi theo quan điểm của trường PACE, văn hóa không chỉ là công cụ mà còn là mục đích của quản trị. Hay nói cách khác, quản trị bằng văn hóa chính là tương lai của quản trị. Không một doanh nghiệp nào có thể lớn mạnh và bền vững nếu như không đặc biệt coi trọng văn hóa và văn hóa doanh nghiệp.
Mặc dù vậy, TS. Giản Tư Trung cũng cho rằng, nói văn hóa là tương lai của quản trị vẫn còn rất khiêm nhường. Theo ông, quản trị bằng văn hóa không chỉ là tương lai của quản trị mà bản thân văn hóa là hiện tại của quản trị. Bởi vì nếu không có văn hóa thì cũng không có quản trị mà chỉ có cai trị.
“Văn hóa là yếu tố để chúng ta phân biệt rõ nhất giữa quản trị và cai trị, giữa doanh nhân với trọc phú, con buôn và văn hóa cũng là để phân biệt giữa lãnh đạo và cầm quyền. Nếu không có văn hóa thì không có lãnh đạo, chỉ có cầm quyền; Không có văn hóa thì không có quản trị, chỉ có cai trị; Không có văn hóa thì không có doanh nhân, chỉ có trọc phú và con buôn”, TS. Giản Tư Trung khẳng định.
Đồng thời, ông cũng khẳng định, văn hóa không chỉ là công cụ mà còn là mục đích của quản trị, không chỉ là quản trị doanh nghiệp, quản trị đội ngũ mà trước hết và trên hết đó là quản trị chính bản thân mỗi người chúng ta.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn