Năm 2024, đã có 329.097 người cao tuổi tại TP.HCM được khám sức khỏe, nhưng có đến hơn 56,7% người bị tăng huyết áp.
Theo báo cáo, đến giữa tháng 12.2024, các quận huyện và TP.Thủ Đức đã khám được 329.097 người cao tuổi (đạt 32%), nữ chiếm 61%. Bình Chánh là huyện khám sức khỏe người cao tuổi nhiều nhất, tiếp theo là Q.Bình Tân, Q.6, TP.Thủ Đức… Tỷ lệ người cao tuổi được xét nghiệm, siêu âm cao thấp tùy theo tháng, theo quận huyện.
Kết quả khám sức khỏe cho thấy, có hơn 56,7% người cao tuổi bị tăng huyết áp; hơn 22,6 người bị đái tháo đường và nghi ngờ đái tháo đường; hơn 2,6% người bị trầm cảm, lo âu; 17,5% người có nguy cơ bị té ngã; 0,6% người sa sút trí tuệ và 5,6% người giảm nhận thức.
“Trong lần khám sức khỏe này phát hiện thêm hơn 10% người bị tăng huyết áp (ngoài những người đã có tiền sử trước đó). Như vậy, trong 1 triệu người cao tuổi thì có khoảng 100.000 người bị tăng huyết áp nhưng chưa phát hiện ra để chăm sóc và quản lý kịp thời”, Sở Y tế TP.HCM thông tin.
Kết quả khám sức khỏe người cao tuổi cũng cho thấy tỷ lệ nam, nữ mắc các bệnh mạn tính là như nhau và tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc các bệnh lý càng nhiều. Nhóm người trên 80% thì trầm cảm cao gấp 3 lần so với nhóm người có tuổi thấp hơn. Tỷ lệ trầm cảm, lo âu của người cao tuổi sống ngoại thành cao hơn ở nội thành.
Tỷ lệ khám sức khỏe người cao tuổi năm 2024 không đạt được như mục tiêu đề ra là 80%. Chính vì vậy, Sở Y tế đề nghị điều chỉnh kế hoạch đề xuất mở rộng thêm các cơ sở khám sức khỏe người cao tuổi (bên cạnh trạm y tế, trung tâm y tế, bệnh viện đa khoa quận huyện và bệnh viện đa khoa khu vực).
“Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam là 74, nhưng tuổi sống khỏe mạnh chỉ 62-63 tuổi, sau đó chất lượng sống không cao, kèm theo các bệnh tật như bệnh không lây, tai biến”, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết.
Theo TS-BS Vĩnh Châu, năm 2025 ngành y tế tiếp tục khám sức khỏe người cao tuổi hiệu quả hơn, khám được 100% người cao tuổi, để phát hiện những căn bệnh mạn tính. Từ đó có kế hoạch chăm sóc, điều trị để làm tăng tuổi thọ và chất lượng sống cho người dân TP.HCM.
Đặc biệt, TP.HCM tiếp tục bổ sung thuốc cho trạm y tế để khám bảo hiểm y tế, điều trị bệnh nhân tăng huyết áp, đái tháo đường.
“Khi điều trị được cho người cao tuổi trên địa bàn thì chắc chắn uy tín trạm y tế sẽ tăng lên và người cao tuổi sẽ đến thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, các trạm y tế cần triển khai thêm khám y học cổ truyền”, TS-BS Vĩnh Châu nói.
Nguồn: thanhnien.vn