Nhiều bạn đọc đánh giá việc người dân tham gia hỗ trợ, cung cấp thông tin, hình ảnh vi phạm an toàn giao thông cho CSGT cũng là cách thực hiện quyền giám sát.
Thực tế, các quy định tại Thông tư số 73 (có hiệu lực thi hành từ 1.1.2025) không phải mới, mà kế thừa quy định hiện hành tại Thông tư 32/2023 của Bộ Công an. Thời gian qua, công an nhiều tỉnh, thành rất tích cực trong việc kêu gọi người dân chủ động phối hợp trong công tác bảo đảm TTATGT.
Mới đây, Bộ Công an cũng trình Chính phủ dự thảo nghị định quản lý, sử dụng kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ và đấu giá biển số xe sau khi nộp ngân sách. Theo đó, Bộ Công an đề xuất mức chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về TTATGT của một vụ việc không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa 5 triệu đồng. Việc thanh toán chi phí hỗ trợ “mua” tin phải có đầy đủ chứng từ theo quy định.
Cần thiết, phải làm ngay
Đánh giá việc hình ảnh, clip do người dân cung cấp đã trở thành một nguồn chính thống, bạn đọc (BĐ) Trịnh Cường nêu ý kiến: “Đây là điều rất nên làm để những phản ánh từ người dân đến với cơ quan công an được nhanh chóng, thuận tiện. Nếu có thêm quy định về mức tiền hỗ trợ ngược lại cho người cung cấp thì càng tốt. Thực tế, người dân cũng không nghĩ đến việc “bán” thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm đâu. Chủ yếu là vì bức xúc, phần còn lại là muốn đóng góp để điều chỉnh hành vi giao thông”.
Tán thành, BĐ Tham Vu Van nhận xét thêm: “Cơ quan công an khuyến khích người dân gửi hình ảnh phản ánh vi phạm về TTATGT cũng là một kênh để người dân thực hiện quyền giám sát”.
BĐ Mỹ Lương cho rằng một khi đã có thông tư hướng dẫn rõ ràng, không chỉ ở các thành phố lớn, CSGT mọi địa phương nên tăng cường lập “group giao thông” trên các mạng xã hội: “Khi phát hiện vi phạm, người dân sẽ quay video hoặc chụp hình gửi vào, CSGT sẽ căn cứ vào đó mà xử phạt. Mình hy vọng nếu làm được như vậy thì 99% tài xế sẽ không còn dám chạy ẩu”.
Bên cạnh các ý kiến ủng hộ cơ chế phối hợp nguồn tin giữa CSGT và người dân, nhiều BĐ đồng thời nhắc nhở “phản ánh phải chính xác, trung thực, vì thông tin đã được coi là cơ sở pháp lý, người cung cấp phải chịu trách nhiệm”.
Phản hồi xử lý thật nhanh
Nhiều BĐ lưu ý, tâm lý chung của người dân khi gửi các hình ảnh, clip về TTATGT đều mong muốn nhận được thật nhanh nội dung phản hồi, xử lý. BĐ Minh Nghĩa chia sẻ: “Trước đây nhiều lúc thấy cảnh vi phạm, tôi cũng bức xúc lắm, nhưng lại ngại báo cho CSGT, phần vì không biết gửi như thế nào, phần cũng sợ phiền. Nhưng giờ thì tôi an tâm rồi, vụ nào gửi cũng được mấy anh CSGT phản hồi, có kết quả xử lý nhanh. Tính ra, hỗ trợ CSGT cũng là tự giúp mình khỏi gặp mấy cảnh chướng tai gai mắt”.
Ngoài hệ thống camera giám sát giao thông, việc huy động thêm thông tin từ người dân cung cấp sẽ là một kênh rất hiệu quả giúp tăng độ phủ sóng của lực lượng chức năng. Vì vậy, đa số BĐ mong muốn việc phối hợp này sớm trở thành thói quen trong văn hóa giao thông.
“Nhiều người ra đường tham gia giao thông mà hành xử hết sức tùy tiện. Tại sao chúng ta không tổ chức nhiều cuộc thi, từ thi viết, thi trên mạng, đến các gameshow về văn hóa giao thông, ứng xử khi ra đường, để nâng cao ý thức của mọi người, kéo giảm tai nạn giao thông?”, BĐ hieu khang đóng góp thêm.
Các bác tài lưu ý nhé, giờ camera hành trình khắp nơi, nếu chỉ chấp hành luật theo kiểu đối phó thì dễ bị ăn biên bản phạt nguội lắm.
Lại Quang Tấn
Từ nay lực lượng hỗ trợ công an sẽ đông lắm đây! Mọi người đi đường nhớ đúng luật nhé.
Thanh Truyền
Có được cơ chế phối hợp rõ ràng như vậy, văn hóa dùng mạng xã hội và văn hóa tham gia giao thông của người dân sẽ tốt hơn từng ngày. Rất tuyệt vời.
Hương Tràm
Nguồn: thanhnien.vn