VTV.vn – Năm nay, thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam đạt khoảng 17,5 tỷ giao dịch. Tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 280 triệu tỷ đồng (tăng hơn 120% về giá trị so với cùng
“Chợ không tiền mặt”
Ở Việt Nam hiện nay đã có hơn 200 triệu tài khoản thanh toán của khách hàng cá nhân, thanh toán không dùng tiền mặt, tăng hơn 50% – tức là tăng gấp rưỡi về số lượng so với cùng kỳ năm ngoái.
Những con số đó cho thấy sự “bùng nổ” mạnh mẽ của loại hình thanh toán này. Nhiều mô hình mới thanh toán không dùng tiền mặt đã xuất hiện ngày một phổ biến và đem lại nhiều tiện lợi cho người dùng như các tuyến phố thanh toán không dùng tiền mặt, chợ không dùng tiền mặt, các bãi trông xe thanh toán không tiền mặt, các trường học đóng học phí không dùng tiền mặt.
Chợ Đồng Xa, một trong những chợ truyền thống đầu tiên của quận Cầu Giấy, Hà Nội được chọn thí điểm triển khai mô hình mới “Chợ thông minh 4.0 – không dùng tiền mặt”. Việc quét mã QR để mua hàng không mới, nhưng tại chợ, điều đặc biệt là toàn bộ những người bán hàng lớn tuổi, bán các mặt hàng có giá trị nhỏ cũng có mã QR để chuyển khoản, sẵn sàng với các giao dịch mua bán không tiền mặt.
Bà Đinh Thị Sử – Bán hàng tại chợ Đồng Xa, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Mới dùng cũng hơi khó, sau đó mình phải về nhờ con hướng dẫn”.
Chị Vương Thị Hiến – Quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Khi mua bán, không có tiền lẻ thì rất tiện”.
Những ngày tới, Ban quản lý chợ quận Cầu Giấy còn lắp đặt wifi khu vực trong chợ để các hộ kinh doanh tiện lợi hơn nữa trong việc thanh toán online chuyển khoản.
Bà Phạm Thu Hà – Ban quản lý chợ quận Cầu Giấy, Hà Nội nhận định: “Có những người ở nhà chỉ sử dụng wifi, không dùng 4G. Vì vậy, khi ra chợ có thể có phủ sóng để thuận tiện trong công việc thanh toán mà không phải dùng đến tiền mặt”.
Tại Hà Nội, mỗi quận, huyện đều chọn 1-2 chợ thí điểm nhân rộng mô hình chợ 4.0. Mô hình này còn xuất hiện nhiều ở các tỉnh thành khác trên cả nước.
Chị Lê Thị Trang – Xã Thiệu Giao, huyện Thiệu Hoá, Thanh Hoá chia sẻ: “Tiện lợi cho việc buôn bán kinh doanh. Khi khách hàng đến mua rất tiện, không cần dùng tiền mặt để trả lại cho khách”.
Mô hình mới thanh toán không tiền mặt tại chợ truyền thống đang phát triển kinh tế số, xã hội số, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
Chỉ cần một mã quét có thể thanh toán mọi thứ
Tuyến phố thương mại 4.0 – không tiền mặt
Không chỉ tại các chợ, bây giờ Hà Nội có cả “Tuyến phố thương mại 4.0 – không dùng tiền mặt”. Điển hình như các cửa hàng kinh doanh trên tuyến phố Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội là một ví dụ.
Phố Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội được chọn thí điểm là “Tuyến phố thương mại 4.0 – Không dùng tiền mặt” từ hai tháng nay. Quét mã QR trở nên quen thuộc với cả người mua, người bán.
Anh Nguyễn Văn Hòa – Nhân viên quán cà phê, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: “Từ lúc trở thành tuyến phố không dùng tiền mặt, mọi người chuyển khoản nhiều hơn. 90 % mọi người ưu tiên chuyển khoản”.
Anh Phạm Văn Hoàn – Phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Mình sống ở khu phố này, hàng ngày mình đi tất cả cửa hàng ở khu phố này, chỉ cần một chiếc điện thoại duy nhất là có thể thanh toán tất cả sản phẩm mình mua”.
Chính quyền địa phương đã trang bị bảng mã QR cho các hộ kinh doanh trên Tuyến phố thương mại 4.0 – Không dùng tiền mặt. Hiện mô hình mới này cũng được triển khai nhân rộng tại nhiều quận huyện của Hà Nội, Trước đó, tuyến phố đi bộ xung quanh Hồ Gươm cũng được nhiều người hưởng ứng khi thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm.
Ông Nguyễn Việt Hùng – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hà Nội nhận định: “Hiệu quả kinh tế là giúp cho quá trình thanh toán trở nên an toàn, minh bạch và giúp cho cơ quan thuế có thêm công cụ để nắm bắt tình hình phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Vì vậy, có những chính sách thu thuế đúng, đủ hơn”.
Chỉ cần một mã quét có thể thanh toán mọi thứ. Có thể kiểm tra nguồn tiền trên hệ thống, rất an toàn. Đó là cảm nhận chung của nhiều người bán hàng khi tham gia mô hình “Tuyến phố thương mại 4.0 – Không dùng tiền mặt” tại nhiều địa phương trên cả nước. Mô hình này đang lan tỏa khá mạnh tại các địa phương có đông khách du lịch như: Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Vũng Tàu, Kiên Giang…
Trí tuệ nhân tạo giúp nộp thuế trực tuyến
Việc nộp thuế trực tuyến đã không còn xa lạ đối với nhiều hộ kinh doanh. Tuy nhiên, để thuận lợi cho các hộ, đặc biệt các nhà khởi nghiệp, mới đây, Tổng cục Thuế đã thí điểm tại Cục Thuế Hà Nội mô hình trợ lý ảo Chatbot – ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ, giải đáp nhanh chóng các thắc mắc, từ đó hỗ trợ việc thanh toán, nộp thuế trực tuyến được tiện lợi hơn.
Mọi lúc, mọi nơi, dùng điện thoại thông minh hoặc máy tính, người nộp thuế có thể truy cập và sử dụng ứng dụng trợ lý ảo Chatbot trên nền tảng mạng xã hội Zalo hoặc trang web của Cục Thuế Hà Nội. Chỉ trong vài giây, các thắc mắc của người nộp thuế sẽ được giải đáp tự động, không phải đến tận nơi trực tiếp như trước.
Anh Nguyễn Quang Trung – TP. Hà Nội cho biết: “Trước đây, thủ tục rất rườm rà trên cơ quan thuế. Hiện nay, khi có công cụ trợ lý ảo AI này, tất cả mọi vướng mắc mình có thể thực hiện ngay tại nhà”.
Chị Đặng Thị Thảo – TP. Hà Nội chia sẻ: “Câu trả lời rất rõ ràng, đầy đủ và có thể giải quyết vấn đề của mình ngay lập tức”.
Toàn quốc hiện có hơn 920.000 doanh nghiệp, tổ chức và hàng chục triệu mã số thuế cá nhân, hộ kinh doanh thuộc diện quản lý thuế. Việc ứng dụng trợ lý ảo ChatBot, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo là một giải pháp nâng cao hiệu quả trong việc nộp thuế online, tiết kiệm thời gian đi lại cho người nộp thuế.
Ông Vũ Mạnh Cường – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nhận định: “Trên cơ sở những phản hồi đóng góp của người dân và doanh nghiệp, ngành thuế sẽ làm giàu cơ sở dữ liệu và cải tiến hệ thống để có thể triển khai ra phạm vi toàn quốc trong thời gian nhanh nhất. Chúng tôi cũng tổng hợp lại những vướng mắc của người nộp thuế để có thể cải cách”.
Người dân cần hết sức cẩn trọng với việc bảo mật thông tin tài khoản và các hoạt động giao dịch của mình
Bảo mật trong thanh toán trực tuyến
Năm nay, thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam đạt khoảng 17,5 tỷ giao dịch. Tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 280 triệu tỷ đồng (tăng hơn 120% về giá trị so với cùng kỳ). Tuy nhiên, trước vấn đề hiện nay là gia tăng các tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản ngân hàng của người dùng. Thời gian qua, các chuyên gia lưu ý: người dân cần hết sức cẩn trọng với việc bảo mật thông tin tài khoản và các hoạt động giao dịch của mình.
Ông Nguyễn Bình Minh – Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam đưa ra ý kiến: “Khi sử dụng các công cụ thanh toán số, chúng ta thường xuyên để các tài khoản trên điện thoại di động của mình. Những sơ hở như mất điện thoại, bị hack điện thoại cũng có thể dẫn đến ảnh hưởng các tài khoản cũng như ví điện tử của những người dùng này. Chính vì vậy, đối với những người dùng, khi đã tích hợp các công cụ thanh toán số, chúng ta phải có ý thức bảo vệ điện thoại thông minh của mình, đặc biệt phải sử dụng các hệ thống bảo mật nhiều tầng, để đảm bảo trong trường hợp mất điện thoại, việc kiểm soát ví hay các tài khoản ngân hàng vẫn diễn ra an toàn. Đặc biệt, không chia sẻ mật khẩu hay không truy cập vào các đường link lạ trên internet để tránh tình trạng bị hacker tấn công và chiếm đoạt tài khoản của mình”.
Sẽ tăng thanh toán không tiền mặt
Trên thế giới, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt cũng bùng nổ mạnh mẽ, tăng từ 50% vào năm 2017 lên khoảng 70% vào năm 2023.
Tại các quốc gia phát triển như Thụy Điển, hơn 80% giao dịch thương mại đã được thực hiện qua thẻ hoặc phương thức thanh toán điện tử. Trong khi đó, tại các thị trường mới nổi, sự chuyển đổi sang thanh toán không tiền mặt cũng đang diễn ra rất mạnh mẽ, với Ấn Độ và Trung Quốc dẫn đầu trong việc áp dụng các công nghệ thanh toán di động.
Theo báo cáo của Statista, tổng giá trị thanh toán không tiền mặt trên toàn cầu ước tính đạt 1.200 tỷ USD vào năm 2024 và con số này có thể tiếp tục tăng mạnh nhờ sự phát triển của các công nghệ như ví điện tử, blockchain và các giải pháp thanh toán qua mã QR. Một trong những yếu tố thúc đẩy sự chuyển đổi này là sự gia tăng của các nền tảng thanh toán điện tử, sự phổ biến của các ứng dụng thanh toán trên điện thoại di động và các chương trình Chính phủ hỗ trợ phát triển hệ thống thanh toán điện tử, như ở Trung Quốc với các chương trình của Alipay hay WeChat Pay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!