Thursday, December 26, 2024

Thưởng lãm hoa nở từ đất nghìn năm tuổi

Sáng 25.12, Bảo tàng Lịch sử TP.HCM khai mạc trưng bày chuyên đề Hoa nở từ đất – hoa trong nghệ thuật gốm sứ phương Đông. Lần đầu tiên, công chúng yêu cổ vật được dịp thưởng lãm những bộ gốm sứ hơn nghìn năm tuổi “nở hoa từ đất”, trong không gian đầy sắc màu đón xuân mới Ất Tỵ…

Là sự kết tinh kỳ diệu giữa đất – nước – lửa và sự tài hoa của con người, thông qua bàn tay khéo léo, trái tim đam mê và khối óc sáng tạo của các nghệ nhân, những khối đất vô tri đã trở thành những tác phẩm sống động, những “bông hoa” tô điểm cho cuộc sống. Ngoài công năng là đồ dùng trong sinh hoạt, gốm còn trở thành biểu tượng nghệ thuật, đặc trưng của mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa thông qua các họa tiết hoa văn thể hiện trên đó.
Thưởng lãm hoa nở từ đất nghìn năm tuổi

Chóe Trung Quốc thế kỷ 19

ẢNH: QUỲNH TRÂN

Trong hơn 150 hiện vật gốm trang trí các loài hoa bốn mùa theo văn hóa của VN, Trung Quốc và Nhật Bản trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP.HCM lần này, phần lớn là các hiện vật gốm của VN, có niên đại trải dài từ thế kỷ 11 đến đầu thế kỷ 20. Trong đó, các loại: gốm men ngọc thời Lý, gốm hoa nâu thời Trần, gốm Chu Đậu thời Lê, gốm VN đặt hàng Trung Quốc sản xuất dưới thời Nguyễn… được sắp xếp theo 4 chủ đề chính: xuân, hạ, thu, đông.

TRIẾT LÝ SỐNG TRONG VĂN HÓA PHƯƠNG ĐÔNG

Ở VN, hoa mai được xem là biểu tượng cho khởi đầu mới, xua tan những điều không may mắn và đón chào một năm bình an, hạnh phúc. Trong thơ ca, hoa mai luôn là biểu tượng cho sự cao quý, trong sạch và cương trực của người quân tử. Loài hoa của mùa xuân phương nam trở thành đề tài trang trí xuất hiện trong nghệ thuật gốm sứ Việt từ thời Lý. Trên gốm sứ, hoa mai được kết hợp với các hình tượng khác để tạo nên ý nghĩa cát tường, thể hiện những đức tính cao quý cùng ước nguyện về cuộc sống tốt đẹp: hoa mai điểu (chim và hoa mai) chỉ tình yêu đôi lứa; hoa mai và chữ thọ thể hiện sự trường thọ; tùng – trúc – mai chỉ tình bạn hữu…

Thưởng lãm hoa nở từ đất nghìn năm tuổi

Bát Trung Quốc thế kỷ 19

ẢNH: QUỲNH TRÂN

Hai loài hoa tượng trưng cho mùa hạ là hoa sen và hoa lan tại trưng bày Hoa nở từ đất, xuất hiện phổ biến trên các dòng gốm men ngọc thời Lý mang màu sắc triết lý Phật giáo. Men hoa nâu – thời Trần, men xanh trắng – thời Lê; đến thời Nguyễn, đặc biệt là gốm Chu Đậu sen được vẽ cách điệu, khi xanh trắng, khi ngũ sắc tạo nên tác phẩm tinh xảo. Trên nghệ thuật gốm sứ, hoa sen thường kết hợp với các biểu tượng: sen – uyên ương (hạnh phúc lứa đôi), hay sen – cua, sen – vịt (sự thành công và đỗ đạt). Còn hoa lan thường được vẽ đơn độc, nép mình bên hốc đá – hình ảnh ẩn dụ cho sự vươn lên mạnh mẽ trong điều kiện khắc nghiệt, nhưng vẫn giữ được vẻ thanh cao và sự kiên cường, truyền tải thông điệp về sự kiên trì và phẩm hạnh, khơi gợi về triết lý sống trong văn hóa phương Đông.

Thưởng lãm hoa nở từ đất nghìn năm tuổi

Ấm Trung Quốc thế kỷ 19

ẢNH: QUỲNH TRÂN

Hoa cúc xuất hiện như một họa tiết trang trí phổ biến trên các hiện vật gốm thời Lý mang ý nghĩa biểu trưng của sự ảnh hưởng Phật giáo. Hoa cúc thường được tái hiện trên những hình thức nghệ thuật điêu khắc, hội họa, gốm sứ… với ý nghĩa biểu trưng cho sự trường tồn, bất tử – một biểu tượng có tính điển hình, riêng biệt không tìm thấy ở những loài cây cao quý khác.

Thưởng lãm hoa nở từ đất nghìn năm tuổi

Đôn VN đặt hàng Trung Quốc sản xuất thế kỷ 19

ẢNH: QUỲNH TRÂN

Đến thời Lê và thời Nguyễn, hoa cúc xuất hiện phổ biến trên gốm Chu Đậu, gốm men xanh trắng và men nhiều màu. Trong các đồ dùng ngự dụng, hoa cúc còn được trang trí cách điệu thành hình tượng rồng tạo nên các đề tài lưỡng long tranh châu, lưỡng long chầu nhật và mang ý nghĩa gắn với hoàng tộc. Trên gốm sứ, hoa cúc được thể hiện riêng biệt hoặc kết hợp với hoa sen, hoa mẫu đơn, chữ thọ, chim trĩ hoặc mai lan trúc trong tứ quý để gửi gắm những thông điệp cầu mong cuộc sống đầy đủ, hạnh phúc và trường thọ.

Thưởng lãm hoa nở từ đất nghìn năm tuổi

Ấm gốm men trắng thời Lý thế kỷ 19

ẢNH: QUỲNH TRÂN

Trong văn hóa VN, cây trúc hay tre là hình ảnh thân thuộc trong tâm thức người Việt, xuất hiện từ thời Hùng Vương dựng nước. Vì vậy, chủ đề Mùa đông gắn với hai loài cây có phần đặc biệt, đó là tùng và trúc. Trên đồ gốm sứ, hình ảnh của hai loài cây này có thể xuất hiện ở dạng đơn lẻ hoặc kết hợp. Ở dạng đơn lẻ, mỗi loại cây được nghệ nhân thể hiện theo những phong cách khác nhau. Ở dạng kết hợp thì tùng và trúc được kết hợp cùng hoa mai để tạo thành đề tài Tuế hàn tam hữu (Ba người bạn trong mùa đông). Hình ảnh tre, trúc xuất hiện trên các loại hình gốm Chu Đậu, gốm Bát Tràng, gốm men xanh trắng vô cùng thú vị và độc đáo, khiến mọi người đến thưởng lãm đều trầm trồ, thán phục.

Thưởng lãm hoa nở từ đất nghìn năm tuổi

Đĩa VN đặt hàng Trung Quốc sản xuất thế kỷ 19

ẢNH: QUỲNH TRÂN

TS Hoàng Anh Tuấn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử TP.HCM, khẳng định: “Các cổ vật “hoa từ đất nghìn năm tuổi” không chỉ mang đến vẻ đẹp riêng mà còn gửi gắm nhiều ý nghĩa văn hóa sâu sắc khiến người xem suy ngẫm, bởi những bông hoa nở từ đất đã chạm đến trái tim mỗi người, khơi gợi tình yêu nghệ thuật và niềm tự hào về di sản của cha ông để lại”. 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img