Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế, Vĩnh Phúc đã có những giải pháp đột phá nâng cao chất lượng lao động đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực doanh nghiệp trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Hồng Phong, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, ước tính 6 tháng đầu năm 2024, số lao động đang làm việc trên toàn tỉnh ước tính đạt 602,7 nghìn người; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ ước tính đạt 36,2%.
Tính đến ngày 15/11/2024, toàn tỉnh đã giải quyết việc làm cho 20.399 lao động, tăng 9,33% so cùng kỳ, vượt 19,99% kế hoạch năm 2024. Trong đó: giải quyết 4.253 việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; 9.098 việc làm trong khu vực công nghiệp – xây dựng; 6.205 việc làm khu vực dịch vụ; 843 người đi xuất khẩu lao động.
Đáng chú ý, sự phát triển của ngành công nghiệp khiến nhu cầu tuyển dụng, sử dụng lao động của các doanh nghiệp tăng mạnh từ 10.900 người năm 2020 lên gần 20.000 người năm 2024. Dự kiến năm 2025 và những năm tiếp theo, tỉnh Vĩnh Phúc cần khoảng 20.000 – 25.000 lao động, tập trung vào 3 nhóm ngành chính, gồm: Điện tử, thiết bị điện; dệt may, da giày; cơ khí, sản xuất kim loại.
Sẵn sàng nguồn nhân lực
Để sẵn sàng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, trong suốt những năm qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã ưu tiên đầu tư xây mới, nâng cấp các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; thực hiện phân luồng học sinh; ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích lao động học nghề; đưa công nhân, lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.
Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 30 cơ sở giáo dục nghề nghiệp với 45 nghề trình độ cao đẳng, hơn 70 nghề trình độ trung cấp và hơn 130 nghề trình độ sơ cấp với năng lực tuyển sinh hàng năm khoảng hơn 41.000 người.
Triển khai, thực hiện các nhiệm vụ được giao, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở có hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học. Tăng cường liên kết với các doanh nghiệp, mở rộng quy mô đào tạo các ngành, nghề theo nhu cầu thị trường; tăng các tiết dạy thực hành, định hướng nghề nghiệp cho học sinh…
Đánh giá của các ngành chức năng tỉnh Vĩnh Phúc cho thấy, trình độ tay nghề của người lao động ngày càng được nâng cao, nhất là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 20 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Hiện đội ngũ công nhân của tỉnh phát triển cả về số lượng và chất lượng; trình độ lý luận, ý thức tổ chức, kỷ luật ngày càng được nâng lên, từng bước đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động, những năm qua, Liên đoàn Lao động tỉnh đã tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tự nguyện, quy chế dân chủ ở cơ sở. Tiến hành gần 1.600 cuộc kiểm tra đồng cấp và cấp dưới về việc chấp hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam; kiểm tra 37 tổ chức về công tác quản lý, sử dụng tài chính công đoàn.
Tuy nhiên, theo một số doanh nghiệp phản ánh, số lao động phổ thông và lao động chất lượng cao vẫn còn thiếu hụt. Đặc biệt, dù tỷ lệ lao động qua đào tạo có xu hướng tăng qua các năm nhưng số lao động có trình độ cao đẳng trở lên trong lĩnh vực công nghệ cao còn thấp và chưa đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp công nghệ cao.
Đẩy mạnh đồng bộ các giải pháp
Trước những khó khăn, bất cập trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao.
Đẩy nhanh quá trình chuyển dịch lao động sang các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao; ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực và phát triển doanh nghiệp ở khu vực nông thôn; đổi mới công tác dạy nghề gắn với giải quyết việc làm.
Cùng với đó, tăng cường hợp tác, liên kết, đặt hàng đào tạo với các trường đại học; thực hiện chương trình đào tạo mới theo chuẩn khu vực và quốc tế. Kịp thời điều chỉnh công tác giải quyết việc làm, giáo dục nghề nghiệp theo sự thay đổi, biến động của thị trường lao động và phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế.
Đồng thời, phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp với nhiều phương thức và trình độ đào tạo, nhất là đào tạo chất lượng cao theo hướng tăng cường thực hành, bảo đảm đáp ứng nhu cầu nhân lực qua đào tạo cho thị trường lao động, góp phần nâng cao năng suất lao động, chất lượng tăng trưởng, sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, tỉnh đưa đổi mới phương pháp quản lý; nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả hoạt động bộ máy quản lý nhà nước về đào tạo.
Ban hành các nghị quyết, đề án, chương trình, kế hoạch như: Kế hoạch hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030; Kế hoạch triển khai cung ứng lao động cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 – 2025; Đề án phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 – 2025…
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn