Friday, December 27, 2024

Ứng xử va chạm giao thông, sinh viên cần lưu ý gì?

Khi xảy ra va chạm giao thông, sự mất bình tĩnh và cách ứng xử không phù hợp dễ dẫn đến xung đột. Nếu giữ thái độ điềm đạm và khiêm tốn, sinh viên có thể vượt qua được những tình huống không mong muốn khi tham gia giao thông.

Ứng xử va chạm giao thông, sinh viên cần lưu ý gì?

Các khách mời tham gia tọa đàm sáng nay

ẢNH: N.D

Cách thức ứng xử khi va chạm giao thông là một nội dung quan trọng được chia sẻ trong tọa đàm “Văn hóa ứng xử khi tham gia giao thông” do Báo Tiền Phong phối hợp với Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM tổ chức sáng nay (24.12).

Khuyến khích sử dụng phương tiện công cộng

Chia sẻ trong tọa đàm, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở Giao thông vận tải TP.HCM), cho rằng trong điều kiện diện tích giao thông rất thấp, TP.HCM có nhiều kế hoạch đầu tư xây dựng các công trình như: metro, hầm chui, mở rộng giao lộ, hệ thống đèn, biển báo giao thông, vạch kẻ đường trước cổng trường, dải phân cách giữa các làn xe… để tăng thêm diện tích đường lưu thông và hạn chế va chạm.

Cũng theo ông Hải, TP.HCM là siêu đô thị, số lượng phương tiện tăng hàng năm và tăng 7% năm 2024. Do đó, người dân sử dụng phương tiện giao thông công cộng giúp giải tỏa việc quá tải diện tích mặt đường, hạn chế tối đa va chạm trên đường.

Thượng tá Lê Văn Hải, Phó trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an TP.HCM, lưu ý nguyên nhân các vụ ẩu đả, va chạm trong thời gian vừa qua không thể đánh đồng do áp lực kẹt xe, tắc đường mà xuất phát từ ý thức của người tham gia giao thông.

Thượng tá Lê Văn Hải cho rằng, tâm lý của người tham gia giao thông sợ kẹt xe và muốn đi nhanh, về sớm nên đi lấn làn, đi lên vỉa hè rồi xảy ra va chạm và mất bình tĩnh khi giải quyết dẫn đến cách ứng xử không phù hợp.

“Trường hợp xảy ra va chạm, người dân phải nhường nhịn và phải có một bên nhận mình sai thì vụ việc mới được giải quyết và không dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Người dân nên dừng lại hỏi thăm, kiểm tra phương tiện xem có bị hư hỏng, người có bị thương. Sau đó, tìm hướng giải quyết chứ không nên bỏ đi, như vậy mới là ứng xử có văn hóa trong tham gia giao thông”, thượng tá Lê Văn Hải cho hay.

Ứng xử va chạm giao thông, sinh viên cần lưu ý gì?

Sinh viên Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM chia sẻ ý kiến tại tọa đàm

ẢNH: N.D

Cách để vượt qua được những tình huống không mong muốn

PGS-TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết vấn đề an toàn của các sinh viên khi tham gia giao thông thường được các trường ĐH quan tâm.

“Mỗi lần nhận cuộc gọi từ phòng công tác sinh viên, đặc biệt vào ban đêm, tôi luôn lo lắng về các tai nạn hoặc rủi ro có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và sự an toàn của các em khi tham gia giao thông”, PGS Tuấn bày tỏ.

Theo PGS-TS Nguyễn Anh Tuấn, hiện nay Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM chưa ghi nhận trường hợp sinh viên bạo hành hay xung đột trong giao thông. Tuy nhiên, ông lưu ý các sinh viên mặc đồng phục của trường thường ở thế yếu trong các vụ va chạm giao thông, đặc biệt là các em năm nhất.

Cảnh báo thêm với sinh viên, PGS-TS Nguyễn Anh Tuấn cho rằng người chịu thiệt hại đầu tiên chính là những người trực tiếp tham gia vào vụ việc. Trong đó, những tổn thất về sức khỏe và tính mạng là không thể bù đắp. Ngoài ra, phần lớn sinh viên hiện nay vẫn đang sống phụ thuộc vào gia đình, với nguồn tài chính chỉ vừa đủ chi tiêu hằng tháng. Do đó, nếu bị xử lý trong các vụ va chạm giao thông, các em sẽ phải đối mặt với các hình thức xử phạt cụ thể, gây ảnh hưởng lớn đến kinh tế cá nhân và gia đình.

“Trường hợp bị tạm giữ bằng lái xe còn có thể làm gián đoạn việc đi lại, học tập và các hoạt động khác của sinh viên”, PGS Tuấn nhấn mạnh.

Do đó, theo Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, ý thức chính là yếu tố quan trọng nhất. Nếu giữ thái độ điềm đạm và khiêm tốn, sinh viên có thể vượt qua được những tình huống không mong muốn khi tham gia giao thông.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img