Sản phẩm từ trồng trọt chiếm 50% giá trị xuất khẩu ngành nông nghiệp với giá trị trên 30 tỷ USD.
Năm 2025, ngành trồng trọt đặt mục tiêu phát triển trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hoàn chỉnh, chuyên nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, an toàn thực phẩm, gia tăng giá trị xuất khẩu, góp phần ổn định xã hội, an ninh quốc phòng. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất đạt 2,2%, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt trên 33 tỷ USD, giá trị sản lượng trên 1ha đất trồng trọt đạt trên 130 triệu đồng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung nhấn mạnh, trong bối cảnh thiên tai diễn biến khó lường, gây thiệt hại nặng cho sản xuất nhưng với sự nỗ lực, vào cuộc đồng bộ, xuất khẩu trồng trọt vẫn chiếm gần 50% giá trị xuất khẩu ngành là kết quả cực kỳ ấn tượng, khẳng định vai trò quan trọng của trồng trọt trong sự phát triển chung của toàn ngành nông nghiệp.
Thứ trưởng lưu ý năm 2025, trong bối cảnh mới, Cục Trồng trọt cần tiếp tục phát huy tinh thần không ngại khó, ngại khổ, đoàn kết, thống nhất, trí tuệ, sáng tạo để giữ vững, phát triển và đưa lĩnh vực trồng trọt tiến tới những cột mốc cao hơn, ấn tượng hơn…
Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050. Chiến lược với những quan điểm, mục tiêu, định hướng cụ thể được kỳ vọng sẽ là động lực để đưa ngành trồng trọt gặt hái thêm nhiều thành công trong tương lai.
Chuyên gia cho rằng, để hiện thực Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050, các bộ, ngành, địa phương cần phát triển sản xuất lúa ở vùng quy hoạch tập trung được đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, hậu cần logistics; bố trí cơ cấu giống, thời vụ gieo trồng theo hướng thuận thiên có kiểm soát thích ứng với biến đổi khí hậu; xây dựng các cụm liên kết gắn với sản xuất, chế biến tiêu thụ rau ở các địa phương, các vùng có sản lượng lớn; phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung bảo đảm truy suất nguồn gốc.
Bên cạnh đó, các địa phương nên chuyển đổi một phần diện tích cà-phê kém hiệu quả, nhất là những vùng khó khăn nguồn nước tưới sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn; đẩy mạnh chế biến, đa dạng hóa các sản phẩm cà-phê, nhất là chế biến sâu nhằm gia tăng giá trị và phát triển thương hiệu cà-phê Việt Nam.
Đối với cây hồ tiêu, cần phát triển theo nhu cầu thị trường; giảm một phần diện tích trồng không phù hợp, diện tích già cỗi sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn…; đồng thời, phát triển trồng trọt theo hướng tuần hoàn, phát thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường; giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm; nghiên cứu, chọn tạo, nhập nội, chuyển giao các giống cây trồng có năng suất cao, chất lượng tốt, có khả năng chống chịu sâu bệnh, thích ứng biến đổi khí hậu và đáp ứng với yêu cầu đa dạng của thị trường; phát triển vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần và xúc tiến thương mại; phát triển thị trường trong và ngoài nước bảo đảm ổn định và nâng cao giá trị cho các sản phẩm trồng trọt…
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn