Sunday, January 5, 2025

Cảnh báo bệnh nhiễm xoắn khuẩn do Leptospira ở trẻ em

Trong vòng 1 tháng vừa qua, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tiếp nhận 2 bệnh nhi nhiễm khuẩn nặng do Leptospira.

Cảnh báo bệnh nhiễm xoắn khuẩn do Leptospira ở trẻ em

 

Trường hợp đầu tiên là bệnh nhi nam 12 tuổi, đến khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vào ngày thứ 4 của bệnh. Khởi phát trẻ xuất hiện sốt cao liên tục 39-40 độ C, viêm kết mạc mắt đỏ hai bên, da vàng nhẹ, đau mỏi cơ ở chân tay. 

Kết quả thăm khám và cận lâm sàng ban đầu cho thấy: Bilan viêm tăng, men gan tăng, các xét nghiệm khác như cúm, sốt xuất huyết, EBV, CMV, cấy máu đều âm tính, X-quang tim phổi cho thấy hình ảnh tổn thương phổi kẽ, siêu âm ổ bụng và siêu âm tim bình thường.

Các bác sĩ Khoa Nhi đã chỉ định cho bệnh nhi xét nghiệm tìm kháng thể Leptospira IgM. Kết quả xét nghiệm cho thấy sự hiện diện của vi khuẩn Leptospira trong mẫu máu. Sau khi được chẩn đoán, bệnh nhi đã được điều trị bằng kháng sinh phù hợp và có sự cải thiện đáng kể sau 2 ngày. Bệnh nhi được ra viện sau 10 ngày điều trị.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhi nữ 14 tuổi, vào viện ở ngày thứ 13 của bệnh. Khởi phát bệnh nhi xuất hiện đau khớp gối, đau khớp háng và cổ chân 2 bên, các khớp không sưng nóng đỏ. Bệnh nhi sốt cao 39-40 độ C, sốt liên tục. 

Bệnh nhi được nhập viện điều trị tại bệnh viện tỉnh với chẩn đoán tình trạng nhiễm khuẩn – chưa loại trừ bệnh lý hệ thống. Bệnh nhi được điều trị 7 ngày bằng kháng sinh ceftriaxon mà tình trạng bệnh không cải thiện, sau đó được điều trị bằng ciprofloxacin và amikacin trong 2 ngày tiếp theo, tuy nhiên tình trạng sốt không thuyên giảm và xuất hiện thêm ban đỏ dạng chấm rải rác toàn thân. Bệnh nhi được chuyển tuyến lên Khoa Nhi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Bệnh nhi được chỉ định làm xét nghiệm Leptospira IgM cho kết quả dương tính. Bệnh nhi được dùng kháng sinh doxycyclin ngay từ khi vào viện và đã cắt sốt sau 2 ngày dùng thuốc và tình trạng ban giảm dần. Bệnh nhi được ra viện sau 1 tuần điều trị.

Bệnh do Leptospira là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính do các xoắn khuẩn thuộc họ Leptospiraceae gây ra. Đây là bệnh truyền nhiễm trong các loài động vật gặm nhấm và xâm nhập ngẫu nhiên vào cơ thể con người qua các vết xước. Bệnh có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm nếu như không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Việc chẩn đoán bệnh nhiễm Leptospira có thể gặp khó khăn do các triệu chứng ban đầu thường không đặc hiệu và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Do đó, nếu có nghi ngờ, các bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm như phản ứng miễn dịch gắn men ELISA (test serology), PCR giúp xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh.

Điều trị bệnh Leptospira ở trẻ em chủ yếu là bằng kháng sinh, đặc biệt là các loại kháng sinh nhóm penicillin hoặc doxycycline. Tuy nhiên, nếu bệnh đã chuyển sang giai đoạn nặng, việc điều trị sẽ bao gồm các biện pháp hỗ trợ như truyền dịch, điều trị suy gan, thận, hoặc các biến chứng khác.

Bệnh nhiễm Leptospira có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, nhưng nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, trẻ em có thể hồi phục hoàn toàn. Để phòng ngừa bệnh, cha mẹ cần lưu ý các biện pháp sau:

– Tránh cho trẻ tiếp xúc với nước hoặc đất bẩn, đặc biệt là ở những khu vực có nguy cơ ngập úng.

– Đảm bảo vệ sinh môi trường sống của trẻ, đặc biệt là trong các khu vực dễ bị ngập lụt hoặc ô nhiễm.

– Khuyến khích trẻ rửa tay sạch sẽ sau khi chơi đùa ngoài trời hoặc tiếp xúc với động vật.

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img