Sunday, January 5, 2025

Xu hướng đại học đẩy mạnh tự chủ

Theo kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ ban hành ngày 6.12, Chính phủ đề nghị các học viện, ĐH, trường ĐH đến năm 2025 tự bảo đảm chi thường xuyên. Đồng thời rà soát, sắp xếp theo quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục và đào tạo gắn với nâng cao mức độ tự chủ về tài chính phù hợp với lộ trình tính đủ giá dịch vụ sự nghiệp công theo ngành, lĩnh vực.

Trước đó, đầu năm 2024, Bộ Nội vụ có văn bản về việc sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GD-ĐT. Theo đó, Bộ Nội vụ đề nghị Bộ GD-ĐT xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục ĐH trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định. Trong đó có phương án sắp xếp và nâng cao mức độ tự chủ về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể, Bộ Nội vụ đề nghị Bộ GD-ĐT chỉ đạo các đơn vị sự nghiệp công lập xây dựng và thực hiện lộ trình tự chủ về tài chính.
Xu hướng đại học đẩy mạnh tự chủ

ĐH Kinh tế TP.HCM, một trong những trường thực hiện tự chủ về tài chính

ẢNH: ĐÀO NGỌC THẠCH

Theo phương án sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ GD-ĐT, đến hết năm 2025 có 24 cơ sở giáo dục ĐH cần thực hiện lộ trình nâng cao mức độ tự chủ về tài chính, từ mức đảm bảo chi thường xuyên trở lên. Cũng thuộc Bộ GD-ĐT, 11 cơ sở giáo dục ĐH khác tiếp tục duy trì loại hình trường tự chủ. Theo kế hoạch này, hết năm 2025, các đơn vị đào tạo ĐH thuộc Bộ GD-ĐT sẽ đồng loạt thực hiện lộ trình nâng cao mức độ tự chủ về tài chính.

Quá trình chuyển đổi sang mô hình tự chủ tác động mạnh mẽ tới tất cả các hoạt động của trường ĐH. Đáng chú ý, cùng với đẩy mạnh tự chủ ĐH là sự hạn chế phụ thuộc vào ngân sách nhà nước về tài chính. Chẳng hạn, đến năm 2024, ĐH Quốc gia TP.HCM có 24/36 đơn vị tự chủ tài chính nhóm 2 (chiếm tỷ trọng 66%) và có 12/36 đơn vị tự chủ tài chính nhóm 3 (chiếm tỷ trọng 34%); giảm 27% chi thường xuyên (178 tỉ đồng) từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Chỉ tính riêng số lượng viên chức nhận lương từ ngân sách nhà nước, năm 2024 ĐH này chỉ còn 1.154 người (trong tổng số 6.400 viên chức, chiếm tỷ lệ 18%). Tỷ lệ này giảm mạnh so với thời điểm năm 2015, khi số viên chức nhận lương từ ngân sách lên tới 3.502/5.603 người (chiếm tỷ lệ 62,5%).

Về phía người học, tác động lớn nhất khi trường ĐH chuyển sang tự chủ là chính sách học phí. Hiện nay, Nghị định của Chính phủ quy định mức trần học phí áp dụng cho cơ sở giáo dục ĐH công lập theo các mức: trường chưa tự đảm bảo chi thường xuyên, trường tự đảm bảo chi thường xuyên, trường tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư, trường tự xác định học phí chương trình đạt chuẩn kiểm định chất lượng theo định mức kinh tế – kỹ thuật do trường ban hành. Theo đó, học phí trường tự chủ cao hơn tối thiểu gấp 2 lần so với trường chưa tự chủ trong cùng khối ngành đào tạo. Chẳng hạn cùng loại hình trường công lập và cùng khối ngành sức khỏe nhưng học phí các trường trong năm 2024 dao động từ trên 27 đến trên 80 triệu đồng/năm, tùy ngành. Trong khi khoảng cách học phí giữa các chương trình trong trường công lập có sự chênh lệch lớn thì khoảng cách học phí trường công – tư ngày càng được thu hẹp.

Với xu hướng các cơ sở giáo dục đồng loạt bảo đảm tự chủ chi thường xuyên, học phí ĐH sẽ không còn có mức thấp như hiện nay. Bài toán hỗ trợ tài chính cho sinh viên khó khăn có thể học ĐH cần được tính đến bằng các chính sách học bổng, tín dụng học tập…

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img