Tuesday, January 7, 2025

Nga ngừng trung chuyển khí đốt qua Ukraine: Ba Lan và Slovakia phản ứng trái chiều

Ngày 1/1, Ba Lan ca ngợi quyết định của Ukraine về việc dừng trung chuyển khí đốt của Nga là một chiến thắng lớn, trong khi Slovakia cảnh báo quyết định này của Ukraine sẽ tác động nghiêm trọng đến châu Âu.

Thỏa thuận có thời hạn 5 năm giữa Moscow và Kiev về việc vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine đã hết hạn vào ngày 1/1 sau khi Ukraine từ chối gia hạn thỏa thuận. Phản ứng trước sự kiện này, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Sikorski cho rằng, trong thời gian qua, Nga đã nỗ lực gây sức ép với các nước Đông Âu bằng việc đe dọa cắt nguồn cung cấp khí đốt. Do vậy, việc Ukraine dừng trung chuyển khí đốt của Nga qua lãnh thổ nước này là một chiến thắng mới, tiếp nối sự thành công của việc kết nạp Phần Lan và Thụy Điển vào NATO.

Tuy nhiên, Thủ tướng Fico cảnh báo, quyết định ngừng trung chuyển khí đốt qua Ukraine sẽ tác động nghiêm trọng đến tất cả các nước thành viên EU, xong sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến Nga. Nhà lãnh đạo Slovakia khẳng định, việc chấm dứt thỏa thuận trung chuyển khí đốt sẽ làm tăng chi phí cho EU và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của khối, cũng như làm tăng giá năng lượng ở Slovakia.

Việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho châu Âu thông qua Ukraine từ ngày 1/1/2025 đồng nghĩa với việc đường ống trung chuyển khí đốt quan trọng từ thị trấn Sudzha ở tỉnh Kursk (Nga) qua Ukraine đến Slovakia, CH Séc và Áo ngừng hoạt động ngay vào thời điểm đầu năm 2025.

Trước đó (27/12), Thủ tướng Fico cảnh báo, Slovakia sẽ xem xét các biện pháp đáp trả Ukraine như ngừng cung cấp điện dự phòng nếu Kiev dừng vận chuyển khí đốt từ ngày 1/1. Đáp lại, Tổng thống Zelensky đã cáo buộc nhà lãnh đạo Slovakia mở mặt trận năng lượng thứ hai chống lại nước này. Trong khi đó, Ba Lan cho biết sẵn sàng xuất khẩu thêm điện sang Ukraine nếu Thủ tướng Fico thực hiện lời đe dọa nói trên.

Giới chuyên gia cho rằng, trong ngắn hạn, việc Nga ngừng cung cấp khí đốt qua Ukraine sẽ có tác động không lớn lên thị trường năng lượng châu Âu bởi hầu hết các nước EU đã giảm đáng kể sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga bằng cách tìm kiếm các nguồn thay thế kể từ năm 2022. Tuy nhiên, về lâu dài, việc mất nguồn cung cấp khí đốt giá rẻ từ Nga có thể sẽ khiến châu Âu phải đối mặt với một loạt các thách thức như suy thoái kinh tế, khả năng cạnh tranh toàn cầu suy giảm, lạm phát gia tăng cũng như cuộc khủng hoảng năng lượng và chi phí sinh hoạt tăng cao ở nhiều nước EU.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img