Tuesday, January 7, 2025

Thái Bình: Sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới

Năm 2025, tỉnh Thái Bình hướng tới một mô hình phát triển cân bằng, bền vững và sáng tạo, để sẵn sàng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới.

Năm cũ bứt phá

Năm 2024, công tác điều hành phát triển kinh tế – xã hội được tỉnh Thái Bình chỉ đạo thực hiện quyết liệt, tăng tốc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị để có thể về đích một cách tốt nhất.

Cụ thể, trong năm 2024, các cấp, các ngành luôn đồng hành, sát cánh cùng nhà đầu tư, lắng nghe, trân trọng ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp, các hiệp hội đầu tư trong và ngoài nước, tạo nên sự gắn kết, tin tưởng của các nhà đầu tư; nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành.

Thái Bình: Sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới

Năm 2024, tổng thu hút vốn đầu tư của tỉnh đạt hơn 38.088 tỷ đồng (Ảnh KCN Liên Hà Thái – Thái Bình)

Với mục tiêu kiên quyết khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm trong giải quyết công việc; UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo địa phương hành động quyết liệt, dám nghĩ, dám làm, nói đi đôi với làm, lấy công việc chung, vì sự phát triển của tỉnh. Đặt lợi ích của nhà nước, của nhân dân lên trên hết.

Bên cạnh đó, tập trung rà soát, xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, giải quyết các “điểm nghẽn” để khơi thông nguồn lực, khai thác các dư địa và thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực; chỉ đạo, tháo gỡ các vướng mắc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trọng điểm như: dự án Nhà máy nhiệt điện khí LNG, dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh tại trung tâm y tế, dự án xây dựng Bảo tàng tỉnh, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp VSIP Thái Bình; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án giao thông kết nối quan trọng như: tuyến đường trục kết nối trong Khu kinh tế, đường vành đai phía Nam, đường thành phố Thái Bình đi Sa Cao…

Năm 2024, tổng thu hút vốn đầu tư của tỉnh Thái Bình đạt hơn 38.088 tỷ đồng. Trong đó có 154 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh với tổng vốn đăng ký 26.444 tỷ đồng, tăng 26,2% so với năm 2023; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 1 tỷ USD. Với kết quả đó, đây là năm thứ 2 liên tiếp, Thái Bình đạt thu hút vốn FDI trên 1 tỷ USD.

Trong năm, tỉnh tổ chức thành công nhiều đoàn công tác của tỉnh đi kết nối, xúc tiến đầu tư tại Đức, Thụy Sỹ, Hungary, Hà Lan, Pháp, Bỉ, Nga…; tổ chức các cuộc làm việc với các đoàn công tác, tập đoàn lớn trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, nghiên cứu, khảo sát tại tỉnh như: Thương vụ Việt Nam tại Singapore, Tập đoàn Heraeus, Trung tâm quảng bá Kyushu Nhật Bản, Tập đoàn Zenith Hàn Quốc, Tập đoàn Tokyo Gas, Tập đoàn Trường Thành, Tập đoàn T&T và Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản), Tập đoàn Kamkiu Trung Quốc, Công ty HVR International – Cộng hòa liên bang Đức, đoàn công tác của Hiệp hội Kyushu và Liên đoàn Kyushu (Nhật Bản), Tập đoàn Trinasolar (Singapore)…; từ đó mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa Thái Bình với các nước trên thế giới.

Ông Vũ Kim Cứ – Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) và các khu công nghiệp (KCN) tỉnh Thái Bình cho biết: Để có được kết quả về thu hút đầu tư trong năm 2024, BQL Khu kinh tế và các KCN tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Bình, cung cấp thông tin, giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, các dự án ưu tiên vào tỉnh, trong đó có KKT và các KCN để các nhà đầu tư, doanh nghiệp tìm hiểu, nắm bắt tầm nhìn, không gian phát triển mới của tỉnh.

Phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh và các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh tổ chức các đoàn công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh tại nước ngoài, tổ chức tiếp đón và làm việc với các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến thăm và tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh.

Đặc biệt, Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh tăng cường các hoạt động kết nối với nhà đầu tư sau khi hoàn tất thủ tục và triển khai dự án đầu tư tại tỉnh nhằm trao đổi thông tin hai chiều, đối thoại chính sách giữa cơ quan quản lý nhà nước với nhà đầu tư để nắm bắt tình hình thực hiện dự án, kịp thời tham mưu cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Cung cấp thông tin về nhu cầu, định hướng thu hút đầu tư của tỉnh, từ đó khuyến khích các nhà đầu tư hiện hữu mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh và giới thiệu, kết nối nhà đầu tư khác đến đầu tư tại KKT, các KCN. Ban Quản lý đã thành lập tổ công tác hỗ trợ đầu tư trong Khu kinh tế và các Khu công nghiệp, tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư từ quá trình khảo sát, nghiên cứu và triển khai các thủ tục đầu tư đến hướng dẫn lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Ban Quản lý cũng thành lập ban biên tập cổng thông tin điện tử Ban Quản lý KKT và các KCN tỉnh Thái Bình, cập nhật và minh bạch thông tin chính sách, pháp luật, quảng bá hình ảnh, môi trường, cơ hội đầu tư góp phần thu hút các nhà đầu tư vào Khu kinh tế và các Khu công nghiệp hiệu quả.

Năm mới – sẵn sàng

Tỉnh Thái Bình đang định hình mình như một động lực phát triển quan trọng trong kỷ nguyên mới. Tỉnh đã đưa ra những mục tiêu tham vọng nhưng khả thi, dựa trên nền tảng của sự đổi mới và tinh thần hành động quyết liệt. Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9% trở lên so với năm 2024. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,6% so với năm 2024. Giá trị sản xuất công nghiệp và xây dựng tăng 13,9% (trong đó công nghiệp tăng 15,6% và xây dựng tăng 9%) so với năm 2024.

Thái Bình: Sẵn sàng bước vào kỷ nguyên mới

Năm 2024 giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Thái Bình ước đạt 106.449 tỷ đồng, tăng 9,19% so với năm 2023

Đặc biệt, Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 12.610 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa (không tính tiền thu sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết) đạt 5.656 tỷ đồng.

Thay vì khẩu hiệu, Thái Bình chọn hành động. Sự phối hợp giữa các cấp, ngành và địa phương được đẩy mạnh, đi kèm với quyết tâm tinh gọn bộ máy hành chính để tối ưu hóa hiệu quả. Việc xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất và uy tín phải được đặt làm trọng tâm trong bối cảnh mới.

Song song đó, các chính sách liên quan đến cán bộ, công chức và viên chức sau quá trình sắp xếp cần được xử lý kịp thời, minh bạch. Đặc biệt, việc phân cấp và phân quyền cần được đẩy mạnh để các địa phương chủ động hơn trong triển khai các mục tiêu kinh tế – xã hội. Đây không chỉ là sự chuẩn bị cho năm 2025, mà còn là bước đi chiến lược cho cả thập kỷ.

Bên cạnh đó, tỉnh Thái Bình định hướng tăng cường phát triển hạ tầng, từ giao thông, khu công nghiệp, đến các dịch vụ công như y tế, giáo dục và công nghệ thông tin. Điều này không chỉ là đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn định hình nền móng cho tương lai, đưa Thái Bình trở thành điểm đến hàng đầu về đầu tư và đổi mới.

Theo ông Đỗ Văn Vẻ – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, năm 2024 Thái Bình còn tiếp tục duy trì là năm thứ ba liên tiếp có trên 1.000 doanh nghiệp thành lập mới/ năm. Đến nay, toàn tỉnh có 7.634 doanh nghiệp và 3.143 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký trên 120,4 nghìn tỷ đồng.

Theo ông Vẻ: Năm 2025 được dự báo là năm nền kinh tế sẽ tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức đồng thời là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Nhưng với những kết quả đạt được của năm 2024 và sự quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị chính là cơ sở, tiền đề quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình bước vào giai đoạn bứt phá, tăng tốc, hướng tới những mục tiêu cao hơn trong năm 2025, sẵn sàng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

 
 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img