Tuesday, January 7, 2025

Quy hoạch TP.HCM được Thủ tướng phê duyệt, có gì đáng chú ý?

Sau năm 2030, TP.HCM bắt đầu xây dựng các đô thị theo mô hình thành phố đa trung tâm gồm đô thị trung tâm, TP.Thủ Đức, Củ Chi – Hóc Môn, Bình Chánh, Q.7 – Nhà Bè và Cần Giờ.

Nội dung trên được thể hiện trong quyết định phê duyệt Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành.

Quy hoạch xác định mục tiêu tổng quát là phát triển TP.HCM là đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo; là thành phố có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ – công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số, trung tâm về nhiều mặt của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á.

Về kinh tế, TP.HCM phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 8,5 – 9,0%/năm trong giai đoạn 2021 – 2030. Đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 385 – 405 triệu đồng, tương đương 14.800 – 15.400 USD. 

Dự báo quy mô dân số thực tế thường trú của thành phố đến năm 2030 là khoảng 11 triệu người; đến năm 2050 là khoảng 14,5 triệu người.

Quy hoạch TP.HCM được Thủ tướng phê duyệt, có gì đáng chú ý?

Thủ tướng vừa phê duyệt Quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050

ẢNH: NHẬT THỊNH

4 vùng phát triển công nghiệp

Về phương hướng phát triển công nghiệp – xây dựng, TP.HCM phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như ngành công nghiệp thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới, vật liệu mới, công nghiệp năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

Đồng thời, phát triển các ngành công nghiệp tiềm năng như công nghiệp sinh hóa; công nghiệp dược phẩm; công nghiệp sản xuất vật liệu bán dẫn; công nghiệp hỗ trợ cho công nghệ cao.

Song song đó, tái cấu trúc và nâng cao giá trị gia tăng các ngành công nghiệp hiện hữu như giày da, quần áo, dệt may; nội thất, gỗ; các ngành khác.

Quy hoạch TP.HCM được Thủ tướng phê duyệt, có gì đáng chú ý?

H.Bình Chánh được xác định là vùng công nghiệp tập trung, phát triển các ngành công nghiệp chủ lực

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Trong quy hoạch, Chính phủ cũng định hướng sắp xếp và phân bố không gian cụ thể. Theo đó các vùng công nghiệp gắn với các hành lang kinh tế và các vành đai công nghiệp – đô thị – dịch vụ.

Cụ thể, vùng số 1 (H.Bình Chánh) là vùng công nghiệp tập trung, phát triển các ngành công nghiệp chủ lực.

Vùng số 2 (Củ Chi và Hóc Môn) là vùng công nghiệp hỗ trợ gắn với liên kết vùng. 

Vùng số 3 (TP.Thủ Đức) là vùng đổi mới sáng tạo, công nghệ cao, phát triển các ngành công nghiệp tiềm năng. 

Vùng số 4 (Nhà Bè, cần Giờ) là vùng công nghiệp sạch gắn với kinh tế biển, bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên.

Về phương hướng phát triển ngành thương mại và dịch vụ, quy hoạch xác định mục tiêu xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại.

Tiếp tục phát triển đô thị theo hướng ‘làng trong phố, phố trong làng’

Về phương án quy hoạch hệ thống đô thị, quy hoạch xác định đến năm 2030, tập trung sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã dựa trên các tiêu chí về diện tích và dân số. Phát triển đô thị và nông thôn theo định hướng “làng trong phố, phố trong làng”, kết hợp giữa bảo tồn các giá trị vốn có và phát triển bền vững.

TP.HCM tiếp tục là đô thị đặc biệt bao gồm 1 khu vực đô thị trung tâm và 6 đô thị trực thuộc gồm: TP.Thủ Đức và 5 đô thị vệ tinh cơ bản đạt tiêu chuẩn để nâng cấp lên thành phố (gồm Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè, Cần Giờ). Quy hoạch cũng xác định triển khai quy hoạch, xây dựng không gian ngầm trên địa bàn trong quá trình quy hoạch đô thị.

Quy hoạch TP.HCM được Thủ tướng phê duyệt, có gì đáng chú ý?

TP.HCM phát triển đô thị theo hướng ‘làng trong phố, phố trong làng’

ẢNH: NHẬT THỊNH

Sau năm 2030, bắt đầu xây dựng các đô thị theo mô hình thành phố đa trung tâm gồm: khu vực đô thị trung tâm, đô thị Thủ Đức, đô thị Củ Chi – Hóc Môn, đô thị Bình Chánh, đô thị Q.7 – Nhà Bè và đô thị Cần Giờ (đô thị sinh thái biển).

Đối với phương án quy hoạch hệ thống nông thôn, TP.HCM tổ chức không gian lãnh thổ khu vực nông thôn gắn với phát triển nông nghiệp đô thị, đô thị sinh thái, bảo tồn khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

Đồng thời, sắp xếp lại hệ thống các khu vực dân cư nông thôn theo định hướng giảm số lượng các xã; nâng cao chất lượng sống của người dân khu vực nông thôn; giảm mức độ chênh lệch về trình độ phát triển so với các khu vực đô thị.

Nghiên cứu thành lập khu thương mại tự do

Quy hoạch TP.HCM cũng xác định phương án phát triển các khu chức năng và các khu vực có vai trò động lục.

Cụ thể, nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép thành lập khu thương mại tự do (quy mô khoảng 1.000 – 2.000 ha tại Cần Giờ) gắn với cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ và vịnh Gành Rái khi có đủ điều kiện theo quy định.

Song song đó, hình thành hệ thống khu công nghiệp, khu chế xuất có tổng diện tích khoảng 8.369 ha. Trong đó, 3 khu chế xuất (Linh Trung 1, Linh Trung 2, Tân Thuận) với tổng diện tích khoảng 424 ha và 33 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 7.945 ha.

Quy hoạch TP.HCM được Thủ tướng phê duyệt, có gì đáng chú ý?

TP.HCM nghiên cứu thành lập khu thương mại tự do ở H.Cần Giờ

ẢNH: SỸ ĐÔNG

Mặt khác, TP.HCM hình thành, ưu tiên phát triển một số khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung (công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip, vi mạch, thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, phần mềm, thiết bị rô bốt).

Đồng thời, phát triển các khu công nghệ cao với tổng diện tích khoảng 1.288 ha gồm Khu công nghệ cao TP.HCM hiện hữu khoảng 913 ha; khu công viên khoa học và công nghệ khoảng 195 ha tại Thủ Đức; khu công nghệ cao Phú Mỹ Hưng khoảng 180 ha tại Củ Chi.

Quy hoạch cũng xác định Trung tâm tài chính quốc tế bố trí tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (diện tích khoảng 100 – 200 ha) và phần trung tâm Q.1 ven sông Sài Gòn.

Vùng sản xuất nông nghiệp tập trung gồm vùng Tây – Bắc (Củ Chi, Hóc Môn với diện tích khoảng 20.000 ha), vùng Tây – Nam (Bình Chánh với diện tích khoảng 10.000 ha); và vùng Nam (Cần Giờ, Nhà Bè với diện tích khoảng 42.500 ha).

Khu vực cần được bảo vệ, tu bổ, phục hồi và khai thác hợp lý gồm khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ (với diện tích khoảng 70.445 ha), trong đó vùng lõi với diện tích khoảng 7.000 ha.

5 khu vực có vai trò động lực

Quy hoạch TP.HCM cũng xác định 5 khu vực có vai trò động lực bao gồm: khu vực đô thị trung tâm (các quận) là khu vực ưu tiên phát triển dịch vụ thương mại, dịch vụ tài chính, du lịch. 

Khu vực TP.Thủ Đức là khu vực ưu tiên phát triển dịch vụ số, đổi mới sáng tạo, dịch vụ tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao.

Khu vực phía nam (Q.7 và H.Nhà Bè) là khu vực ưu tiên phát triển dịch vụ số, đổi mới sáng tạo, vận tải, logistics, công nghiệp công nghệ cao, đô thị sinh thái.

Khu vực H.Cần Giờ tập trung phát triển kinh tế biển, đặc biệt là cảng trung chuyển và khu thương mại tự do; vận tải logistics, du lịch, đô thị sinh thái biển và năng lượng tái tạo.

Khu vực các huyện Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi là khu vực ưu tiên phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; dịch vụ, logistics; đô thị sinh thái kiêm kinh tế.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img