Tuesday, January 7, 2025

Nghề nhặt tử thi ở TP.HCM: ‘Xin cho lấy nhẹ nhàng để đưa anh chị đi’

Ba người đàn ông thuộc Tổ nhặt tử thi, nhanh chóng xỏ găng tay, kéo chiếc băng ca inox sáng loáng khỏi xe, rồi lao xuống kênh, thao tác nhịp nhàng từng bước như đã được tính toán kỹ.

Trong quá trình nhặt tử thi, các anh cẩn thận lật xác lên và sử dụng mảnh ni lông màu tím, hình chữ nhật để trùm lên thi thể. Những thao tác này được thực hiện với sự chuyên nghiệp và tôn trọng, đảm bảo mọi chi tiết đều được xử lý cẩn thận. 

Đây là một phần quan trọng trong công việc của họ, đòi hỏi sự nhạy bén và kỹ năng. Công việc nhặt tử thi không chỉ đòi hỏi sức mạnh thể chất mà còn cả tinh thần vững vàng.

Tiếng chuông điện thoại vang lên từ Tổ nhặt tử thi, thuộc Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.HCM (CITENCO), anh Lê Thành Huy nhanh chân lao tới, thao tác rất nhanh gọn rồi đưa tay ra hiệu cho đồng nghiệp chuẩn bị “đồ nghề” để lên đường.

“Công an Q.Bình Tân thông báo, công nhân tại công trình thi công bờ kè kênh Tham Lương phát hiện một xác nam dưới kênh nước”, anh Huy nói và cho biết “rất ngậm ngùi” mỗi lần nghe tin báo từ cơ quan chức năng.

Nghề nhặt tử thi ở TP.HCM: 'Xin cho lấy nhẹ nhàng để đưa anh chị đi'

Chiếc xe chuyên dụng dùng để chở tử thi từ hiện trường về nhà bảo quản ở Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, TP.HCM

ẢNH: DƯƠNG TRANG

Chiếc xe chuyên dụng màu trắng, sơn dấu thập đỏ, tiếng còi hú vang lên, lao nhanh về hướng Q.Bình Tân. Băng qua những hang cùng ngõ hẻm, khi thấy người dân 2 bên đường tập trung đông đúc, anh Huy biết mình đã đến đúng địa chỉ.

Theo thông tin ban đầu, hơn 9 giờ, ngày 16.11.2024, các công nhân đang làm việc tại dự án bờ kè kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên (đoạn qua khu công nghiệp Tân Tạo, P.Tân Tạo A, Q.Bình Tân, TP.HCM) thì phát hiện một thi thể người trôi trên mặt nước tại công trình.

Người tử vong được xác định là nam giới, ngoài 20 tuổi. Nạn nhân tử vong trong tư thế khỏa thân, nằm úp mặt xuống lớp bùn đặc quánh, đang trong giai đoạn phân hủy và không có giấy tờ tùy thân.

Ba người đàn ông thuộc Tổ nhặt tử thi, nhanh chóng xỏ găng tay, kéo chiếc băng ca inox sáng loáng khỏi xe rồi lao xuống kênh, thao tác nhịp nhàng từng bước như đã được tính toán kỹ từ trước. Các anh cẩn thận lật xác lên, dùng một mảnh ni lông màu tím, hình chữ nhật, kích thước vừa đủ để trùm lên thi thể. Dưới lớp ni lông mỏng tang, xác người đàn ông nhỏ thó, dính đầy bùn đen, chân tay cứng đờ, co quắp.

Nghề nhặt tử thi ở TP.HCM: 'Xin cho lấy nhẹ nhàng để đưa anh chị đi'

Dưới lớp ni lông mỏng tang, xác người đàn ông nhỏ thó, dính đầy bùn đen, chân tay cứng đờ, co quắp

ẢNH: DƯƠNG TRANG

Anh Đỗ Thanh Bình (Tổ trưởng Tổ nhặt tử thi) giải thích, sở dĩ chúng tôi không đựng thi thể vào túi có khóa kéo vì khi chở về nhà xác còn phải chờ cơ quan chức năng khám nghiệm tử thi, điều tra nguyên nhân cái chết. Nói xong, anh vội vàng đóng cửa xe chuyên dụng, tháo găng tay, anh lau vội những giọt mồ hôi lấm tấm vương trên trán.

Ít phút sau, khi cơ quan chức năng hoàn thành kiểm tra sơ bộ, chiếc xe chở thi thể lao vút về khu vực Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, nơi các xác chết được lưu giữ để chờ cơ quan pháp y khám nghiệm.

“Công việc hôm nay như thế là khá nhẹ nhàng, trước đây, trong một lần nhặt xác chết trôi ở chân cầu Bình Triệu, Q.Bình Thạnh, tôi bị ám ảnh mãi. Khi tôi và một đồng nghiệp khác nắm tay xác chết để kéo lên bờ thì lớp da tuột theo do đã bị phân hủy”, người công nhân nói và cho biết do xác nằm dưới sông đã lâu, trương sình, loay hoay một hồi mới đặt được xác chết lên băng ca, mùi tử khí xộc thẳng vào mũi khiến những người đứng gần đó ai nấy đều xanh mặt.

Một trường hợp khác mang lại nhiều xót xa cho anh Bình. Anh kể đó là lần lấy xác chết cháy ở Q.12. “Nhóm đó có mấy cô, nhưng lúc lửa bùng lên, cô này tiếc điện thoại nên quay lại hiện trường để lấy. Lúc lửa bén mạnh, lan nhanh thì cô chạy vào nhà tắm, rồi chết ngạt”, anh Bình xúc động và cho biết khi tổ của anh đến, chứng kiến gia đình khóc lóc vật vã; bước vào trong, thấy xác nằm trong góc nhà tắm, rất thương tâm.

Nghề chọn người

Khi được hỏi cơ duyên nào chọn nghề này, anh Đỗ Thanh Bình nói “đó là duyên, tôi không chọn nghề mà nghề chọn tôi”. Hướng ánh mắt ra xa, anh Bình cho biết, trước khi làm việc tại Tổ nhặt tử thi thì công việc của anh là đi theo xe tải, lấy rác thải y tế.

“Thời điểm đó, Tổ nhặt tử thi có một số người lớn tuổi, cũng có người về hưu, có người mất, họ hỏi tôi có muốn lên đây (Tổ nhặt tử thi – PV) làm không, nếu không sợ thì lên xem thử, được thì làm. Nghe anh em nói thế, tôi liền về bàn với bà xã, vợ tôi bảo anh thấy sức khỏe đảm bảo thì cứ quyết định. Thế là tôi làm luôn”, anh Bình chia sẻ cơ duyên đến với nghề.

Anh Bình kể, xác đầu tiên anh tham gia lấy là một xác chết trôi ở Q.8. “Hồi đầu còn có chút căng thẳng, bỡ ngỡ, không biết thao tác như thế nào nên tôi được phân công đi cùng với một lái xe và một công nhân. Họ hướng dẫn mình ăn bận ra làm sao, đeo găng tay, khẩu trang như thế nào cho đúng quy cách, các quy trình, thủ tục lấy xác…”, anh Bình nói và cho hay khi làm quen rồi thì từ từ đúc rút kinh nghiệm, tự mình vô làm, nhìn hiện trường, tư thế người chết để biết trình tự thực hiện.

Đưa tay lật từng trang sổ ghi chép lại công việc thường ngày, anh Bình tâm sự, mọi người cứ nghĩ làm công việc này sẽ chai lỳ hết cảm xúc, nhưng không, “tôi xem phim Hàn Quốc vẫn khóc như thường”. 

Nói xong, anh Bình cười hiền và cho biết quan niệm của anh, công việc là công việc, con người là con người, không ảnh hưởng gì.

Nghề nhặt tử thi ở TP.HCM: 'Xin cho lấy nhẹ nhàng để đưa anh chị đi'

Anh Bình (giữa) đang trao đổi với các đồng nghiệp

ẢNH: DƯƠNG TRANG

Theo anh Đỗ Thanh Bình, nghề nào cũng là nghề, mỗi nghề đều có những vất vả và khó khăn riêng. Nhớ lại những ngày đầu khi mới bước chân vào nghề nhặt tử thi, gia đình anh ai cũng e ngại; hàng xóm, bạn bè xì xào, nói ra nói vào những lời không hay. Nhưng thời gian cùng với  những việc anh làm cũng giúp họ hiểu đây là một công việc mang nhiều ý nghĩa.

“Những lần nhận được tin báo, khi đến hiện trường, chúng tôi đều cố gắng tranh thủ thật nhanh để làm nhiệm vụ. Tôi cũng giữ một chút tâm linh, như khi nhìn thấy xác, tôi đều khấn một tiếng cho người đã mất: “Xin anh/chị cho chúng em lấy nhẹ nhàng để đưa anh/chị đi”… Anh Bình nói, đây cũng là cách các anh tôn trọng người đã mất và xoa dịu bớt phần nào nỗi đau của những người ở lại… 

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img