Wednesday, January 8, 2025

Đến đường hoa Nguyễn Huệ để thấy xuân đã về

Sau một năm ngược xuôi giữa bộn bề cuộc sống, người dân TP.HCM mong chờ ngày thảnh thơi dạo bước giữa đường hoa Nguyễn Huệ độc đáo và tràn ngập sắc xuân.

Sự trở lại ấn tượng của linh vật “khó nhằn”

Theo thông tin từ Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group) – đơn vị chủ trì tổ chức thực hiện, từ 7 giờ ngày 9.1, đường Nguyễn Huệ sẽ chính thức lập rào chắn để tiến hành thi công trang trí đường hoa. Dự kiến sau 18 ngày, đường hoa Nguyễn Huệ sẽ chính thức hoàn thiện, mở cửa phục vụ người dân TP và du khách vui xuân đón tết. Ngay khi những hình ảnh phối cảnh đầu tiên của đường hoa Nguyễn Huệ 2025 được tiết lộ, người dân đã rất hào hứng chờ đón thiết kế linh vật rắn năm nay. Đây là lần thứ hai linh vật rắn được tái hiện tại đường hoa ngày tết.

Đến đường hoa Nguyễn Huệ để thấy xuân đã về

Cặp đôi Kim Tỵ (con đực, phải) và Ngân Tỵ (con cái) tại khu vực cổng chào được thiết kế ngoại hình ấn tượng về kích thước cũng như cách chế tác

NGUỒN: Ảnh phối cảnh của SGR

Còn nhớ năm 2013, năm Quý Tỵ đánh dấu chặng đường 10 năm của đường hoa Nguyễn Huệ. Năm đó, đường hoa lấy chủ đề “Trái tim Việt Nam”, xuất phát từ ý tưởng lòng dân thế nước. Hình ảnh 2 con rắn được cách điệu mắt cười, biểu hiện cho tính cách hiền hòa, đôn hậu của người miền Nam, đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng người dân và du khách. Đây cũng là điểm rất đặc biệt của đường hoa Nguyễn Huệ, dù là linh vật nào, được thể hiện rõ sự oai nghiêm, dũng mãnh hay tính cách đặc trưng ra sao, thì vẫn luôn được pha trộn sự mềm mại, hồn hậu, mang tâm hồn của một TP nghĩa tình.

Tết Ất Tỵ năm nay cũng vậy. Cặp đôi Kim Tỵ, Ngân Tỵ tại vị trí cổng chào đường hoa Nguyễn Huệ 2025 là sự trở lại ấn tượng về ngoại hình, kích thước và cách chế tác so với cặp đôi Quý Tỵ 2013. Cặp Ngân Tỵ (con cái) dài 25 m và Kim Tỵ (con đực) dài 42 m toàn thân uốn lượn 3 vòng đan xen vào nhau, tạo thành đế rộng hơn 11 m, với độ cao tính từ phần thân tiếp giáp với nền hoa đến đỉnh đầu cao trên 6 m. Kim Tỵ và Ngân Tỵ có 70% vật liệu chế tác thân thiện môi trường. Đầu và bụng rắn ốp tấm cót ép sơn màu, toàn bộ phần lưng phía trên được phủ lớp vảy mica gương có tính phản quang, tạo sự óng ánh của “kim” và “ngân”. Tổng số vảy trên thân của Ngân Tỵ khoảng 2.700 miếng và Kim Tỵ là gần 3.600 miếng, được gắn hoàn toàn bằng thủ công kết hợp đèn led chạy dọc hai bên bụng. Mắt rắn cũng là điểm nổi bật so với Quý Tỵ 2013, với đường kính 10 cm, sơn màu theo thiết kế, đôi mắt của Ất Tỵ 2025 mang lại cái hồn cho linh vật.

Đến đường hoa Nguyễn Huệ để thấy xuân đã về

Nàng Tỵ được mô phỏng theo hình dáng của rắn hổ mang chúa trong tư thế ngẩng cao đầu, toàn thân phủ màu xanh, là màu của sự sống và sự tăng trưởng

NGUỒN: Ảnh phối cảnh của SGR

Bên cạnh đó, những bụi tre sau cặp Ngân Tỵ – Kim Tỵ cũng là tác phẩm chế tác thân thiện môi trường, với thân cây tre cao từ 2,5 – 12 m do mành và mây tre phủ bên ngoài thép hộp uốn tròn, sơn phủ luân phiên hai màu xanh non và vàng ngà, tạo sự chuyển đổi màu sắc nhẹ nhàng, tinh tế. Tạo hình rỗng với vô số lỗ dọc thân là điểm dẫn sáng nhẹ nhàng cho cặp Kim – Ngân khi đường hoa lên đèn.

Ngoài khu vực cổng chào, trên đường hoa còn tạo vật lớn khác là nàng Tỵ được mô phỏng theo hình dáng của rắn hổ mang chúa trong tư thế ngẩng cao đầu, toàn thân phủ màu xanh, là màu của sự sống và tăng trưởng. Khác với Kim Tỵ và Ngân Tỵ tỏa sáng lung linh kể cả dưới ánh nắng mặt trời hay đêm về rực rỡ, nàng Tỵ mang nét duyên ngầm của người con gái miền Nam trong trang phục đặc trưng, với “phụ kiện” khăn rằn và nón lá. Nàng Tỵ đạt kích thước ấn tượng với chiều dài hơn 50 m, cao hơn 10 m.

Theo đại diện ban tổ chức, nàng Tỵ được chế tác hầu hết từ nguyên liệu có trọng lượng ở mức nhẹ và trung bình. Với chiều cao hơn 1 m, cấu trúc nàng Tỵ phân thành hai phần chính là đầu và thân. Ngoài thép sử dụng kết cấu chịu tải, phần đầu có tỷ trọng nguyên vật liệu lần lượt là 25% mút xốp, 55% lưới thép nhuyễn còn tỷ lệ mút xốp ở phần thân là 40%. Hai phần ba chiều dài nàng Tỵ nằm trên mặt đất, lấy vòng xoắn thân làm đế đỡ, một phần ba thân dài hơn 5 m trong tư thế thẳng đứng, phần mang rắn dài hơn 3 m được tạo bởi khung thép phủ lưới nhuyễn có kết cấu nhẹ và không cản gió.

“Trong số 12 con giáp, rắn là loài bò sát có máu lạnh và là một loài “đa tính cách” tồn tại đan xen. Nhắc đến rắn, ta thường cảm thấy có chút không an toàn, nhưng ở khía cạnh khác, rắn lại mang đặc tính linh hoạt, giỏi ứng biến hoặc như ngành y sử dụng biểu tượng hình ảnh con rắn quấn mình quanh một cây gậy và đằng sau biểu tượng này là một truyền thuyết đặc biệt. Vượt qua những thử thách này, đơn vị thiết kế đã chăm chút, sáng tạo nên hình tượng linh vật của năm Ất Tỵ thành một tác phẩm nghệ thuật, nhẹ nhàng, uyển chuyển rất được chờ đợi trước dịp Tết Nguyên đán”, đại diện Saigontourist Group thông tin thêm.

Khúc ca hào hùng, vững bước tiến lên kỷ nguyên mới

Đường hoa Nguyễn Huệ đã bước sang tuổi 22, không chỉ là biểu tượng của mùa xuân mà còn là lời chào mừng, mời gọi bạn bè quốc tế đến để trải nghiệm một TP năng động, để nghe những câu chuyện về một miền đất anh dũng, nghĩa tình.

Đến đường hoa Nguyễn Huệ để thấy xuân đã về

Đại cảnh cổng mở đường hoa Nguyễn Huệ tết năm nay tạo nên “Vũ điệu thống nhất”

NGUỒN: Ảnh phối cảnh của SGR

Với chủ đề “Non sông gấm hoa, vui xuân thái hòa”, đường hoa năm nay được phân thành 3 phân đoạn “Kết đoàn”, “Chuyển mình” và “Phát triển”, thể hiện những chặng đường lịch sử của dân tộc VN. Vượt qua mọi gian nan, hy sinh, mất mát, mỗi người dân VN, mỗi người con từ TP mang tên Bác vẫn hát vang khúc hát kết đoàn giành độc lập – thống nhất đất nước – chuyển mình phát triển bền vững. Qua chặng đường 50 năm, hôm nay TP cùng cả nước đang vững tin tiến bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc VN.

Đặc biệt, tiểu cảnh chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2025 của đất nước trên đường hoa Nguyễn Huệ “Mừng tết năm mươi – Mừng xuân thống nhất” rực rỡ với sắc hoa, màu xanh quê hương được điểm xuyết nhẹ nhàng hình ảnh đoàn tàu metro đánh dấu năm đầu tiên tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đi vào vận hành. Cột mốc này cũng đánh dấu thêm một bước tiến của TP.HCM trong quá trình tiến vào kỷ nguyên mới.

Nhà 3 đời gốc Sài Gòn, năm nào chị Nguyễn Hải Anh cùng gia đình cũng từ Củ Chi “lên Sài Gòn” để đi chơi đường hoa. Bà ngoại của chị trước đây từng bỏ mối cho những người mua bán hoa tết cây cảnh từ thời con đường này còn được gọi là “Chợ tết Nguyễn Huệ”. Được đi chơi chợ hoa Nguyễn Huệ, được cha mẹ mua cho một que kem hay một cái kẹo bông bằng đường, rồi tung tăng trong không khí vui tươi, phơi phới sắc xuân đã trở thành những kỷ niệm thơ ấu rất khó quên trong ký ức nhiều người, bao gồm chị Hải Anh.

“Hồi nhỏ mê đường hoa chỉ vì thấy đẹp, thấy đông, thấy vui, chỗ nào cũng ngập tràn hoa đầy màu sắc. Lớn lên mới hiểu, mỗi năm thiết kế đường hoa lại truyền tải một thông điệp, một ý nghĩa khác nhau. Nhờ những ý tưởng như vậy mà mỗi người con của TP như chúng tôi đến đường hoa không chỉ để du xuân, thưởng ngoạn, mà còn thêm yêu và tự hào về quê hương mình. Mong rằng những ước vọng trong năm tới sẽ thành hiện thực, để TP ngày càng phát triển rực rỡ như đường hoa Nguyễn Huệ”, chị Hải Anh chia sẻ.

Năm 2025 là năm tập trung nhiều ngày lễ, sự kiện quan trọng của dân tộc như kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng, 80 năm Ngày thành lập nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa VN, 50 năm Ngày thống nhất đất nước. Nhằm chuyển tải thông điệp mừng năm mới, mở đầu cho những sự kiện trọng đại của năm 2025, khu vực tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ được thiết kế trang trọng, ý nghĩa, uy nghiêm và ấm áp. Đại cảnh cổng mở đường hoa Nguyễn Huệ tết năm nay tạo nên “Vũ điệu thống nhất” như vang dội khúc ca khải hoàn, hoành tráng, hào hùng, vững bước tiến lên kỷ nguyên mới vì quê hương VN, “Non sông gấm hoa, vui xuân thái hòa”.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img