Friday, January 10, 2025

Đại lý ô tô lao vào “cuộc chiến” giảm giá

Trong 2 năm 2023 và 2024, nhiều đại lý bán ô tô bị giảm doanh số, giảm lợi nhuận, thua lỗ, không ít đại lý phải đóng cửa, dừng kinh doanh hoặc chuyển nhượng.

Giám đốc một đại lý bán ô tô tại Cầu Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ, 2 năm vừa qua lĩnh vực kinh doanh bán lẻ ô tô gặp nhiều khó khăn. Trong khi người tiêu dùng có nhiều lựa chọn, thì các đại lý ô tô lại chật vật bán hàng.

Đại lý ô tô lao vào “cuộc chiến” giảm giá

Dẫn số liệu của Bộ Công thương, ông giám đốc này cho biết, năm 2022 tổng doanh số bán ô tô toàn thị trường đạt 520.000 xe các loại nhưng năm 2023 giảm xuống còn 420.000 xe và năm 2024 dự kiến đạt hơn 500.000 xe. Như vậy, so với năm 2022 thì thị trường ô tô 2023 và 2024 tăng trưởng giật lùi.

Trong khi đó, có nhiều hãng xe mới đã gia nhập thị trường Việt Nam, nhất là các hãng xe đến từ Trung Quốc. Những hãng xe lớn của Trung Quốc vào Việt Nam đều “ôm tham vọng” lọt top 10 thương hiệu có doanh số bán cao nhất thị trường. Để hiện thực hóa tham vọng này, các hãng xe Trung Quốc đã ồ ạt mở đại lý phân phối trên khắp cả nước. Một số hãng xe ra mắt thị trường chưa được nửa năm nhưng đã mở tới 30 đại lý trên cả nước và lên kế hoạch mở khoảng 100 đại lý trong vài năm tới. Trước tình hình này, các hãng xe khác của Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… đang có mặt tại Việt Nam không thể ngồi yên, cũng phải đẩy mạnh mở rộng mạng lưới bán hàng.

Trước đây, khi quyết định bổ nhiệm một đại lý ở một địa phương, các hãng sẽ phải tính toán rất kỹ về dung lượng thị trường tại địa phương đó, cơ hội mục tiêu thị phần có thể đạt được để ra được điểm hoà vốn khi đại lý hoạt động. Thường là tính phương án đại lý mới sẽ lỗ kế hoạch từ 1 đến 2 năm sau khi hoạt động và chậm nhất chỉ từ năm thứ 2 hoặc năm thứ 3, đại lý sẽ đạt đến điểm kinh doanh hoà vốn và có lãi từ năm tiếp theo. Nhưng đến nay, các hãng ô tô đang đua nhau mở rộng mạng lưới đại lý, bỏ qua các phân tích tính toán về hiệu quả đầu tư. Điều này dẫn đến năng lực bán hàng vượt xa thực tế.

Đại lý ô tô lao vào “cuộc chiến” giảm giá

Tuỳ vào thương hiệu, hoa hồng các hãng trả cho đại lý từ 4- 9%. Thương hiệu nào bán tốt, có doanh số cao thì hoa hồng thấp, ngược lại bán không tốt, doanh số thấp thì hoa hồng cao. Tuy nhiên, vừa qua nhiều đại lý do tăng chiết khấu cho khách hàng nên hoa hồng chẳng còn, không ít đại lý thua lỗ.

Đầu tư một đại lý ô tô tùy từng thương hiệu và quy mô khoảng từ 20 -100 tỷ đồng. Ngoài bán xe còn làm dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế phụ tùng. Để hoạt động bền vững, thì thu từ dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa, thay thế phụ tùng phải đảm bảo trang trải đủ hoạt động của đại lý. Còn lợi nhuận từ bán xe được bao nhiêu bỏ túi bấy nhiêu. Nhưng nay đã khác. Do số lượng đại lý tăng, trong khi nhiều đại lý mới mở đã tung ra ưu đãi, để thu hút khách hàng mang xe tới làm dịch vụ, nên không chỉ chia sẻ về doanh số mà cả về dịch vụ sau bán hàng.

Chủ đại lý một hãng xe điện lớn của Trung Quốc tại Hà Nội cho biết, từ khi khai trương đến nay đã gần 5 tháng, mỗi tháng chỉ bán được từ 1-3 xe, tồn kho nhiều. Trong khi đó, vốn đầu tư lên tới hàng chục tỷ đồng, hàng tháng chi phí hoạt động cũng hàng tỷ đồng. Theo tính toán, với chi phí trên mỗi đại lý phải bán từ 50 xe/tháng trở lên mới đủ bù đắp. Tình hình này kéo dài thì nguy cơ phá sản là khó tránh khỏi, chứ không đơn giản chỉ là lỗ kế hoạch. Một số đại lý đã phải viết tâm thư gửi chính hãng cầu cứu.

Dự báo năm 2025, “cuộc chiến” giảm giá tiếp tục diễn ra trên thị trường ô tô. Các đại lý bán lẻ ô tô sẽ còn phải “căng mình” để thích nghi, tránh bị đào thải.

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img