Wednesday, January 15, 2025

CMND hết hiệu lực nhưng lại bị xóa thường trú, làm CCCD cách nào?

CMND đã hết hiệu lực, người dân muốn đổi sang CCCD phải có đăng ký thường trú, nhưng nếu đã bị xóa đăng ký thường trú thì phải đăng ký lại tại công an cấp huyện.

Tôi quê ở miền Trung nhưng xa quê hơn 10 năm nay. Hiện tôi đã lấy vợ và đang sống ở TP.HCM. Giai đoạn đổi từ CMND sang CCCD thì tôi chưa đổi. 

Do CMND đã hết hiệu lực sử dụng, giờ tôi về quê làm CCCD thì được công an thông báo rằng đã bị xóa đăng ký thường trú, không in được mã định danh. Muốn có mã số định danh phải nhập lại thường trú.

Vậy trường hợp của tôi phải làm gì để có được CCCD? Tôi có thể đăng ký thường trú tại TP.HCM được không, điều kiện đăng ký là gì? Nhờ báo Thanh Niên tư vấn giúp tôi.

Bạn đọc Hải Châu.

Luật sư tư vấn

Luật sư – TS Nguyễn Thị Kim Vinh (Công ty luật TNJ, nguyên thẩm phán TAND tối cao), tư vấn, theo khoản 1 điều 24 luật Cư trú, các trường hợp bị xóa đăng ký thường trú trong đó nguyên nhân do: “Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác, hoặc không khai báo tạm vắng, trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư…”.

CMND hết hiệu lực nhưng lại bị xóa thường trú, làm CCCD cách nào?

Luật sư – TS Nguyễn Thị Kim Vinh (Công ty luật TNJ, nguyên thẩm phán TAND tối cao) tư vấn

ẢNH: NHÂN VẬT CUNG CẤP

Hiện bạn đã bị xóa đăng ký thường trú, thì căn cứ theo điều 20 luật Cư trú, điều kiện đăng ký thường trú như sau:

  • Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó (khoản 1 điều 20 luật Cư trú)
  • Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu đồng ý trong trường hợp: vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con… (khoản 1 điều 20 luật Cư trú).

Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 điều 20, bạn được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó
  • Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do HĐND cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 8 m2 sàn/người.

Theo đó, trường hợp bạn có chỗ ở thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó. Nếu bạn không đáp ứng được điều kiện này thì có thể đăng ký thường trú tại chỗ ở đó khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý, hoặc bạn có thể đăng ký tại chỗ ở thuê, mượn, ở nhờ khi đáp ứng các điều kiện theo luật định.

Tại khoản 3 điều 4 Thông tư 17 năm 2024 của Bộ Công an, quy định: “Trường hợp người đề nghị cấp thẻ căn cước không có nơi thường trú, nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú thì thông tin nơi cư trú thể hiện trên thẻ căn cước là thông tin nơi ở hiện tại của người được cấp thẻ”.

Theo quy định trên thì thông tin nơi cư trú được thể hiện trên thẻ CCCD chính là thông tin nơi thường trú của người được cấp thẻ. Nơi thường trú là nơi công dân sinh sống ổn định, lâu dài và đã được đăng ký thường trú.

Vì vậy, để được cấp số định danh làm CCCD gắn chip thì bạn phải đăng ký lại nơi thường trú. Sau đó mới làm CCCD tại công an cấp huyện thuộc nơi cư trú hiện nay của bạn.

 

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img