Đó là mục tiêu của Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam (VCCA) nhằm tiếp tục hành trình nâng tầm ẩm thực Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Để mở rộng và phát triển mạng lưới, Hiệp hội đã thành lập thêm 1 Chi hội Siêu Đầu Bếp Việt Nam. Ngay sau khi thành lập vào tháng 8, Chi hội Siêu Đầu bếp Việt Nam đã có những hoạt động liên tục trong việc giới thiệu, trình diễn các món ăn Việt – Âu với sự gia giảm gia vị Việt tới các doanh nghiệp thực phẩm như: Masan, Lee Kum Kee, ABC… Đồng thời, tổ chức thành công các hoạt động xã hội, các chương trình từ thiện, hỗ trợ cộng đồng; phát động các chiến dịch ý nghĩa như “Cho đi là còn mãi”, chương trình từ thiện tại Long An; hỗ trợ quỹ bảo trợ trẻ em khuyết tật tại TP.HCM…
Bên cạnh kiện toàn nhân sự nội bộ và hoạt động của các văn phòng, ban, chi hội trực thuộc, các thành viên của VCCA trong năm qua đã tổ chức thành công sự kiện nổi bật. Đơn cử: Chi hội Nhà hàng Việt Nam đã tổ chức thành công sự kiện ARAA trong khuôn khổ sự kiện The Restaurant Leadership 2024; khởi động dự án “Việt Nam, hành trình trở thành “Kinh đô Ẩm thực” mới của thế giới”. Sự kiện đã thu hút sự tham gia của các chuyên gia hàng đầu, lãnh đạo, nhà quản lý và đại diện các tổ chức quốc tế trong ngành F&B, đồng thời là cơ hội để giới thiệu, kết nối và phát triển nền tảng ẩm thực Việt Nam trên trường quốc tế…
Phát huy thế mạnh của VCCA trong việc tập hợp và sử dụng đội ngũ đầu bếp – nghệ nhân ẩm thực trên toàn quốc, VCCA đã phối hợp cùng các sở, ban, ngành của các địa phương để tư vấn, đồng tổ chức, bảo trợ chuyên môn và hỗ trợ truyền thông các sự kiện văn hóa ẩm thực và du lịch khắp mọi miền Tổ quốc như: Liên hoan Văn hóa Ẩm thực xứ Thanh năm 2024; Lễ hội Văn hóa Ẩm thực Bình Định năm 2024; Festival Phở Nam Định 2024; Tuần lễ Ẩm thực truyền thống Huế 2024; Ngày hội ẩm thực “Mặn mà Đà Nẵng”…
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch VCCA nhìn nhận năm 2024 đánh dấu một giai đoạn đặc biệt trong bối cảnh kinh tế, văn hóa và xã hội của Việt Nam, tạo ra những tác động sâu sắc đến hoạt động của hiệp hội. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu tiếp tục phục hồi sau đại dịch Covid-19, Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng GDP ổn định, đồng thời ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch quốc tế. Xu hướng này mang đến nhiều cơ hội cho việc quảng bá và phát triển thương hiệu ẩm thực Việt Nam trên trường quốc tế.
Nắm bắt cơ hội từ sự phát triển du lịch, sự thay đổi chính sách và hội nhập quốc tế VCCA đặt mục tiêu tiếp tục phát triển số lượng hội viên mới, dự kiến phát triển hội viên chính thức và hướng dẫn thành lập thêm các Hiệp hội Văn hóa ẩm thực địa phương (Hà Nội, Quảng Ninh, Tây Ninh, Cần Thơ, Tây Bắc…) trong năm 2025; tổ chức sự kiện “Công bố hành trình tìm kiếm và xác lập kỷ lục Việt Nam bộ sưu tập 365 món ăn đặc sắc Việt Nam với nước mắm” và tiếp tục đồng hành cùng các địa phương tổ chức nhiều cuộc thi, chương trình đưa ẩm thực Việt Nam tiến bước sâu rộng ra thế giới…
Đặc biệt, Chủ tịch VCCA và các hội viên đang dành rất nhiều tâm sức hoàn thiện đề án “Tổng tập Ẩm thực Việt Nam kết nối cộng đồng” hướng đến “Bách khoa Toàn thư Ẩm thực Việt”.
Ông Nguyễn Quốc Kỳ xác định trong môi trường toàn cầu hóa hiện nay, văn hóa ẩm thực đã trở thành một phần quan trọng trong việc xây dựng thương hiệu quốc gia và thu hút khách du lịch. Các món ăn Việt Nam, với sự phong phú và đậm đà bản sắc dân tộc, ngày càng được quốc tế đánh giá cao. Sự phát triển của ngành ẩm thực du lịch đã góp phần nâng tầm ẩm thực Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế. Những món ăn đặc trưng như phở, bánh mì, bún chả không chỉ ghi dấu ấn trong lòng du khách mà còn được vinh danh trên các bảng xếp hạng ẩm thực thế giới.
Do đó, VCCA đặt nhiệm vụ xây dựng được các kinh đô văn hóa ẩm thực, thủ phủ và bảo tàng ẩm thực Việt Nam, đưa ẩm thực trở thành thương hiệu khi nhắc đến Việt Nam.
Nguồn: thanhnien.vn