Saturday, January 18, 2025

Xu hướng mới của thương mại điện tử

Khi chính sách của các sàn thương mại điện tử ngày càng khắc nghiệt hơn với người bán, xu hướng người bán “tách sàn” tự làm sàn nhỏ của riêng mình có thể sẽ nổi lên.

Theo góc nhìn đánh giá của ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn NextTech, mô hình bán trực tiếp tới khách hàng (Direct to Customer – D2C) có một sức mạnh rất lớn. Thậm chí, ông còn cho rằng mô hình này cộng với sức mạnh của thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ “giết” một lớp doanh nghiệp kinh doanh bằng mua đi bán lại truyền thống kiểu cũ. Phát biểu tại hội thảo “Tăng trưởng bền vững – Đón sóng đầu tư trong kỷ nguyên xanh” tại TP HCM, ông nhận định, khái niệm mua rẻ bán đắt không còn nữa, mà thay thế bằng phương thức mua bán từ gốc đến ngọn (tức D2C).

Xu hướng mới của thương mại điện tử

“Các sàn TMĐT ngày càng khắc nghiệt hơn với người bán” – ông Bình nhận định

Sự thay đổi này đã và đang giết chết rất nhiều doanh nghiệp. Cụ thể là các doanh nghiệp nhập hàng giá rẻ từ Trung Quốc, từ chợ đầu mối rồi bán ở mặt phố. Lý do là thương mại điện tử phát triển và hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc bán đến tận tay người tiêu dùng với giá có khi chỉ bằng 1/5 sản phẩm tại Việt Nam. Thời gian giao hàng của các doanh nghiệp Trung Quốc lại rất ngắn. Do đó, những tiểu thương nhập hàng từ Trung Quốc rồi bán giá gấp 4-5 lần đã và đang chết dần chết mòn.

Phát biểu này của ông Bình nhiều người tiêu dùng Việt Nam có thể kiểm nghiệm qua việc mua hàng từ các tiểu thương Trung Quốc trên các sàn thương mại điện tử thông dụng ở Việt Nam như Shopee hay TikTok shop. Các món hàng này thường đạt mức giá cạnh tranh nhất trên sàn và cước giao hàng cũng vô cùng rẻ.

Tuy nhiên, ông Bình nhận xét, thị trường thương mại điện tử chỉ được một vài các sàn lớn “chia nhau”, và các sàn thương mại này đang ngày càng siết người bán với các khoản phí và tiêu chí gắt gao hơn. Ở Trung Quốc, có những trường hợp, các khoản phí liên quan chiếm tới 40% doanh thu của sản phẩm.

Chính vì môi trường kinh doanh trên sàn ngày càng khắc nghiệt với người bán và đặc biệt khi bán hàng trên sàn thì dữ liệu khách hàng đều nằm trong tay của sàn chứ không chảy về người bán, thành thử ra các nhà bán bắt đầu có xu hướng tách sàn để có được sự chủ động và có dữ liệu khách hàng của chính mình.

Việc “tách sàn” này sẽ dẫn tới một mô hình mới, gọi là PDT (Private Domain Traffic, tạm dịch: giao dịch của riêng mình). Ở đó, các nhà bán tự dựng ra một sàn nhỏ của riêng mình trên nền một nền tảng công nghệ gọi là Private Domain Platform để tự chủ việc kinh doanh, giao dịch với khách hàng của mình.

Trên thực tế, việc mâu thuẫn giữa người bán và chủ sàn đã có dấu hiệu trở nên gay gắp ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Từ khoảng 1 năm trở lại đây, Shopee ra một loạt các chính sách được đánh giá là “lợi người mua, thiệt người bán”. Nổi bật là việc cho người mua hoàn hàng trong 15 ngày khiến cho rất nhiều nhà bán trên Shopee kêu ca trên truyền thông và mạng xã hội.

Việt Nam cũng có những doanh nghiệp nhận ra điều này từ sớm và kiên quyết “không lên app”. Ví dụ như Coffee House.

Quanh mốc năm 2020, thị trường giao đồ ăn đang phát triển vũ bão. Gần như hàng quán nào, từ to đến bé, cũng hợp tác với các app đồ ăn để tăng trưởng bán hàng. Nhưng mặc dù vậy, Coffee House vẫn kiên quyết không “lên app”, bất chấp mùa dịch khiến người dân ngại ra ngoài cà phê, các cửa hàng của Coffee House phải giảm tốc độ mở rộng.

Ngay từ thuở ban đầu, Coffee House đã rất chú trọng vào dữ liệu và phân tích dữ liệu để sử dụng trong kinh doanh.

Ông Trung Huỳnh, cựu Giám đốc công nghệ của The Coffee House, từng chia sẻ cách Coffee House nhìn vào 1 “order” và thấu hiểu hành khách hàng như này: “Nếu họ mua hàng lúc 2 giờ chiều, họ có thể là freelancer hoặc khách sinh viên. Nếu thường xuyên gọi 1 ly chứng tỏ họ thường đi một mình, và đến The Coffee House để làm việc…” Và cho đến cuối cùng, Coffee House vẫn nhất quyết tự làm app, tự chủ giao dịch qua mạng của mình. Hay nói cách khác, họ sử dụng PDT.

Coffee House ngày đó là một ông lớn, có đội ngũ công nghệ mạnh nên họ có thể tự làm. Không nhiều người có được như vậy nên nhiều người bán vẫn chấp nhận ở lại các sàn thương mại điện tử.

Tuy nhiên, với sự tiến bộ của công nghệ, ví dụ như mini app, các gian hàng trên mạng ngày càng dễ làm và rẻ hơn. Cộng với việc chính sách các sàn ngày càng khắc nghiệt với người bán, PDT có thể sẽ là một xu hướng rất đáng chú ý trong năm nay.

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img