Năm nay, các địa phương sẽ dồn lực đầu tư phát triển nhà ở xã hội khi dự kiến cả nước có 135 dự án, với gần 101.900 căn sẽ được xây dựng, gấp đôi so với số lượng căn nhà đã hoàn thành trong năm 2024.
UBND TP.HCM đã nhận được 21 phiếu đăng ký xây dựng 52.167 căn nhà ở xã hội (NƠXH) từ nay đến năm 2030 của các doanh nghiệp (DN). Trong đó có 9 DN đăng ký xây dựng NƠXH trên các quỹ đất cụ thể thuộc quyền sở hữu của mình tại Q.Bình Tân, Q.7, TP.Thủ Đức, H.Bình Chánh, với 11.614 căn. Còn 12 DN cam kết tìm quỹ đất để xây dựng 40.553 căn từ nay đến năm 2030. Ngoài ra, TP cũng còn 7 khu đất khác dự kiến đấu thầu dự án để tìm chủ đầu tư. Tổng số 28 dự án này sau khi hoàn thành sẽ cung cấp 60.000 căn NƠXH. Ngoài ra TP.HCM đang đầu tư công 10.000 căn NƠXH, nâng số nhà sẽ hình thành lên 70.000 căn.
Theo Sở Xây dựng TP.HCM, trong năm 2025, trên địa bàn TP dự kiến có 4 dự án hoàn thành, với quy mô 2.874 căn hộ và 8 dự án khởi công với quy mô 7.945 căn. Theo đó, 4 dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2025 là dự án khu NƠXH – khu nhà ở thương mại tại khu đất Chợ Bình Phú cũ (Q.6), dự án tại số 324 Lý Thường Kiệt (Q.10), dự án khu dân cư P.Long Trường (TP.Thủ Đức), nhà lưu trú công nhân tại cụm Công nghiệp P.Thạnh Mỹ Lợi (TP.Thủ Đức). Ngoài ra, 8 dự án dự kiến khởi công trong năm 2025 là NƠXH thuộc dự án khu nhà ở P.Phú Hữu (TP.Thủ Đức), dự án khu dân cư Tân Thuận Tây (Q.7), NƠXH tại số 4 Phan Chu Trinh (Q.Bình Thạnh), khu nhà ở thu nhập thấp (Q.12), dự án NƠXH Lê Thành Tân Kiên (H.Bình Chánh), dự án Chung cư Lê Thành 2 (Q.Bình Tân), dự án NƠXH tại khu tái định cư 38 ha (Q.12) và dự án khu nhà ở P.Trường Thạnh (TP.Thủ Đức).
Trong khi đó, Hà Nội dự kiến có 11 dự án NƠXH hoàn thành với gần 6.000 căn, tương đương 345.000 m2 sàn. Sở Xây dựng TP.Hà Nội sẽ tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án NƠXH tập trung để phấn đấu trong năm 2025 khởi công được 2 dự án tại các xã Tiên Dương 1 và Tiên Dương 2 (H.Đông Anh), với quy mô gần 80 ha đất, khoảng 6.200 căn hộ. Tiếp tục triển khai 2 dự án còn lại tại xã Đại Mạch (H.Đông Anh) và xã Cổ Bi (H.Gia Lâm) với quy mô khoảng 120 ha đất và gần 6.000 căn hộ. Rà soát, bổ sung khoảng 15 khu đất mới có quy mô lớn để đầu tư xây dựng các dự án khu NƠXH tập trung, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (khoảng 2.000 căn hộ/khu), trong đó tập trung bố trí 2-3 khu đất xây dựng nhà ở công nhân tại khu vực gần các khu công nghiệp. Ngoài ra, Sở Xây dựng đã tổ chức họp và phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an rà soát các quỹ đất, dự án để đầu tư xây dựng NƠXH phục vụ lực lượng vũ trang nhân dân theo quy định của luật Nhà ở 2024.
Tương tự, nhiều địa phương khác cũng công bố kế hoạch phát triển NƠXH cho người thu nhập thấp, như Đồng Nai sẽ khởi công, xây mới 8.800 căn trong năm nay; Bình Dương làm tiếp 26.552 căn; Đồng Tháp đặt chỉ tiêu hoàn thành hơn 7.000 căn vào năm 2030… Đà Nẵng, Khánh Hòa, Cà Mau, Bến Tre… cũng lên kế hoạch phát triển hàng nghìn căn NƠXH trong 5 năm tới.
Theo báo cáo từ Bộ Xây dựng, chỉ riêng năm 2025, các địa phương sẽ dồn lực đầu tư phát triển NƠXH, dự kiến cả nước có 135 dự án, với gần 101.900 căn sẽ được xây dựng.
Nhiều ưu đãi về thủ tục, tín dụng
Năm 2025 được dự báo là năm “bùng nổ” của NƠXH sau hàng loạt chính sách thúc đẩy từ phía Chính phủ mà theo ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Quân, DN phát triển NƠXH được miễn tiền thuê, sử dụng đất, không phải thực hiện xác định giá đất, tính tiền sử dụng hay thủ tục đề nghị miễn tiền sử dụng, tiền thuê đất như trước. Điều này sẽ giúp thủ tục đầu tư các dự án được rút ngắn rất nhiều. DN cũng được ưu đãi thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập DN, mở rộng đối tượng mua và cơ chế linh hoạt trong bố trí quỹ đất 20% dành cho NƠXH. Ngoài chính sách ưu đãi, các địa phương cũng hoàn thiện, rút ngắn thủ tục hành chính, hỗ trợ quỹ đất cho chủ đầu tư làm loại nhà ở này. Chẳng hạn như TP.HCM cam kết thủ tục được kéo giảm xuống còn 6 tháng.
Chương trình phát triển NƠXH trong thời gian tới chắc chắn sẽ được đẩy nhanh, bởi theo chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, phân khúc này đang được trợ lực nhờ hành lang pháp lý vững chắc, nhiều rào cản về phát triển NƠXH được gỡ bỏ từng bước, thúc đẩy DN có niềm tin tham gia nhiều hơn. Bên cạnh đó, gói tín dụng 145.000 tỉ đồng của 9 ngân hàng đăng ký cho vay sẽ không được tính vào hạn mức tăng trưởng tín dụng theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước. Quy định này sẽ giúp các ngân hàng có đủ dư địa để hỗ trợ dự án NƠXH mà không bị ràng buộc bởi giới hạn “room” tín dụng. Ngoài việc áp dụng đồng bộ các chính sách ưu đãi về đất đai, thuế, tín dụng và quy trình thủ tục, đã có đề xuất triển khai đề án huy động trái phiếu trị giá 100.000 tỉ đồng để giúp các chủ đầu tư, người mua nhà có thêm vốn với lãi suất tốt để phát triển, mua NƠXH. Theo đó, việc phát hành trái phiếu này nên được xem là một phần của việc thí điểm quỹ phát triển NƠXH.
Thực tế cho thấy Đề án xây dựng 1 triệu căn NƠXH là chủ trương đúng đắn của nhà nước nhằm đảm bảo an sinh xã hội, tạo điều kiện để các đối tượng khó khăn về nhà ở có thể dễ dàng mua được nhà. Chính vì vậy, Chính phủ cũng đôn đốc các bộ ngành, địa phương tập trung tháo gỡ vướng mắc pháp lý, thúc đẩy phát triển phân khúc này. Việc đẩy nhanh các thủ tục sẽ giúp dự án được thi công nhanh hơn, từ đó giúp giảm chi phí và giá thành. Dù là NƠXH nhưng hệ thống hạ tầng giao thông, điện, nước, y tế, giáo dục, điều kiện vệ sinh, môi trường… phải bảo đảm đầy đủ, thuận tiện cho người dân như với các dự án nhà ở thương mại.
Vào những ngày cuối năm 2024, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cải cách, cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho DN tham gia đầu tư xây dựng và các đối tượng thụ hưởng được tiếp cận NƠXH. Thực hiện thủ tục hành chính giao đất, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, lựa chọn nhà đầu tư dự án NƠXH theo hướng rút gọn, bảo đảm nhanh chóng, thuận tiện, công khai, minh bạch. Tập trung thực hiện Đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH, đưa chỉ tiêu phát triển NƠXH vào chỉ tiêu kinh tế – xã hội 5 năm và hằng năm. Bố trí kinh phí giải phóng mặt bằng và tổ chức giải phóng mặt bằng sạch để có quỹ đất sạch làm dự án. Tổ chức đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, kinh nghiệm triển khai công khai, minh bạch. Đối với những dự án đã khởi công xây dựng, thường xuyên đôn đốc để sớm hoàn thành dự án, tổ chức nghiệm thu, sớm đưa vào sử dụng. Các dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư, khẩn trương triển khai các thủ tục lựa chọn chủ đầu tư…
Nguồn: thanhnien.vn