Friday, January 24, 2025

Những đứa trẻ Làng Nủ vịn vào yêu thương đứng dậy

Những ngày cận tết, nhìn hình ảnh 22 học sinh ở Làng Nủ vui đùa, hào hứng với các trò chơi, hoạt động tập thể ở sân Trường Marie Curie (Hà Nội), khó có thể hình dung chỉ hơn 4 tháng trước, các em đã trải qua những điều khủng khiếp thế nào…

Nếu phải nói điều gì ám ảnh nhất đối với ngành giáo dục năm qua, thì có lẽ đó là trận lũ quét ở Làng Nủ (xã Phúc Khánh, H.Bảo Yên, Lào Cai) ngày 10.9.2024. Trong tận cùng của nỗi đau, tình yêu thương vô điều kiện của những nhà giáo đã giúp học sinh Làng Nủ có điểm tựa vững chắc để đứng dậy, cảm nhận sâu sắc về tình người, về “giấc mơ có thật” và được học những bài học lớn trong đời.

“VÌ TÔI LÀ THẦY GIÁO”

Chuyện thầy Nguyễn Xuân Khang, Chủ tịch Trường Marie Curie (Hà Nội), nhận nuôi tất cả cháu bé sống sót ở Làng Nủ (dù mồ côi hay còn bố mẹ) đến năm 18 tuổi, có thể coi là một trong những câu chuyện giáo dục lay động lòng người nhất của năm qua. Lay động không phải chỉ vì số tiền lớn mà thầy chi ra để gửi nuôi các con mỗi tháng; mà chính là cách thầy làm.

Đó là khi thầy vội tìm cách liên lạc với cậu học trò lớp 12 Nguyễn Văn Hành, khi xem phóng sự trên Báo Thanh Niên, Hành tuyệt vọng chia sẻ có lẽ em sẽ phải bỏ học đi làm kiếm sống vì sau trận lũ, em chỉ còn lại một mình… Liên lạc được với Hành qua điện thoại, thầy Khang chỉ dặn đi dặn lại, Hành cứ yên tâm điều trị rồi trở về trường học. Ngay trong cuộc điện thoại đầu tiên ấy, thầy đề xuất nhận Hành là “cháu nội” để Hành bớt đi cảm giác côi cút, để yên tâm đã có “ông nội” lo việc ăn học…

Những đứa trẻ Làng Nủ vịn vào yêu thương đứng dậy

Thầy Nguyễn Xuân Khang thăm 22 trẻ Làng Nủ

Ảnh: M.C

Cuộc điện thoại của thầy Khang đã giúp Hành yên tâm điều trị thương tích do bị lũ cuốn. Hơn 4 tháng qua, khi có chuyện buồn, khi cảm giác mất phương hướng, Hành đã có “ông nội” để gọi điện, nhắn tin xin lời khuyên hoặc chỗ dựa cho tương lai. Hành đã học lớp 12, sắp bước qua tuổi 18, nhưng với thầy Khang không có nghĩa là việc nuôi con ăn học sẽ dừng lại. Thầy động viên Hành tập trung cho kỳ thi tốt nghiệp THPT trước mắt, nếu có thể học cao hơn, thầy sẽ lo tiếp.

Với thầy Khang, nhận “nuôi” mỗi đứa trẻ thì tiền rất quan trọng, nhưng quan trọng không kém là dõi theo hành trình lớn lên của chúng. Vì thế, sau quyết định này, thầy tự nhận mình “là người ham sống nhất, sống để nhìn thấy các con trưởng thành”. Cũng vì thế mà thầy lặn lội lên tận Làng Nủ để được gặp đủ 22 cháu mà mình nhận nuôi. 23 ông cháu cùng chụp chung một tấm hình để “ông nội” và các cháu cùng ký vào “lời hẹn ước” đặc biệt: “Ông giữ gìn sức khỏe, cháu chăm chỉ học hành”.

Chia sẻ về việc nhận nuôi ăn học những đứa trẻ Làng Nủ, nhà giáo Nguyễn Xuân Khang nói rất giản dị: “Vì tôi là thầy giáo. Điều một người thầy lo lắng nhất vẫn là việc học hành và tương lai của con trẻ”.

YÊU THƯƠNG LÀM NÊN ĐIỀU KỲ DIỆU

Sau biến cố lớn, Làng Nủ hồi sinh nhanh như vậy là nhờ vào sự hỗ trợ và bù đắp của cả hệ thống chính trị và cộng đồng. Những đứa trẻ ở Làng Nủ lại càng cần sự quan tâm tỉ mỉ hơn bởi là đối tượng dễ bị tổn thương nhất.

Cô bé Hoàng Thảo Ngọc (người Mông), 11 tuổi, học sinh lớp 6 Trường tiểu học và THCS số 1 xã Phúc Khánh, bị lũ cuốn, hôn mê sâu. Bệnh viện Bạch Mai đã lập tổ công tác đặc biệt để tập trung cứu chữa bé với chẩn đoán rất xấu, nhưng kỳ tích đã đến sau 50 ngày, Thảo Ngọc được xuất viện và đi học trở lại với ước mơ mới: học thật tốt để trở thành bác sĩ cứu người như các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã cứu chữa cho em.

Những đứa trẻ Làng Nủ vịn vào yêu thương đứng dậy

22 trẻ ở Làng Nủ tham gia các trò chơi, hoạt động tại sân Trường Marie Curie ngày cận Tết Nguyên đán 2025

ẢNH: M.C

Cô Hoàng Thị Sen, giáo viên chủ nhiệm của Thảo Ngọc, tâm sự gần 2 tháng trời em chiến đấu với tử thần, nhiều lúc cô trò trong lớp đã nghĩ việc Thảo Ngọc trở lại lớp học chỉ có trong giấc mơ…; và rồi giấc mơ ấy có thật. Bài văn “trải nghiệm sâu sắc của em” mà Thảo Ngọc viết về việc em hoảng loạn khi bị lũ cuốn ra sao, được chăm sóc trong bệnh viện thế nào… đã khiến cô Sen bật khóc vì thương và vui bởi biết em đã thực sự hồi phục.

Các thầy cô luôn tự nhủ phải quan tâm tới các con Làng Nủ kỹ hơn cả về sức khỏe, tinh thần, cũng như việc học tập. Những ngày đầu các em trở lại trường sau thời gian gián đoạn là những ngày các thầy cô phải bù đắp riêng kiến thức mà em học chậm so với các bạn bằng cách 1 kèm 1; trò chuyện với các em nhiều hơn để quên đi nỗi ám ảnh của những ngày chiến đấu với tử thần, nhưng cũng muốn các em nhớ về biến cố ấy ở góc nhìn đẹp nhất về tình người, về “niềm tin chiến thắng” để mạnh mẽ, tự tin hơn trên con đường rất dài ở phía trước.

BÀI HỌC LỚN KHÔNG CHỈ VỚI HỌC TRÒ

Thầy Phạm Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường tiểu học và THCS số 1 xã Phúc Khánh, chia sẻ: Sau trận lũ, 13 học sinh của trường vĩnh viễn không thể trở lại, nhiều em may mắn sống sót thì bị thương tích hoặc mất người thân. Nỗi đau về thể xác lẫn tinh thần quá lớn. Do vậy, khi Làng Nủ mới chưa khánh thành, nhà trường đã quyết định đón tất cả các con về trường ở nội trú. Thầy cô cắt cử nhau ở lại ngủ qua đêm để trông các con, biến các phòng chức năng thành phòng ở, kê thêm giường, mua thêm chăn nệm ấm, nấu những bữa ăn đủ ngon…, để các con cảm nhận được hơi ấm của gia đình.

Thời gian đầu trở lại trường, có những em đã không thể tập trung vào bài giảng mà chỉ khóc vì nỗi ám ảnh, vì nhớ bố mẹ, người thân, nhớ những bạn cùng lớp nay không còn… Những tình huống ngoài giáo trình đào tạo sư phạm như vậy, các thầy cô chỉ biết làm theo sự mách bảo của tình thương.

Việc nhận nuôi tất cả các con Làng Nủ còn sống sót của thầy Khang đã khiến các thầy cô ở trường Phúc Khánh như “trút được một tảng đá đè lên ngực”. Học sinh vì khó khăn mà phải bỏ học vốn là nỗi lo thường trực của các thầy cô giáo ở vùng cao. Trận lũ tràn qua khiến nỗi lo ấy càng hiện hữu. Do vậy, thầy Vinh tâm sự: “Dù luôn nhắc nhở các con về lòng biết ơn và niềm tin vào những điều tốt đẹp, nhưng chính những thầy cô giáo như chúng tôi cũng học được điều đó từ nghĩa cử của thầy Khang, từ cộng đồng”.

Cùng thầy làm những việc tử tế

Những ngày gần tết, gặp thầy Khang cùng gói bánh chưng, nhảy bao bố, chơi kéo co với học sinh ở Trường Marie Curie, phụ huynh chia sẻ các con được học những bài học đạo đức từ chính những hành động tử tế, nhân văn và những việc làm vì cộng đồng của thầy.

“Một trăm lần nói hay không bằng một lần làm việc tử tế. Nhiệm vụ của người thầy giáo là dạy dỗ học sinh nên người. Thầy tin học trò của trường thầy sẽ bắt chước thầy làm những việc tử tế”, thầy Khang tâm sự.

 

 

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img