Công nghệ số đang mở ra vô vàn cơ hội cho ngành xây dựng hạ tầng giao thông tại Việt Nam. Song, cũng đặt ra những thách thức lớn trong việc giải “bài toán” nhân lực chất lượng cao.
Đó là nhận định của ông Lê Quỳnh Mai – Phó Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, với Diễn đàn Doanh nghiệp.
– Ông có bình luận gì về xu hướng ứng dụng công nghệ số trong ngành xây dựng hạ tầng giao thông tại Việt Nam?
Có thể thấy, Việt Nam đang trên đà chuyển đổi số mạnh mẽ, ngành xây dựng hạ tầng giao thông không nằm ngoài xu hướng này. Ở góc độ của doanh nghiệp, Tập đoàn Đèo Cả đã khẳng định vị thế là doanh nghiệp tiên phong trong việc ứng dụng, chuyển đổi công nghệ số hiện đại như ứng dụng BIM, Lidar, 3D Laser Scanning,… nhằm tăng cường độ chính xác, giảm thiểu sai sót, tối ưu nguồn lực để rút ngắn thời gian thi công khi triển khai các dự án hạ tầng giao thông lớn ở Việt Nam.
Và có lẽ, đây là những thành công nhất định trong quá trình chuyển đổi số của Đèo Cả không chỉ mang lại hiệu quả cao cho Tập đoàn, mà còn góp phần truyền cảm hứng cho nhiều doanh nghiệp khác, thúc đẩy nền kinh tế số hiện đại và phát triển.
– Vậy ông nhận thấy những lợi ích cụ thể nào mà công nghệ số mang lại cho việc thiết kế, xây dựng, quản lý dự án của Tập đoàn Đèo Cả?
Việc ứng dụng công nghệ số vào các giai đoạn của dự án mang lại những hiệu quả, lợi ích thiết thực. Cụ thể, trong thiết kế và xây dựng, công nghệ như LiDAR và 3D Laser Scanning giúp giảm thiểu sai số trong quá trình khảo sát, hỗ trợ tạo lập mô hình BIM để tối ưu hóa nguồn lực và tiết kiệm chi phí. Những công nghệ này gia tăng độ chính xác, nâng cao chất lượng thiết kế và quản lý hiệu quả hơn các nguồn lực, góp phần tiết kiệm đáng kể trong quá trình xây dựng. Mặc dù là xu hướng tất yếu trong tương lai, việc chuyển đổi số phải đối diện rất nhiều thách thức, điển hình như hạ tầng công nghệ còn hạn chế, chi phí đầu tư lớn, tính phức tạp của các dự án xây dựng, thiếu nguồn nhân lực chuyên môn cao…
– Đâu là giải pháp để doanh nghiệp vừa duy trì lực lượng lao động hiện tại, vừa tạo cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp trong bối cảnh công nghệ ngày càng phát triển, thưa ông?
Trong xu hướng số hóa và áp dụng triệt để công nghệ có ảnh hưởng lớn đến triển vọng việc làm của lao động phổ thông trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng giao thông.
Bên cạnh đó, xu hướng này còn đòi hỏi lao động phổ thông cần trang bị thêm kiến thức, kỹ năng ứng dụng công nghệ số. Song, đây cũng là cơ hội để người lao động học hỏi, nâng cao tay nghề nhằm đáp ứng các vị trí việc làm đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao. Và nắm bắt được những khó khăn, thách thức trên, chúng tôi đã phối hợp với các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội tăng cường đào tạo và nâng cao kỹ năng cho lao động, đặc biệt là lao động phổ thông.
Ngoài ra, Đèo Cả cũng có chính sách hỗ trợ người lao động chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm những công việc mới phù hợp với nguyện vọng và năng lực của từng cá nhân.
– Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn