VTV.vn – Dịp nghỉ Tết, bệnh nhân nhập viện cấp cứu, đột quỵ tại Bệnh viện Bạch Mai tăng đột biến, ước chừng tăng khoảng 30 – 40% so với ngày thường.
Bệnh nhân trẻ tuổi đột quỵ tăng
ThS. BS Nguyễn Minh Anh – Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Tình hình bệnh nhân nhập viện tại Trung tâm Đột quỵ trong dịp Tết và những ngày đầu đi làm có chiều hướng gia tăng đột biến với tình trạng lâm sàng nặng và đa dạng các loại rối loạn. Trung tâm luôn cố gắng phân bổ điều trị theo đúng quy định, phác đồ điều trị chuẩn. Dịp Tết, các kỹ thuật cao vẫn được thực hiện thường quy với đầy đủ dụng cụ, trang thiết bị.
Lý giải nguyên nhân người bệnh đột quỵ tăng đột biến trong dịp Tết, các bác sĩ Trung tâm Đột quỵ cho hay: Trong dịp Tết, các cơ sở y tế gần như hạn chế hoạt động, số lượng bệnh nhân chuyển từ tuyến dưới lên gia tăng. Thêm vào đó, gần Tết, người bệnh ngại đi khám lại, uống đơn cũ hoặc tự ý dừng thuốc đợi ra Tết khám lại, thiếu tuân thủ phác đồ điều trị dẫn đến nguy cơ cao, đặc biệt đối với những bệnh nhân có bệnh nền. Mặt khác, trong Tết ăn uống sinh hoạt thiếu điều độ, thức khuya, ăn đồ chiên rán và rượu bia cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tăng tỷ lệ đột quỵ
Nam bệnh nhân 46 tuổi bị đột quỵ.
Đặc biệt, trong số các bệnh nhân nhập viện do đột quỵ dịp này, số lượng người bệnh trẻ tuổi, từ dưới 50 tuổi chiếm tỷ lệ cao, chiếm đến 45%. “Nguyên nhân chủ yếu do người trẻ chủ quan, thiếu sự thăm khám sức khoẻ định kỳ và thường không nghĩ mình có thể mắc các bệnh tăng huyết áp, tiểu đường. Mặt khác, do thói quen sinh hoạt của người trẻ thiếu khoa học, thường xuyên sử dụng rượu bia, đồ ăn nhanh, đồ chiên rán. Hơn thế, người trẻ hiện nay còn có xu hướng sử dụng nhiều chất kích thích, gây nghiện mới như ma tuý đá, cần sa, thuốc lá điện tử…” – ThS.BS Nguyễn Minh Anh nhấn mạnh.
Ghi nhận tại Trung tâm Đột quỵ, bệnh nhân nam 46 tuổi (Cầu Giấy, Hà Nội) vào viện 29 Tết (28/1) do liệt nửa người, nói khó. Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, điều trị không thường xuyên. Ngày 29 Tết, sau khi ăn trưa, có uống rượu, bệnh nhân có xuất hiện nói khó, liệt nửa người trái. Kết quả chiếu chụp tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy bệnh nhân bị chảy máu não 3ml. Bệnh tình có chiều hướng tiến triển nặng, nguy cơ cao xảy ra các rối loạn khác. Sau 5 – 6 ngày điều trị tích cực, cơ lực đã dần hồi phục.
Các bác sĩ căng mình bảo đảm sức khoẻ người dân
Không khí ngày đầu tiên đi làm trở lại tại Trung tâm Cấp cứu A9, một trong những cửa ngõ tiếp nhận người bệnh của Bệnh viện Bạch Mai, công tác khám chữa bệnh luôn hối hả, khẩn trương.
Bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân cấp cứu tại Trung tâm Cấp cứu A9.
“Đặc biệt năm nay, tỷ lệ bệnh lý do tai nạn giao thông và rượu giảm, tuy nhiên, bệnh lý tim mạch và hô hấp tăng. Nguyên nhân bệnh lý tim mạch và hô hấp tăng do thời tiết trở lạnh. Bệnh nhân mãn tính Tết về nhà điều trị thiếu tuân thủ phác đồ, ăn uống sinh hoạt không điều độ”, ThS. BSNT Nguyễn Như Bình – Trung tâm Cấp cứu A9 cho biết.
“Tết thường là dịp nghỉ ngơi, du xuân, chúc nhau, nhưng với các bác sĩ Trung tâm A9 và người thân đã thành thông lệ. Người nhà đã quen thuộc với việc mình đi trực, ăn Tết xa nhà. Còn bản thân các bác sĩ, nhân viên y tế luôn trong tư thế sẵn sàng trực chiến, tăng cường cho nhau bất cứ lúc nào. Tết năm nay, số lượng người bệnh tăng đột biến, công việc lớn hơn rất nhiều ngày thường, anh em khá căng thẳng, song với kế hoạch chuẩn bị được thiết lập từ trước nên mọi người vẫn luôn kịp thời và đảm bảo công tác chăm sóc sức khoẻ, khám chữa bệnh cho người dân”, ThS. BSNT Nguyễn Như Bình chia sẻ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!