Theo các nhà quan sát phương Tây, các đơn vị của Triều Tiên phần lớn là lực lượng tác chiến đặc biệt, được huấn luyện tốt hơn các đơn vị khác. Lối đánh và chiến thuật của họ cũng khác biệt so với binh sỹ Nga.
Nga đã cố gắng chấm dứt quyền kiểm soát của Ukraine đối với một số khu vực ở tỉnh Kursk, miền Tây nước này sau chiến dịch đột kích bất ngờ của Kiev vào cuối mùa hè. Trong thời gian qua, Moscow đã nỗ lực chiến đấu để khôi phục toàn bộ quyền kiểm soát đối với Kurdk nhưng Kiev vẫn chiếm giữ một phần lãnh thổ, trong đó có thị trấn Sudzha.
Vào mùa thu năm 2024, tình báo phương Tây cho biết, Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã điều động khoảng 12.000 binh sỹ đến Kursk hỗ trợ Nga. Binh sỹ Triều Tiên hành động không biết mệt mỏi và không sợ hãi trước cái chết. Họ có quyết tâm cao và tinh thần chiến đấu mạnh mẽ ngay cả khi phải tham gia vào một cuộc chiến xa lạ. Đây là những gì phương Tây quan sát được khi theo dõi quân đội Triều Tiên chiến đấu trên chiến trường.
Theo các nhà quan sát phương Tây, các đơn vị của Triều Tiên phần lớn là lực lượng tác chiến đặc biệt, được huấn luyện tốt hơn các đơn vị khác. Khi tham chiến với Nga, họ đã học được cách chiến đấu trong một cuộc xung đột hiện đại. Theo nhiều binh sỹ Ukraine, lính Triều Tiên là những người có kỷ luật và rất thành thạo sử dụng vũ khí.
Triều Tiên điều những binh sỹ tinh nhuệ nhất tới Nga
Đây là lần đầu tiên Triều Tiên tiến hành đợt triển khai quân sự lớn nhất tham gia cuộc xung đột tại nước ngoài trong gần 80 năm qua. Các cơ quan tình báo Ukraine và Hàn Quốc cho biết, nhiều binh lính mà Triều Tiên triển khai tới Nga là những binh sỹ tinh nhuệ nhất của Bình Nhưỡng, được tuyển chọn từ Quân đoàn 11, còn được gọi là Quân đoàn Bão táp. Đơn vị này được đào tạo về xâm nhập, phá hoại cơ sở hạ tầng và ám sát lực lượng đối phương.
Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, Tướng Oleksandr Syrsky, đánh giá quân đội Triều Tiên “có động lực cao, được đào tạo bài bản và rất dũng cảm”. Còn Lầu Năm Góc cho rằng “đây là lực lượng có kỷ luật tương đối tốt, có kỹ năng chiến đấu và rất có năng lực”.
Một số binh sỹ Ukraine kể với truyền thông phương Tây rằng, các đơn vị Triều Tiên hành động rất mau lẹ, có khả năng ứng biến trong tình huống khó khăn, bắn súng tốt và dường như không sợ hãi khi họ bước vào trận chiến mặc dù chịu tổn thất. Các binh sỹ Triều Tiên luôn mang bên mình cuốn nhật ký bày tỏ lý tưởng sống và sự cống hiến cho nhà lãnh đạo cũng như đất nước của họ.
Ông Joseph Bermudez, một chuyên gia về lực lượng vũ trang của Triều Tiên tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định: “Mỗi binh sỹ Triều Tiên đều có kỹ năng chiến đấu tốt hơn, kỷ luật hơn và sự sẵn sàng chiến đấu cao hơn so với những ngày đầu khi họ mới được triển khai”.
Sẵn sàng cởi bỏ đồ bảo hộ để chiến đấu
Nga được cho là đã điều động các lực lượng của Triều Tiên chiến đấu trên tuyến đầu. Họ được giao nhiệm vụ bảo vệ một số khu vực cụ thể ở Kursk, tiến hành cả hoạt động tấn công lẫn phòng thủ. Đại tá Oleksandr Kindratenko, người phát ngôn của Lực lượng tác chiến đặc biệt Ukraine cho biết, quân đội Triều Tiên rất linh hoạt. Nhiều binh sỹ thậm chí đã cởi bỏ đồ bảo hộ mà Nga cung cấp để di chuyển dễ dàng hơn.
“Trong một số trường hợp, họ chiến đấu mà không có mũ bảo hiểm hoặc tấm chắn đạn đạo để tăng tốc độ tấn công vào các vị trí của Ukraine. Những chiếc ba lô bị tịch thu của họ chỉ chứa một ít thức ăn, một lít nước và không có đồ dùng chống lạnh như găng tay hoặc quần áo giữ nhiệt”, ông Oleksandr Kindratenko nói.
Theo quan chức này, hầu hết ba lô của binh sỹ Triều Tiên đều chứa đạn dược. Quân đội Triều Tiên có số lượng băng đạn nhiều gấp ba lần so với số lượng trung bình của một người lính Nga mang theo, thêm cả lựu đạn và mìn. Binh sỹ Triều Tiên “thường được trang bị tốt hơn” so với lực lượng Nga, ông Kindratenko tiết lộ. Nhiều video thu được từ máy bay không người lái trinh sát cho thấy lực lượng Triều Tiên bắn “một số lượng đáng kể súng phóng lựu chống tăng vào các vị trí kiên cố hoặc phương tiện của Ukraine.
Đại tá Oleksandr Kindratenko cho biết: “Gần như tất cả binh sỹ Triều Tiên đều mang theo các phiên bản hiện đại hóa của vũ khí tiêu chuẩn của Nga. Chẳng hạn, thay vì sử dụng súng AK-47 ra đời từ nhiều thập kỷ trước, binh sỹ Triều Tiên đã sử dụng súng trường tấn công AK-12 hiện đại hơn”.
Ở tuyến đầu, binh lính Ukraine báo cáo, quân đội Triều Tiên là lực lượng chiến đấu có năng lực, thành thạo trong việc vô hiệu hóa máy bay không người lái. Những người lính này vô cùng cứng rắn và quyết tâm, không ngừng tiến về phía trước. Họ không bao giờ đầu hàng và thường chọn cách tự sát bằng đạn dược thay vì để đối phương bắt giữ. Đây là yếu tố quyết định trong quá trình huấn luyện tác chiến đặc biệt của Triều Tiên: binh sỹ được huấn luyện để tuân theo mệnh lệnh một cách tuyệt đối.
Bài học đối với Triều Tiên
Theo tình báo phương Tây, lực lượng Triều Tiên đã chịu tổn thất nặng nề khi chiến đấu cho Nga. Mặc dù được Moscow huấn luyện về chiến thuật bộ binh, máy bay không người lái, pháo binh và các hoạt động tác chiến chiến hào, nhưng quân đội Triều Tiên vẫn chưa thực sự quen với cuộc chiến này.
“Các binh sỹ Triều Tiên tham gia vào hoạt động bộ binh hạng nhẹ theo phong cách Thế chiến thứ hai — một người thu hút hỏa lực của đối phương (trong trường hợp này là máy bay không người lái) để xác định vị trí mục tiêu, còn những người khác cố gắng vô hiệu hóa mục tiêu đó”, chuyên gia Michael Madden tại Trung tâm Stimson lưu ý. Họ dường như không có sự chuẩn bị để chiến đấu trên một chiến trường cơ giới như Ukraine, nơi có rất nhiều xe bọc thép và xe tăng.
Trong ngắn hạn, điều đó có thể khiến quân đội Triều Tiên bị tổn thất lớn, nhưng về lâu về dài họ có thể học hỏi và tiếp thu những kiến thức quan trọng để có thể giành lợi thế trong những cuộc xung đột có khả năng xảy ra trong tương lai. Điều này sẽ giúp họ trở thành lực lượng chiến đấu đáng gờm hơn tại Đông Á.
Quân đội Triều Tiên có thể đưa ra những quyết định hợp lý hơn về điều chỉnh chiến thuật khi quan sát tình hình xung đột tại Nga và Ukraine. Ngoài ra, họ có thể biết cách Ukraine sử dụng các hệ thống vũ khí do Mỹ và phương Tây cung cấp, chẳng hạn như hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) và xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams, cũng như cách Nga đối phó với chúng, chuyên gia Joseph Bermudez nhận định.
Nguồn: vov.vn