Tỉnh Thái Bình đã phát động doanh nghiệp thi đua đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, khắc phục khó khăn, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2025.
Năm 2024, kinh tế – xã hội của tỉnh Thái Bình đạt nhiều thành tựu quan trọng và khá toàn diện: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) tăng 7,01% so với năm 2023, quy mô nền kinh tế xếp thứ 23 toàn quốc, bình quân tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021 – 2024 tăng gấp 1,35 lần so với bình quân chung cả nước. Tổng vốn của các dự án đầu tư vào tỉnh đạt hơn 38.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Khắc Thận – Bí thư tỉnh Thái Bình thăm và động viên cán bộ, nhân viên Công ty Cổ phần Sản xuất hàng thể thao Tân Đệ nhân ngày làm việc đầu xuân Ất Tỵ 2025
Trong đó thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI đạt 1,16 tỷ USD (đứng thứ 12 cả nước); thu ngân sách trên địa bàn đạt hơn 11.500 tỷ đồng; năm thứ ba liên tiếp Thái Bình có hơn 1.000 doanh nghiệp thành lập mới.
Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình: Những kết quả phát triển kinh tế – xã hội đáng mừng của tỉnh có sự đóng góp rất quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan, tự thỏa mãn mà cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để vượt qua khó khăn, thách thức trong thời gian tới. Với vai trò là lực lượng xung kích trên mặt trận kinh tế, các doanh nhân, doanh nghiệp cần tập trung thực hiện tốt 5 nhiệm vụ trọng tâm. Năm 2025, các doanh nhân, doanh nghiệp tiếp tục phát huy kinh nghiệm, sức sáng tạo, đoàn kết, có khát vọng phát triển và vươn lên mạnh mẽ.
Hăng hái thực hiện các phong trào thi đua gắn với chấp hành pháp luật trong hoạt động của doanh nghiệp, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa. Xây dựng đội ngũ doanh nhân Thái Bình ngày càng lớn mạnh với đạo đức và bản sắc văn hóa kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp.
Theo ông Hùng, mỗi doanh nghiệp cần tăng cường nghiên cứu, nắm bắt xu hướng phát triển của thị trường trong nước và quốc tế để chủ động hội nhập; đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ, máy móc, hợp lý hóa quy trình sản xuất.
Đoàn kết, hợp tác, mở rộng liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp trên tinh thần tự chủ, sáng tạo, đoàn kết, chia sẻ, cùng nhau phát triển. Chủ động, tích cực tham gia với các cấp ủy, chính quyền xây dựng, hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Mỗi doanh nghiệp, doanh nhân là một đầu mối kết nối, thu hút các nhà đầu tư, đối tác đầu tư vào tỉnh, nhất là Khu kinh tế Thái Bình góp phần tạo nguồn lực phát triển tỉnh.
Để hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần tập trung vào công việc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, lắng nghe, chia sẻ, đồng hành, hỗ trợ giúp doanh nghiệp vượt khó, sản xuất, kinh doanh thuận lợi, hiệu quả.
Đại diện Công ty Cổ phần Phát triển đầu tư và xây lắp Tiến Thịnh: Ngay ngày làm việc đầu xuân Công ty đã vận hành các dây chuyền máy móc sản xuất và cùng nhau thi đua phấn đạt mục tiêu tăng trưởng doanh thu năm 2025 từ 20% trở lên so với năm 2024.
Ông Đỗ Văn Vẻ – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết: Năm 2024, trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước biến động rất phức tạp và khó khăn nhưng các doanh nghiệp đã nỗ lực vươn lên, tích cực khai thác tối đa năng lực sản xuất, từ đó duy trì được hiệu quả sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.
Đồng thời thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước. Ngay sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, cán bộ, công nhân và người lao động của các doanh nghiệp Thái Bình đã trở lại ổn định lao động, sản xuất.
Ông Phạm Bách Tùng – Giám đốc Công ty Cổ phần Kỹ thương Thiên Hoàng – Mikado cho biết: Năm 2024, Mikado có sự bứt phá xuất khẩu với kim ngạch đạt hơn 30 triệu USD.
Dự báo năm 2025 thị trường trong nước vẫn còn khó khăn nên con đường của Mikado vẫn là tập trung cho xuất khẩu với các thị trường chủ lực như châu Âu, châu Mỹ, châu Á. Để hoàn thành kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đi đúng lộ trình tăng trưởng, chúng tôi huy động mọi nguồn lực và thi đua đẩy mạnh sản xuất ngay từ ngày đầu xuân mới.
Phát động mọi nơi
Trước đó, tại huyện Hưng Hà cũng tổ chức lễ phát động doanh nghiệp thi đua đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh năm 2025. Ông Nguyễn Văn Giang – Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có 780 doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh và hoạt động, tạo việc làm cho khoảng 27.000 lao động.
Ngay sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, cán bộ, công nhân và người lao động của các doanh nghiệp Thái Bình đã trở lại ổn định lao động, sản xuất (Ảnh minh họa)
Riêng năm 2024, toàn huyện có trên 60 doanh nghiệp được thành lập mới với tổng số vốn kinh doanh đạt 650 tỷ đồng. Tỷ lệ xuất khẩu hàng hóa đạt 185,9 triệu USD. Ngoài ra, trong năm huyện còn thu hút 14 dự án đầu tư vào huyện. Các doanh nghiệp đã không ngừng đầu tư, đổi mới công nghệ, trang thiết bị đẩy mạnh sản xuất phát triển doanh nghiệp bền vững.
Tại lễ phát động, UBND huyện Hưng Hà cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục thi đua đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động; chủ động xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường; không ngừng áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, từng bước xây dựng thương hiệu của doanh nghiệp.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần tích cực hợp tác, liên doanh, liên kết mở rộng thị trường, quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm trên tinh thần tự chủ, sáng tạo, đoàn kết, chia sẻ tạo sự gắn kết giữa các doanh nghiệp để cùng nhau phát triển. Tăng cường xây dựng văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân. Quan tâm đến các hoạt động nhân đạo từ thiện, an sinh xã hội góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Huyện Hưng Hà sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, thủ tục hành chính cho doanh nghiệp giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển sản xuất. Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của huyện.
Ông Nguyễn Khắc Thận – Bí thư tỉnh Thái Bình cho biết: Năm 2025 tỉnh Thái Bình đã đề ra những mục tiêu, chỉ tiêu phát triển rất cao nên cần có sự chung sức thi đua phấn đấu của người dân, doanh nghiệp. Trong đó kỳ vòng vào các doanh nghiệp lớn của tỉnh.
Theo ông Thận, những doanh nghiệp lớn phải là những đơn vị tiên phong, dẫn dắt phong trào, tạo sức bật cho nền kinh tế của tỉnh. Muốn vậy, các doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư mạnh mẽ hơn vào lĩnh vực khoa học công nghệ, đổi mới máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, tạo ra năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng cao, nâng tỷ lệ lợi nhuận của doanh nghiệp, chăm lo tốt hơn đời sống của cán bộ, công nhân và đóng góp nhiều hơn cho ngân sách Nhà nước.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn