Nhằm cụ thể hoá định hướng phát triển công nghiệp, tỉnh Nam Định đã phê duyệt quy hoạch chung xây dựng 2 khu công nghiệp rộng gần 1.400ha.
Hai khu công nghiệp rộng gần 1.400ha
Theo đó, khu công nghiệp Hải Long có quy mô diện tích nghiên cứu lập quy hoạch là 1.086,49ha, quy mô diện tích là 1.069,85ha. Khu công nghiệp này nằm trên địa bàn 4 xã Bạch Long, Giao Long, Giao Châu, Giao Nhân (Giao Thủy), kết nối thuận lợi với các tuyến giao thông trọng điểm của tỉnh và khu vực: Tuyến đường Nam Định – Lạc Quần – Đường bộ ven biển (Tỉnh lộ 484), tuyến đường bộ ven biển kết nối Ninh Bình – Nam Định – Thái Bình, các tuyến đường tỉnh, đường huyện kết nối nội vùng.
Phối cảnh khu công nghiệp Hải Long rộng gần 1.100ha
Khu công nghiệp Hải Long được quy hoạch làm nhiều giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 triển khai 180ha, thuộc địa bàn 2 xã Giao Châu, Giao Long (Giao Thủy), với 4 khu vực chức năng chính, bao gồm: Khu vực cửa ngõ tiếp cận khu công nghiệp, khu trung tâm, công trình điểm nhấn, trục không gian cảnh quan chính, không gian cây xanh, mặt nước. Giai đoạn đầu, khu công nghiệp Hải Long sẽ tập trung vào thu hút các nhà đầu tư tiên phong, phát triển hạ tầng và tạo tiền đề cho các giai đoạn tiếp theo. Dự kiến, khu công nghiệp này sẽ tạo việc làm cho khoảng 110.000 lao động khi hoàn thiện, trong đó giai đoạn 1 sẽ thu hút khoảng 18.000 lao động.
Khu công nghiệp Hải Long được định hướng quy hoạch với 7 chức năng sử dụng đất, gồm: đất phát triển sản xuất công nghiệp, kho tàng 726,4ha. Đất dịch vụ – công cộng 23,2ha. Đất cây xanh 150ha; đất mặt nước 9,8ha. Đất giao thông 132,3ha. Đất hạ tầng kỹ thuật khác 19ha. Đất bãi đỗ xe 8,7ha…
UBND tỉnh Nam Định yêu cầu quy hoạch khu công nghiệp Hải Long phải đảm bảo kết nối hạ tầng kỹ thuật hợp lý, bảo vệ môi trường và an toàn giao thông, đặc biệt do khu công nghiệp nằm dọc tuyến đường bộ ven biển tỉnh Nam Định. Khu công nghiệp cam kết không ảnh hưởng đến hệ sinh thái Vườn quốc gia Xuân Thủy và tuân thủ các chính sách bảo tồn khu dự trữ sinh quyển.
Tỉnh cũng đề xuất danh mục các dự án ưu tiên, huy động nguồn lực qua hợp tác công – tư (PPP) và thu hút đầu tư vào công nghiệp sạch, công nghệ cao. Quá trình triển khai quy hoạch sẽ được giám sát chặt chẽ, với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Nam Định chủ trì, cùng sự phối hợp của các sở, ban, ngành liên quan.
Khu công nghiệp Minh Châu có tổng diện tích khoảng 296,8ha, triển khai theo 2 giai đoạn: giai đoạn 1 khoảng 100ha, giai đoạn 2 khoảng 196,8ha, nằm trên địa bàn xã Đồng Thịnh (trước đây là các xã Nghĩa Minh, Nghĩa Thịnh, Nghĩa Đồng) và xã Nghĩa Châu (huyện Nghĩa Hưng).
Theo quyết định, không gian kiến trúc cảnh quan của khu công nghiệp Minh Châu sẽ được tổ chức theo 4 khu vực chính: khu dịch vụ, khu sản xuất công nghiệp, kho bãi, các khu hạ tầng kỹ thuật, không gian cây xanh, mặt nước. Dự kiến, khu công nghiệp Minh Châu sẽ tạo việc làm cho khoảng 30.000 lao động.
Toàn bộ hệ thống chính trị tập trung dồn lực
Được biết, trong năm 2024, UBND tỉnh Nam Định đã ban hành Văn bản số 257/UBND-VP5 đồng ý chủ trương tổ chức lập quy hoạch xây dựng 6 khu công nghiệp gồm: Hải Long (khoảng 1.100ha), Thịnh Tân (khoảng 400ha), Nam Hồng (khoảng 200ha), Thượng Thành (khoảng 395ha), Minh Châu (khoảng 300ha), Lạc Xuân (khoảng 210ha).
Tỉnh Nam Định đang khai thác 6 khu công nghiệp hiện có và phát triển thêm 10 khu công nghiệp nâng tổng số diện tích quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn đến năm 2030 là 2.546ha.
Để đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu công nghiệp, tỉnh Nam Định đã chỉ đạo toàn bộ hệ thống chính trị của tỉnh phải tập trung dồn lực, phát huy tối đa trách nhiệm, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các phần việc liên quan, trong đó chú trọng bám sát hướng dẫn chỉ đạo và đề xuất, thúc đẩy tiến độ thông qua, phê duyệt các thủ tục từ các đơn vị liên quan cấp Trung ương. Phân công Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trần Anh Dũng chủ trì, điều hành giải quyết các phần việc. Đồng thời yêu cầu mỗi đơn vị sở, ban, ngành phải bố trí một lãnh đạo và cán bộ chuyên trách để chủ động xử lý các phần việc đảm bảo tiến độ đề ra.
Đối với khu công nghiệp đã có nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án đầu tư xây dựng hạ tầng gồm Hải Long, Minh Châu, Nam Hồng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương triển khai, chịu trách nhiệm về tiến độ từng phần việc liên quan gồm: Lập quy hoạch chung các khu công nghiệp, lập quy hoạch phân khu các khu công nghiệp, lập hồ sơ đề xuất dự án, thẩm định và xin chấp thuận chủ trương đầu tư, giải phóng mặt bằng, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, lập thiết kế bản vẽ thi công, dự toán, lễ khởi công thi công xây dựng công trình…
Bên cạnh đó, Nam Định còn thường xuyên tổ chức các cuộc họp với các sở, ban, ngành để bàn bạc, xác định cụ thể các cơ chế chính sách có thể vận dụng, thống nhất các phần việc liên quan có thể tiến hành song song, đồng bộ nhằm cắt giảm tối đa quy trình, thủ tục hành chính giúp đẩy nhanh tiến độ thành lập khu công nghiệp.
Yêu cầu các sở, ban, ngành cũng tổ chức các buổi làm việc với các nhà đầu tư các dự án để đôn đốc tiến độ thực hiện, nắm bắt và kịp thời thống nhất biện pháp giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trên quan điểm tỉnh sẽ hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết các phần việc thuộc thẩm quyền địa phương với tiến độ nhanh nhất trong khuôn khổ quy định pháp luật. Sẵn sàng đồng hành với nhà đầu tư để thực hiện các phần việc liên quan đến các bộ, ngành Trung ương. Riêng các phần việc có nhiều vướng mắc thì lãnh đạo tỉnh sẽ trực tiếp cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành phối hợp với Trung ương để hỗ trợ nhà đầu tư giải quyết.
Theo ông Lee Ark Boon, Tổng Giám đốc Sembcorp Development, đồng Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VSIP miền Bắc, miền Trung và Tây Nam Bộ của Việt Nam, tinh thần quyết liệt, hành động chuyên nghiệp trong hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp của Nam Định mà VSIP đã trực tiếp trải nghiệm trong thời gian tiếp cận, tìm hiểu, xúc tiến đầu tư là yếu tố mấu chốt để Tập đoàn Sembcorp và Công ty VSIP Việt Nam đi đến quyết định đầu tư thực hiện dự án xây dựng khu công nghiệp Hải Long.
Không những thế, sau khi đánh giá hàng loạt các điểm mạnh của Nam Định về môi trường đầu tư, vị trí, hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông, đại diện Tập đoàn Sembcorp (Singapore) và Công ty VSIP Việt Nam cũng khẳng định, ngoài dự án xây dựng khu công nghiệp Hải Long, VSIP cũng mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ để VSIP có thể sớm triển khai mở rộng đầu tư xây dựng, phát triển một hệ sinh thái đô thị – công nghiệp – dịch vụ để có thể kiến tạo tại Nam Định một VSIP thành viên có quy mô lớn nhất miền Bắc.
Tỉnh Nam Định đang khai thác 6 khu công nghiệp hiện có và phát triển thêm 10 khu công nghiệp nâng tổng số diện tích quy hoạch các khu công nghiệp trên địa bàn đến năm 2030 là 2.546ha.
Nguồn: diendandoanhnghiep.vn