Thời Lê sơ, nhân tài khoa cử tiêu biểu cho sự trường thịnh của triều đại, là tinh hoa nước nhà, như lời Bài ký đề tên tiến sĩ khoa Nhâm Tuất niên hiệu Đại Bảo năm thứ 3 (1442): “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà vươn cao”.
Chọn nhân tài qua thi cử, nhà Lê sơ xem trọng tiêu chí tài – đức song hành. Quan điểm của giáo dục Nho học, đức độ, lễ giáo luôn được đề cao: “Việc giáo dục chỉ lấy luân lý làm trọng: “Tiên học lễ, hậu học văn”. Bởi vậy việc trau dồi trí thức, theo nguyên tắc luân lý ấy, chỉ là việc phụ thuộc”, lời sách Xã hội Việt Nam. Học lễ nghĩa, học làm người trước rồi mới đến học kiến thức.
![Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: 'Hiền tài là nguyên khí quốc gia' Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: 'Hiền tài là nguyên khí quốc gia'](https://nhipsonghomnay.vn/kcfinder/upload/images/Van-hoa-giai-tri/Tin-vhnt/Nha-Le-so-lam-trong-sach-chon-quan-truong-Hien-tai-la-nguyen-khi-quoc-gia-0.jpg)
Ông tiến sĩ vinh quy
NGUỒN: TRANH KHẮC GỖ CỦA HENRI OGER
Thời Lê sơ, triều đình đề cao đức hạnh người đỗ đạt. Bài ký của Thiếu bảo Lại bộ Thượng thư Vũ Duệ trong bia tiến sĩ khoa Giáp Tuất (1514) lưu ý lấy khí chất trước rồi mới đến tài nghệ, xét đức hạnh rồi mới đến văn chương. Ngoài những trường học công của nhà nước như Thái học viện, Tú lâm cục còn có trường tư chốn thôn quê. Trong nghiên cứu Khoa cử Việt Nam của Nguyễn Thị Chân Quỳnh, nội dung những sách dạy ảnh hưởng lớn tới kiến thức, tư tưởng học trò: Dạy về đạo “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”, cách sửa mình thành người tốt (Đại học); gốc của lễ là tính nhân của con người, giúp hành động theo lẽ phải, không sa ngã (Kinh Lễ); đạo sửa mình theo phong tục, chính trị tốt (Kinh Thi)…
Giai đoạn học định hình nhân cách học trò theo quy chuẩn Nho học, cùng với kiến thức là nền tảng để sau này đỗ đạt vào chốn quan trường giúp cho họ không bị lợi danh làm thay tâm, đổi tính: “Từ xưa đến nay, thường thấy kẻ học thì được hiển vang thì có mà thôi […] Cho nên kẻ học thì nên bậc quân tử, mà kẻ chẳng học ra bọn tiểu nhơn”, Minh tâm bửu giám diễn giải. Đức hạnh là tiêu chí quan trọng trước khi học trò đi thi. Thí sinh trước khi thi Hương phải nộp căn cước, khai quê quán, tuổi tác, lý lịch cha ông kèm “lệ bảo kết” – bảo lãnh của quan sở tại cùng xã trưởng nơi sinh sống cùng giấy cam đoan người dự thi; “thực có đạo đức, hạnh kiểm mới ứng cho thi. Còn những hạng người bất hiếu, bất mục, loạn luân và xui nguyên giục bị đều không được dự thi” (lệnh chỉ của vua Lê Thánh Tông năm Nhâm Ngọ – 1462). Biện pháp này giảm thiểu thành phần đạo đức kém.
Xem thi cử làm trọng, Quốc triều hình luật nghiêm trị những trường hợp sử dụng tài liệu khi đi thi, thi hộ (điều 3 Chương Vi chế); quan chấm thi, quan di phong (dán kín quyển thi), quan đằng lục (sao chép bài của thí sinh để khảo quan chấm) có người thân dự thi đều phải từ chức quan được giao trong kỳ thi đó (điều 2 Chương Vi chế). Giám sinh, sinh đồ đỗ đạt mà làm điều sai trái, sẽ bị xử tội đồ, không được dự thi. Học trò vong ân bội nghĩa, khinh thầy rẻ bạn bị phạt suốt đời không được đi thi (bản tấu của Trạng nguyên Vũ Cử năm Giáp Dần – 1494). Kiến văn tiểu lục thông tin, từ khoa thi năm Mậu Thìn (1448), quan trường phải làm lễ minh thệ.
![Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: 'Hiền tài là nguyên khí quốc gia' Nhà Lê sơ làm trong sạch chốn quan trường: 'Hiền tài là nguyên khí quốc gia'](https://nhipsonghomnay.vn/kcfinder/upload/images/Van-hoa-giai-tri/Tin-vhnt/Nha-Le-so-lam-trong-sach-chon-quan-truong-Hien-tai-la-nguyen-khi-quoc-gia-1.jpg)
Bia tiến sĩ trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám ở Hà Nội
ẢNH: TRẦN ĐÌNH BA
“Sân rồng ruổi ngựa, đường hoa dong cờ”
Thời Lê sơ, tân tiến sĩ được tôn vinh tột bậc với lệ xướng danh, yết bảng vàng, đãi yến tiệc, vinh quy bái tổ, khắc tên trên bia tiến sĩ nên để thay đổi danh phận, làm rạng rỡ gia đình, dòng tộc và bản thân, cử nghiệp là con đường chính đáng nhất đối với kẻ làm trai, như lời Gia huấn ca: “Ba năm chợt đỗ khôi khoa/ Sân rồng ruổi ngựa, đường hoa dong cờ!”. Nhà Lê sơ tổ chức 31 kỳ thi Hội, lấy 994 tiến sĩ, nhiều hơn bất cứ triều đại nào khác.
Những gia đình nhiều thế hệ cùng đỗ đạt như nhà Thân Nhân Trung, nhà Trạng nguyên Lê Nại hay làng tiến sĩ Mộ Trạch, Hải Dương được xã hội trọng vọng. Khoa thi năm Quý Mùi (1463), vua Lê Thánh Tông vui mừng chọn được Tam khôi giỏi nên cho chế cờ tam khôi thêu thơ khen: “Trạng nguyên Lương Thế Vinh/ Bảng nhãn Nguyễn Đức Trinh/ Thám hoa Quách Đình Bảo/ Thiên hạ đều nức danh”. Những người đỗ đạt phải gắng nuôi tiếng tốt, thanh liêm, kiệm ước khi làm quan để lưu danh thơm. Thời Lê sơ, kẻ sĩ đứng đầu bậc thang “tứ dân chi nghiệp”. Vị trí của người làm quan xuất thân từ khoa cử có phần cao hơn những người do tiến cử, bảo cử, tập ấm hay có công trạng. Thậm chí trong hàng ngũ hai ban văn võ cũng khác: “Văn thời ngũ phẩm đã sang/ Võ thời tứ phẩm còn mang gươm hầu”.
Tuy nhiên, vẫn còn hạn chế trong khoa cử làm giảm hiệu quả chọn người tài. Lê Quý Đôn cho rằng kẻ sĩ thời Lê sơ đa phần trọng hư văn. Lệ kỵ chữ húy thí sinh phạm phải thì bài bị đánh trượt và phạt tội. Con nhà phường chèo, nhà ngụy quan, kẻ phản nghịch, nhà đang có tang không được dự thi làm mất cơ hội của người thực tài.
Nhưng xét tổng thể, khoa cử thời Lê sơ dự phần to lớn vào sự phát triển của xã hội, cung cấp cho nhà nước đội ngũ quan lại tài đức giúp vua, làm cho nước nhà được thịnh trị như lời Lịch triều hiến chương loại chí: “Trong nước không để sót nhân tài, triều đình không dùng lầm người kém. Bởi thế điển chương được đầy đủ, chính trị ngày càng thịnh hưng”. (còn tiếp)
(Lược trích từ tác phẩm Nhà Lê sơ (1428 – 1527) với công cuộc chống nạn “sâu dân,
mọt nước” – NXB Tổng hợp TP.HCM, có bổ sung tư liệu)
Nguồn: thanhnien.vn