Giáo viên dạy thêm online có phải đăng ký, nếu ‘tâm huyết dạy tại nhà miễn phí cho học sinh có bị phạt không’ là những thắc mắc của nhiều giáo viên khi thực hiện Thông tư 29 về dạy thêm học thêm.

Lớp học thêm tại trung tâm dạy thêm học thêm trên đường Trần Hưng Đạo (Q.1, TP.HCM)
ẢNH: BẢO CHÂU
Những ngày vừa qua, trong quá trình thực hiện quy định về dạy thêm học thêm, đã có những giáo viên nêu thắc mắc về công tác tổ chức, tham gia dạy thêm học thêm trong và ngoài nhà trường.
Dạy trực tiếp hay online (trực tuyến) đều được xem là dạy thêm
Chẳng hạn, có giáo viên nêu thắc mắc: ”Đang dạy trường THPT chuyên, do tâm huyết với đội tuyển học sinh giỏi, muốn bồi dưỡng miễn phí cho các em tại nhà có được hay không? Khi đoàn kiểm tra phát hiện đang dạy thêm tại nhà, có bị phạt không, làm thế nào để chứng minh là tôi đang dạy thêm miễn phí? Nếu dạy thêm online, thì có phải đăng ký hay không?”…
Trước những thắc mắc nói trên, ông Hồ Tấn Minh, Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM, giải đáp trong Thông tư 29, dạy thêm học thêm chỉ có khái niệm dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường. Còn dạy trực tiếp hay dạy trực tuyến (online) là phương thức do giáo viên và học sinh lựa chọn. Do vậy, dù dạy thêm trong hay ngoài nhà trường thì cũng phải thực hiện đúng quy định, dù miễn phí hay thu tiền. Dù dạy trực tiếp hay online (trực tuyến) thì đều được xem là dạy thêm và phải tuân thủ theo quy định.
Theo Điều 4, Thông tư 29, giáo viên đang dạy học tại các nhà trường có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường nhưng không được dạy thêm có thu tiền với học sinh đang dạy chính khóa ở trường. Ngoài ra, giáo viên trường công lập không được phép tổ chức kinh doanh.
Do đó, giáo viên chỉ được tham gia dạy thêm ở các cơ sở có giấy phép chứ không được đứng ra quản lý, tổ chức điều hành việc dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường. Ngoài ra, kể cả dạy trực tiếp hay online, giáo viên cũng không được tổ chức dạy thêm học sinh tiểu học, trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống.
Bồi dưỡng học sinh giỏi theo sự phân công của nhà trường
Đối với tình huống mà giáo viên trường chuyên nêu ở trên, ông Minh cho hay, việc bồi dưỡng học sinh nằm trong kế hoạch giáo dục của các nhà trường và các nhà trường có sự bố trí sắp xếp phân công giáo viên tham gia công tác này.
Vì vậy, khi có nguyện vọng hay có kế hoạch cá nhân liên quan đến việc dạy bồi dưỡng học sinh giỏi thì giáo viên đề xuất với nhà trường để có sự bố trí công tác bồi dưỡng hợp lý, đúng quy định, tránh xảy ra việc “lách” thông tư dẫn đến việc thực hiện không đúng quy định về dạy thêm học thêm.
Nếu giáo viên thực hiện không đúng quy định sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật liên quan đến hoạt động của mình.
Điều 14 Thông tư 29 đã quy định rõ trách nhiệm của giáo viên khi tham gia hoạt động dạy thêm như sau:
- Thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm tại thông tư này và những quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Quản lý và bảo đảm chất lượng dạy thêm, học thêm và quyền lợi của học sinh học thêm, người dạy thêm; quản lý, sử dụng tiền học thêm theo quy định.
- Quản lý, lưu giữ hồ sơ tổ chức dạy thêm, học thêm theo quy định.
- Báo cáo, giải trình về việc thực hiện quy định tại thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan với các cơ quan chức năng khi được yêu cầu.
- Tiếp nhận và xử lý ý kiến, kiến nghị, nguyện vọng của học sinh và phụ huynh học sinh về việc dạy thêm, học thêm trước và trong quá trình tổ chức thực hiện.
Thông tư cũng tăng trách nhiệm quản lý của hiệu trưởng với giáo viên khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường. Cụ thể, giáo viên khi dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo với hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.
Nguồn: thanhnien.vn