Monday, February 24, 2025

Cảnh báo nguy cơ nhập viện do cúm ở người có bệnh nền

VTV.vn – Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, số ca nhiễm cúm đang gia tăng, đặc biệt ở người có bệnh lý nền.

Tại Khoa Bệnh nhiệt đới, trong 2 tuần sau Tết Nguyên đán, số lượt khám vì cúm tăng mạnh, trung bình hơn 30 ca mỗi ngày, trong đó 30 – 40% trường hợp có bệnh lý nền như tim mạch, hô hấp, ung thư, suy giảm miễn dịch… mắc cúm buộc phải nhập viện do nguy cơ diễn biến nặng.

Như trường hợp bệnh nhân N.T.T. (55 tuổi, trú tại phường Hồng Hà, TP Hạ Long, Quảng Ninh) nhập viện điều trị trong tình trạng sốt, ho kèm theo khó thở nhiều ngày. Qua thăm khám, xét nghiệm chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phổi, suy hô hấp do mắc cúm A. Bệnh nhân có tiền sử mắc ung thư dạ dày và giãn phế quản nên đã được chỉ định nhập viện. Sau 4 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân hiện đã cắt sốt, sức khỏe đang dần ổn định.

BSCKII Lương Xuân Kiên – Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới cho biết: Thời tiết thất thường cùng với môi trường nồm ẩm là điều kiện lý tưởng cho virus cúm phát triển và lây lan nhanh chóng. Bệnh cúm mùa thường khởi phát với các triệu chứng như sốt cao trên 38 độ C, đau mỏi cơ, ớn lạnh, đau đầu, ho khan, mệt mỏi, nghẹt mũi, viêm họng, khó thở…

Cảnh báo nguy cơ nhập viện do cúm ở người có bệnh nền - Ảnh 1.

Người có bệnh nền cần cẩn trọng khi mắc cúm.

Đa phần các trường hợp cúm có thể tự hồi phục sau một tuần, tuy nhiên, với những người có bệnh lý nền mạn tính, đối tượng người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai thì bệnh có thể diễn biến nặng, gây biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp và thậm chí tử vong. Những bệnh nhân này cần đặc biệt lưu ý theo dõi sát sức khỏe, đến cơ sở y tế khi xuất hiện các triệu chứng nặng để được thăm khám và can thiệp kịp thời. Đối với những ca nhẹ, bác sĩ sẽ tư vấn điều trị tại nhà và theo dõi sức khỏe, tránh lạm dụng kháng sinh hay tự ý dùng thuốc không theo chỉ định.

Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính, chủ yếu do các chủng virus cúm A, B, C gây ra, xuất hiện quanh năm và nhiều hơn khi thời tiết chuyển mùa, đặc biệt vào mùa Đông – Xuân. Khác với cảm thông thường, virus cúm mùa có tính chất dễ biến đổi chủng nên mỗi năm thường xuất hiện các chủng virus mới, vượt ra ngoài tầm kiểm soát của hệ thống miễn dịch cơ thể. Do đó, việc phòng bệnh và chữa bệnh trở nên khó khăn hơn, tỷ lệ tử vong cũng cao hơn.

Bệnh cúm thông thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày. Nhưng đối với người lớn tuổi, đặc biệt là người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và nguy cơ tử vong. Khi có các triệu chứng sốt cao liên tục không giảm kèm rét run, khó thở hoặc đau tức ngực, lơ mơ, li bì, nôn nhiều, các triệu chứng nặng hơn hoặc không cải thiện sau 5 – 7 ngày, nhất là người có bệnh lý nền nhiều nguy cơ thì cần đến viện thăm khám ngay.

“Việc tự ý mua thuốc điều trị, đặc biệt là sử dụng thuốc kháng sinh hay kháng virus không theo chỉ định sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Những loại thuốc này cần được chỉ định và theo dõi bởi bác sĩ để đảm bảo an toàn và hiệu quả”, bác sĩ Kiên nhấn mạnh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Nguồn: vtv.vn

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img