Wednesday, February 26, 2025

Tiết giảm chi phí, ngân hàng tìm cách hạ lãi suất

VTV.vn – Để giảm lãi suất cho vay, ngân hàng phải hạ được lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, chia sẻ một phần lợi nhuận với khách hàng.

Thanh, kiểm tra các ngân hàng tăng lãi suất huy động

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu thanh, kiểm tra các ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động, xử lý nghiêm những đơn vị không thực hiện theo chỉ đạo. Đây là nội dung trong Công điện số 19 mới được ban hành.

Thực tế là trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo đối với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam và các tổ chức tín dụng về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, vẫn có một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng lãi suất huy động, là yếu tố tác động làm tăng lãi suất cho vay.

Thủ tướng cũng yêu cầu NHNN thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến của lãi suất huy động, cho vay của các ngân hàng thương mại, thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các giải pháp theo thẩm quyền để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí hợp lý, phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng.

Tiết giảm chi phí, ngân hàng tìm cách hạ lãi suất - Ảnh 1.

Doanh nghiệp, người đi vay luôn mong muốn được tiếp cận khoản vay với lãi suất ưu đãi nhất, để tối ưu hóa chi phí vốn

Tiết giảm chi phí, ngân hàng tìm cách hạ lãi suất

Để giảm lãi suất cho vay, ngân hàng phải hạ được lãi suất huy động, tiết giảm chi phí hoạt động, chia sẻ một phần lợi nhuận với khách hàng. Trong đó, kiểm soát chi phí huy động, như chỉ đạo xuyên suốt của Thủ tướng thời gian vừa qua là giải pháp trực tiếp nhất giúp người dân, doanh nghiệp có thể vay vốn với lãi suất hợp lý, mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực – thực phẩm TP. Hồ Chí Minh, nhu cầu vốn tín dụng của các doanh nghiệp trong ngành tăng cao ngay từ đầu năm. Vừa để tích trữ nguyên liệu, đảm bảo cung ứng hàng hoá cho các đơn hàng xuất khẩu. Vừa để chủ động nguồn hàng nội địa, kiểm soát được giá cả ở mức tốt nhất, phục vụ cho các chương trình kích cầu tiêu dùng trong năm nay.

Bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực – Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Đối với doanh nghiệp có hợp đồng tiêu thụ tốt hàng hóa trong nội địa, có tiêu thụ tốt về xuất khẩu nên xét duyệt, cho thêm một số tín chấp cho doanh nghiệp. Trong quy trình tín dụng, cho vay, đáp ứng trong xét duyệt nhanh nhất có thể theo như tình hình hiện nay, sự nhanh nhất đó là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp”.

Doanh nghiệp, người đi vay luôn mong muốn được tiếp cận khoản vay với lãi suất ưu đãi nhất, để tối ưu hóa chi phí vốn. Về phía ngân hàng, để có thể đồng hành cùng khách hàng, bên cạnh nguồn tiền gửi không kỳ hạn CASA nhằm tranh thủ tối đa nguồn vốn giá rẻ, tiết giảm chi phí hoạt động, giảm lợi nhuận đã được nhiều ngân hàng liên tục triển khai thời gian qua nhằm giữ chân khách hàng hiện hữu cũng như thu hút thêm khách hàng mới.

Bà Đoàn Thái Thanh Thuỷ – Phó Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ – Ngân hàng SHB nhân định: “Ngân hàng luôn có một bộ đệm để cân đối mức lãi suất đầu ra tối ưu nhất cho khách hàng. Tại giai đoạn này, theo chỉ đạo của Chính phủ, các ngân hàng cùng chia sẻ áp lực với người vay. Nên ngân hàng sẽ hy sinh một phần lợi nhuận để đảm bảo biểu lãi suất thả nổi ở giai đoạn tiếp theo sẽ ở mức hợp lý nhất”.

Tuy nhiên, tuỳ theo từng ngân hàng mà dư địa để tối ưu hoá chi phí sẽ khác nhau. Theo thống kê mới nhất của Vietstock, biên lợi nhuận ròng bình quân NIM của 27 ngân hàng cổ phần cuối năm 2024 chỉ còn 2,18%, giảm khá mạnh, tới hơn 1/3 so với cuối năm 2023.

Ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Khối Phân tích – Khách hàng Cá nhân – Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nêu ý kiến: “Đây là một mức khá thấp đối với các ngân hàng. Như vậy nếu để mức thấp hơn thì việc tối ưu cho việc huy động vốn của các ngân hàng sẽ trở nên rất khó. Các ngân hàng vẫn có khuynh hướng tìm các nguồn vốn dài hạn có lãi suất tương đối hấp dẫn và tốt”.

Theo các chuyên gia, lúc này rất cần phát huy vai trò NHNN, có thêm cơ chế để NHNN đưa tiền vào thị trường, thêm công cụ để NHNN cung ứng vốn dài hạn như mở bán giấy tờ có giá kỳ hạn dài 3 tháng, 6 tháng, thay vì chỉ một vài tuần như hiện nay.

Các ngân hàng thương mại cũng mong muốn được gỡ vướng một số quy định pháp lý liên quan đến trích lập dự phòng tín dụng được quy định tại Nghị định 68 ban hành năm 2024, như quy định ngân hàng phải trích lập dự phòng 100% cho các khoản vay, tính toán giá trị khấu trừ của tài sản đảm bảo phải coi bằng 0 dù mới chỉ quá hạn 1-2 năm trong khi tài sản đảm bảo giá trị cao.

Thực hiện các giải pháp này sẽ giúp ngân hàng thương mại có thêm năng lực cung ứng tín dụng cho nền kinh tế mà không cần phải chạy đua tăng lãi suất huy động.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Nguồn: vtv.vn

PHIM ĐẶC SẮC
spot_img
spot_img
spot_img
TIN MỚI NHẬN
TIN LIÊN QUAN
- Quảng Cáo -spot_img