Trong một xã hội tôn vinh nét đẹp thanh xuân và sợ tuổi già, áp lực phải giữ gìn tuổi trẻ trở nên rất căng thẳng.
Ở Hàn Quốc, các cuộc trò chuyện với người lạ thường bắt đầu bằng việc chia sẻ tuổi tác, điều này giúp xác định cách sử dụng kính ngữ phù hợp, một khía cạnh quan trọng của tiếng Hàn và hình thành kì vọng về vai trò của mọi người trong mối quan hệ.
Khi nói về tuổi tác, việc khen ai đó trông trẻ hơn là điều rất bình thường, gần như là điều hiển nhiên. Lối giao tiếp này không chỉ có những người ở độ tuổi trung niên mà còn ở những người ở độ tuổi 20, 30.
![]() |
Sự ám ảnh về khuôn mặt trẻ thơ
Lời khen ngợi về vẻ ngoài trẻ trung là điều phổ biến, nhưng ở Hàn Quốc, nơi những cuộc trò chuyện về tuổi tác và ngoại hình cởi mở và thường xuyên hơn, các tiêu về sự trẻ đẹp cũng cụ thể và chi tiết hơn.
Khi được hỏi điều gì khiến một người trông trẻ hơn, nhiều người Hàn Quốc đã chia sẻ nhiều ý kiến khác nhau.
Ví dụ, làn da rám nắng được coi là trẻ trung ở Mỹ thì người Hàn Quốc lại ưa chuộng làn da trắng sáng, không tì vết mà họ gọi là “làn da em bé”.
Bất chấp nhiều phản hồi khác nhau, sự đồng thuận về một làn da đẹp dường như tập trung vào những đặc điểm của trẻ sơ sinh. “Làn da! Không có nếp nhăn, và phải sáng bóng mà không bị khô. Nó cũng phải trông rất tự nhiên ” – Park Hee-jung, 27 tuổi, cho biết.
“Mái tóc dày là điều bắt buộc” – Ahn Hyung-won, 38 tuổi, quan niệm.
“Tôi nghĩ để trông trẻ họ phải trông dễ thương. Làn da đẹp và các đường nét khuôn mặt tròn trịa là quan trọng. Một chiếc mũi to sẽ làm khuôn mặt xấu hơn”.
Bác sĩ da liễu Kim Tae-kyun đã nêu bật 3 tiêu chuẩn chính để duy trì vẻ ngoài trẻ trung trên một kênh YouTube: Đầu tiên là khuôn mặt hình thon gọn, săn chắc. 2 điều còn lại liên quan đến làn da: da đều màu và không có nếp nhăn.
Tuy nhiên, một số người tin rằng sự trẻ trung đến từ thái độ nhiều hơn là ngoại hình.
“Tôi nghĩ rằng lão hóa là điều không thể tránh khỏi. Cho dù bạn có trải qua bao nhiêu cuộc phẫu thuật, thì lão hóa vẫn là qui luật”, một phụ nữ ngoài 40 tuổi, cho biết. “Những người thực sự cảm thấy mình trẻ hơn tuổi thường có thái độ tích cực, vui vẻ như thể họ chưa từng gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống”.
Ngành công nghiệp chống lão hóa phát triển mạnh
Năm 2017, tạp chí làm đẹp dành cho phụ nữ Allure của Mỹ đã gây chú ý khi tuyên bố sẽ không sử dụng thuật ngữ “chống lão hóa” nữa. Nhưng ở Hàn Quốc, khái niệm thách thức tuổi tác không chỉ tồn tại mà còn phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết vào năm 2025.
Video chia sẻ bí quyết chống lão hóa của diễn viên Choi Hwa-jung (64 tuổi) trên YouTube đã gây sốt, thu hút hơn 1,1 triệu lượt xem. Trong các video của mình, Choi đưa ra nhiều lời khuyên, từ cách ngăn ngừa rụng tóc khi già đi đến làm sao để có được làn da rạng rỡ, không tì vết.
![]() |
Diễn viên Choi Hwa-jung, chia sẻ bí quyết giữ gìn làn da của mình (ảnh: Maeil Business Newpaper) |
Nội dung tôn vinh lý tưởng “dongan” (khuôn mặt trẻ thơ) xuất hiện ở khắp mọi nơi tại Hàn Quốc.
Các phòng khám da liễu và phẫu thuật thẩm mĩ địa phương cũng tận dụng nỗi ám ảnh này của toàn xã hội. Quảng cáo và gói khuyến mãi hứa hẹn mang lại vẻ ngoài trẻ trung hơn thông qua nhiều phương pháp điều trị khác nhau, rất khó bỏ qua. Đối với nhiều người, những chương trình khuyến mãi này đóng vai trò như chất xúc tác mạnh mẽ, củng cố mong muốn cải thiện ngoại hình của mọi người.
Thách thức của việc chấp nhận tuổi già
Trong một xã hội tôn vinh sắc đẹp trẻ trung, quá trình lão hóa không thể tránh khỏi có thể giống như một cuộc chiến bất khả thi. Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh rằng thách thức thực sự nằm ở việc chấp nhận quá trình lão hóa và phát triển mối quan hệ lành mạnh với cơ thể đang thay đổi của con nguời.
Kim Hyun, một nhà tâm lí học lâm sàng, phó giáo sư Đại học Columbia, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận những thay đổi về thể chất mà không phán xét.
Kim chia sẻ với tờ The Korea Herald rằng: “Khi quan sát cơ thể mình, hãy nhìn mà không đưa ra bất kỳ phán đoán nào. Chỉ cần đưa ra những quan sát rất khách quan mà không đưa ra lời chỉ trích. Ví dụ, thay vì nghĩ rằng ‘Tôi có nếp nhăn ở đây, nên tôi trông hẳn là kém hấp dẫn”, bạn vẫn có thể chú ý đến đến nếp nhăn mà không dán nhãn chúng là tốt hay xấu. Nên bình thường hóa quá trình lão hóa như một trải nghiệm mà ai cũng phải trải qua trong đời. Lão hóa xảy ra với tất cả chúng ta. Việc chấp nhận nó như một trải nghiệm chung của con người có thể thúc đẩy mối liên kết sâu sắc hơn với những người xung quanh”.
Ở một xã hội quá coi trọng ngoại hình, nơi có tiêu chuẩn sắc đẹp khắt khe, Kim khuyên mỗi người nên hình thành các giá trị cá nhân. Theo Kim Hyun, Bạn có thể vượt qua sự tin về tuổi tác với một chuyên viên tư vấn, nhưng cũng có thể bằng cách tự nhìn nhận giá trị của bản thân. Hãy tự hỏi: Tôi là ai? Những giá trị nào định nghĩa cuộc sống của tôi? Khi tập trung vào những điều này, mỗi người có thể chuyển sự chú ý từ kì vọng của xã hội sang những gì thực sự quan trọng với chính mình.
![]() |
Nhà tâm lí học Lee Seon-kyung, giám đốc điều hành của With Insight, một học viện giáo dục tâm lý, đồng tình với quan điểm của Kim và đưa ra ba chiến lược tâm lý để đón nhận quá trình lão hóa.
“Lòng tự trắc ẩn là điều cần thiết”, Lee nói. “Thay vì chỉ trích bản thân vì những thay đổi đi kèm với tuổi tác, chúng ta nên trân trọng cơ thể đã hỗ trợ chúng ta vượt qua những thách thức của cuộc sống. Lão hóa là điều tự nhiên và điều quan trọng là phải đón nhận nó bằng lòng biết ơn”.
Đoàn kết là một công cụ khác mà Lee đề xuất. “Chia sẻ cảm xúc về tuổi già với những người thân yêu có thể mang lại sự thoải mái và giảm bớt lo lắng. Những mối quan hệ xã hội tốt giúp hỗ trợ nuôi dưỡng cảm giác an toàn và khỏe mạnh”.
Cuối cùng, Lee nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thay đổi quan điểm. “Xem lão hóa như một sự tích lũy trí tuệ giúp mỗi người có suy nghĩ tích cực. Sự thay đổi quan điểm này có thể phá bỏ những định kiến có hại về lão hóa”.
Lee nói thêm: “Lão hóa không phải là điều cần chống lại, đó là một phần của cuộc sống mà chúng ta cần chấp nhận”.
Tuấn Huy (theo Koreaherald)
Nguồn: phunuonline.com.vn